Tìm hướng bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền

Minh Quân (ghi) 30/09/2017 07:50

Trái ngược với kho tàng văn hóa và nghệ thuật tín ngưỡng, kho tàng âm nhạc cổ truyền đang mai một. Ở đó, theo PGS Đặng Hoành Loan, các địa điểm trình diễn đang thu hẹp; các điệu dân ca đang hao mòn; các giọng ca hay, các tay đàn giỏi đang ngày một ít đi. Thậm chí theo đánh giá khách quan là đang có một sự thiếu hụt và mất đồng bộ.

Nghệ nhân đàn tính.

Thực trạng báo động

Mới đây, tôi có đọc tờ chương trình “Ấn phẩm Điện Biên” có tiết mục hòa tấu tính tẩu do 2 nghệ sĩ Hoàng Thím và Mao Ết trình diễn.

Tôi tự hỏi, lớp trẻ đâu mà đến nay Điện Biên vẫn chỉ có 2 cụ nghệ sĩ tài danh này? Ngộ, nếu mai kia 2 cụ về “Mường trời với đẳm” thì ai sẽ kế tục?

Đối chiếu với kho băng âm nhạc của Viện Âm nhạc thu thanh cách đây hơn 40 năm, lúc đó đã thu được 200 bài tính tẩu do các nghệ bậc thầy biểu diễn nhưng nay rất ít nghệ nhân còn chơi được.

Nguy cơ nhãn tiền đang xảy ra và sẽ xảy ra đó là sự “biến mất” nhanh chóng của nhiều hình thức nghệ thuật ca đàn giải trí và giáo dục cộng đồng.

Trong đó, có nguyên nhân chính là do những hình thức nghệ thuật không liên quan đến tín ngưỡng, không bị các lực lượng siêu nhiên ngự trị; thích thì chơi, thích thì nghe, ngày nay không còn là nhu cầu bức thiết với người dân.

Cùng với đó nhà trường có giảng giờ nào cái thứ văn hóa này đâu mà bảo lớp trẻ phải tiếp thu, biết gìn giữ vốn quý của cha ông. Mà cái quỹ thời gian học của các cháu cũng chẳng còn chỗ để chúng tìm hiểu, tự xâm nhập vào cái thế giới văn hóa cổ truyền.

Mắng mỏ, chê bai lớp trẻ cũng là bất công, vì chúng ta những bậc cha chú của chúng đang làm ra điều này.

Chưa kể, những môi trường xưa kia nuôi dưỡng nhiều hình thức ca hát giải trí giáo dục như đi rừng, đi củi, chợ phiên, cưới hỏi… đều đã biến đổi.

Phương pháp canh tác nông nghiệp biến đổi, chợ búa hiện đại hóa, cưới hỏi nhạc Âu Mỹ ầm ĩ, con khóc dụ xem tivi, xem điện thoại di dộng…

Tóm lại môi trường diễn xướng cũ hầu như đã tan rã, đang nhường chỗ cho môi trường nghệ thuật hiện đại.

Về lí thuyết, chúng ta đều thống nhất với nhau rằng vốn nghệ thuật cổ truyền của mỗi dân tộc là cơ sở, là chỗ dựa để xây dựng, để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhưng hôm nay chỗ dựa ấy đang có nguy cơ biến mất, làm thế nào gấp rút giữ nó lại, không để nó trượt dốc. Vấn đề này đang còn quá nhiều điều cần bàn thảo.

Có nhiều nhà nghiên cứu phát biểu rằng nghệ thuật dân gian phải diễn ra trong môi trường sinh thái của nó, đem nó ra sinh hoạt ở môi trường khác, sinh thái khác nó sẽ không còn là nó.

Chúng tôi tán thành quan điểm này nếu như môi trường đó, sinh thái đó đang còn hiện hữu trong đời sống hiện đại.

Tiếc rằng, tổ chức xã hội đã quá thay đổi, cơ cấu nông nghiệp đã quá thay đổi, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng quá thay đổi.

Đứng trước hiện trạng này, chúng ta nên hành xử như thế nào?

Giải pháp bảo tồn

Theo suy nghĩ của chúng tôi, thì cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế chính sách, đề án, dự án, các chương trình kế hoạch riêng cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số.

Điều này rất cần sự vào cuộc của Trung ương và cấp tỉnh. Cần đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật hiện có như các câu lạc bộ, các nghệ nhân.

Ngày nay nhiều câu lạc bộ, nhiều gia đình nghệ nhân đã tự tổ chức sinh hoạt nghệ thuật nhưng chưa được hộ trợ sinh hoạt và tài chính nên các tổ chức hoạt động rất “bồng bềnh” và “chòng chành”.

Cứ thử có giải thưởng như thể dục thể thao, tổ chức liên hoan định kỳ, chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều tài năng nghệ thuật cổ truyền.

Thành lập quỹ Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số. Kêu gọi, thuyết phục các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp, hỗ trợ cho quỹ này.

Ngoài ra, trong khi kinh phí còn hạn hẹp, cần phối hợp giữa cơ quan quản lý văn hóa với các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật để lựa chọn, phân loại các hình thức văn hóa, nghệ thuật cổ truyền. Từ kết quả lựa chọn, phân loại sẽ sắp xếp được thứ hạng cần đầu tư bảo tồn trước sau, tránh dàn trải, lãng phí.

Muốn khắc phục điều này, cần tổ chức các hội thảo khoa học để các nhà quản lý văn hóa, khoa học đánh giá về kết quả, hướng đi, cách làm khi chúng ta chuyển đổi chức năng cho nghệ thuật đời thường trở thành sân khấu nghệ thuật dân gian.

Đến đây nảy sinh câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong công tác đầu tư, bảo tồn vốn di sản văn hóa nghệ thuật dân gian?

Câu hỏi này nếu không giải đáp, vấn đề bảo tồn sẽ trở thành câu khẩu hiệu có tính vận động hơn là tính thực hành. Các nhà quản lý văn hóa thì nói, cộng đồng phải tự bảo tồn, vì nó là là tài sản của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo và sở hữu.

Cộng đồng lại bảo, không chỉ có cộng đồng mà phải có sự vào cuộc của và hỗ trợ một cách hiệu quả của nhà nước cho công tác bảo tồn.

Xem ra 2 ý kiến đều đúng, chỉ có điều người nghiêng về bên này, người lệch về phía kia. Điều quan trọng là cần sự khéo léo dung hòa 2 ý kiến, để công tác bảo tồn diễn ra một cách suôn sẻ và mạch lạc.

Điều quan trọng hơn tất cả các điều quan trọng, đó là, các cấp lãnh đạo và đặc biệt là bộ VHTTDL có thực sự yêu, thực sự quan tâm và tha thiết gìn giữa vốn di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền hay không.

Hay cũng chỉ coi trọng tính văn bản, nội dung văn bản về công tác bảo tồn nên chưa đặt ra những giải pháp thỏa đáng cho công tác bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền