Nằm trong khuôn khổ triển lãm “Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4”, ngày 15/10, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã tổ chức buổi tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay thực trạng và giải pháp”, tại Bảo tàng Hà Nội.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung và các sản phẩm mây tre đan sáng tạo.
Tại buổi Tọa đàm các đại biểu đã cùng phân tích về thực trạng hoạt động của mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay. Đó là thực trạng không gian thẩm mỹ công cộng và nhận thức của xã hội trong thời kỳ đô thị hóa ở Việt Nam và vấn đề nâng cao thẩm mỹ của cộng đồng; Những thách thức và cơ hội của mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thực trạng hoạt động quản lý làng nghề, nghệ nhân và định hướng phát triển sản phẩm thủ công ở Việt Nam hiện nay; Sự chuyển đổi nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo tác phẩm mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam; Xu hướng tiêu dùng sản phẩm thiết kế và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam…
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mấu chốt để phát triển mỹ thuật ứng dụng là nguồn nhân lực cũng được đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm. Ở đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghệ Việt Nam Lưu Duy Dần nhìn nhận, hiện Hiệp hội có 13.000 hội viên tham ra và chưa bao giờ giờ làng nghề phát triển rực rỡ như hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần có các chế độ đặc biệt, đãi ngộ với các nghệ nhân ở các nghề thủ công. Bởi thực tế các nghệ nhân giỏi hiện nay vẫn chưa có nhiều. Cùng với đó, theo nhiều đại biểu tại cũng cho rằng việc phát triển làng nghề truyền thống hiện nay còn rất nhiều bất cập. Hiện nay cả nước có gần 10 triệu người sống bằng nghề thủ công và đang góp phần không nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam nhưng không được hưởng chính sách nào của Nhà nước. Thậm chí Nhà nước đầu từ trên 34 nghìn tỷ đồng cho các trường đào tạo của Tổng cục Dạy nghề nhưng lại không đầu tư cho làng nghề.
Trước những ý kiến của các đại biểu, ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhìn nhận: “Mỹ thuật ứng dụng là lĩnh vực hoạt động cần có sự liên kết, phân phối giữa người thiết kế và đơn vị sản xuất; giữa vùng nguyên liệu và nhà sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa thị trường trong nước và quốc tế. Có thể nói liên kết, phân phối để cùng phát triển là điều kiện cực kỳ quan trọng của mỹ thuật ứng dụng”. Cũng theo ông Thành, trong lúc này để thành lập được một tổ chức, một bộ máy làm công việc kết nối các mảng hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng là điều kiện rất khó và không khả thi. Tôi kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, làng nghề, các nhà thiết kế, nghệ nhân, thợ thủ công hay cùng nhau thiết kế một website mỹ thuật ứng dụng với hệ thống quản trị đáng tin cậy, trở thành chợ điện tử mỹ thuật ứng dụng, nơi giới thiệu, chào bán các thiết kế, mẫu mã sản phẩm; trao đổi thông tin, các hoạt động mỹ thuật ứng dụng, kết nối các doanh nghiệp, làng nghề, người thiết kế, người sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ ở trong nước và quốc tế. Tôi cũng kêu gọi việc thành lập Viện Nghiên cứu sơn mài, một chất liệu độc đáo với quy trình chế tác riêng biệt, sáng tạo của Việt Nam. Viện Nghiên cứu sơn mài sẽ là nơi nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển sơn mài Việt Nam để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển sơn mài quốc tế. Ngoài ra tôi cũng kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh cho sự phát triển của chất liệu Trúc chỉ ở Huế, một chất liệu giấy độc đáo khác lạ của Việt Nam có thể sử dụng, chế tác thành nhiều sản phẩm mỹ thuật thủ công độc đáo, thân thiện với môi trường rất hứa hẹn trong tương lai gần…