Trước thực trạng lượng du khách đến Việt Nam liên tục giảm từ cuối năm 2014 đến nay, Tổng cục Du lịch đề xuất khá nhiều giải pháp “cứu” ngành du lịch như: miễn visa, mở đường bay mới, quảng bá xúc tiến ở nước ngoài… Chỉ thị 14/CT-TTg của Chính phủ ban hành ngày 3-7 tiếp tục chỉ đạo sát sao việc khắc phục, hạn chế yếu kém và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt.
Khách du lịch nước ngoài thích khám phá thiên nhiên, con người Tây Bắc
Lãnh đạo phương phải chịu trách nhiệm về nạn chặt chém du khách
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Đểm mới của Chỉ thị 14/CT-TTg lần đã làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, trong đó chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm về những vấn đề sai phạm của ngành du lịch xảy ra ở địa phương mình. Bên cạnh đó, Chỉ thị tập trung khắc phục 6 vấn đề: Chặt chém khách du lịch; ăn xin, căn cắp, cướp giật; đảm bảo an toàn đi lại cho khách; vệ sinh ăn uống an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường và thái độ mến khách. Có thể nói, nhiều vấn đề không mới, nhưng chỉ thị đã thể hiện rõ ràng, nổi bật những vấn đề đang gây bức xúc làm giảm chất lượng của ngành du lịch, và để thấy chính phủ đã vào cuộc.
Ở một góc nhìn khác, Chỉ thị làm bật lên vấn đề sự yếu kém của ngành du lịch cần có sự chung tay của các Bộ, ban, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố, chứ Tổng cục Du lịch không thể “đơn thương độc mã” tìm giải pháp khắc phục những tồn đọng của ngành du lịch. Lần này, chỉ thị chỉ đạo cụ thể các tỉnh cần tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý giá cả. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch thực hiện niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; các doanh nghiệp lữ hành thực hiện đúng chương trình du lịch theo hợp đồng đã ký kết, bảo đảm chất lượng dịch vụ. Xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh hoặc đề nghị rút giấy phép.
Rà soát, tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép hoặc không đúng giấy phép, không niêm yết giá và thu cước không theo giá đã niêm yết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che để chủ taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về những chế tài của ngành du lịch để xử lý sai phạm xảy ra ở địa phương. Ví dụ như hiện tượng cho thuê bãi biển trong nhiều năm qua rõ ràng là sai phạm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, trong khi đó chính địa phương lại đang lúng túng vì thiếu chế tài xử lý.
Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ VHTT&DL, chiều qua 3-7, một hội thảo qui mô tìm giải pháp phát triển du lịch Việt Nam cũng đã đã được tổ chức, với sự tham gia của đại diện của các Sở VHTT&DL nhiều địa phương. Tại đây nhiều giải pháp “cứu” hoạt động du lịch Việt Nam đã được đưa ra. Trong đó có đề xuất nghiên cứu và hoàn thiện Đề án mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực đơn phương và cấp thị thực, thu phí thị thực tại cửa khẩu cho du khách nước ngoài tới Việt Nam. M.H |
Miễn visa - không phải giải pháp “cứu cánh”
Khi đặt vấn đề liệu miễn visa có phải là giải pháp cứu cánh cho ngành du lịch? Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, không bao giờ nên bàn chuyện miễn visa để mà khắc phục được những hạn chế, yếu kém và nâng cao năng lực du lịch cạnh tranh của Việt Nam. Cùng lúc, ngành du lịch phải xử lý rất nhiều vấn đề, trong đó visa là một chính sách rất quan trọng, nhưng nó đồng thời phải được thực hiện với những chính sách khác.
Ông Phạm Hà - Giám đốc Lucky Travel nhìn nhận: Phải định vị lại đâu là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Ví dụ như ẩm thực là một thế mạnh rất lớn của chúng ta so với các nước trong khu vực. Phát triển được vấn đề đó sẽ khai tác được những yếu tố văn hóa vùng miền. Qua đó chúng ta sẽ giới thiệu được văn hóa cũng như sự khác biệt ở mỗi vùng trong cả nước. Hiện tại du lịch Việt Nam vẫn tập chung vào số lượng hơn là chất lượng và đại trà. Nếu chúng ta tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao, đa dạng hóa thị trường thì việc sụt giảm một thị trường sẽ không làm ảnh hưởng gì đến du lịch Việt Nam.