Làng nghề truyền thống tại Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn đóng vai trò phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, theo họa sĩ Trịnh Yên, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam: Với sự phát triển của kinh tế thị trường các làng nghề truyền thống đang đứng trước vô vàn những thách thức, thậm chí có nguy cơ xóa sổ.
Phục hồi tranh dân gian Kim Hoàng.
Trải qua một thời kỳ dài đất nước có chiến tranh, các làng nghề bị ảnh hưởng nhiều. Từ 1975 trở lại đây, đất nước khắc phục hậu quả của chiến tranh, nhưng phải đến giai đoạn mở cửa, xóa bỏ bao cấp (1995) thì các làng nghề mới có cơ hội hồi sinh. Nhưng lớp người làm nghề bây giờ (vốn là con cháu của các nghệ nhân trứ danh) lại không được truyền nghề căn bản nên đa số không phải nghệ nhân, nhưng họ đã có đầu ra, có hợp đồng lớn, họ vừa học lỏm nhau kĩ thuật và vừa làm công việc này bằng mọi cách...
Khi hàng hóa được sản xuất công nghiệp thì số lượng làng nghề truyền thống tại Việt Nam giảm mạnh. Một số làng nghề đang tồn tại và phát triển trở thành thương hiệu của địa phương như gốm Bát Tràng, mộc Đồng Kỵ, sơn mài Cát Đằng, lụa Vạn Phúc, mỹ nghệ Non Nước... Còn lại hầu như đang trong tình trạng kêu cứu như tranh Đông Hồ, rối Nhân Hòa, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng... Không chỉ các làng nghề sản xuất mà các làng có nghề hát dân ca truyền thống như Trống Quân, Phường Vải, Hát Ghẹo, Cải Lương, Tuồng, Chèo, Xẩm… đều lâm cảnh kêu cứu. UNESCO vinh danh một số di sản chứ không đưa ra phương pháp bảo tồn hay duy trì truyền thống.
Nhiều người kêu Nhà nước cứu làng nghề. Nhưng đó không phải là giải pháp cứu vãn tình thế, tái tạo sản xuất? Quan điểm của họa sĩ Trịnh Yên là bảo tồn, bảo tàng các làng nghề truyền thống bằng hình thức xã hội hóa. Ở đó, việc học tập cách làm và tiêu chí của UNESCO là cần tiến hành công tác khảo cứu, khảo sát các phương tiện, hiện vật và văn kiện văn hóa lịch sử liên quan đến truyền thống của làng nghề để thành lập các bảo tàng địa phương. Với kiến trúc tòa bảo tàng mang đặc thù của làng nghề đây sẽ tiếp tục duy trì thông tin, giới thiệu và các hoạt động của làng nghề trên cơ sở hiện thực của nó vừa bán vé có thu cho ngành du lịch nhằm tạo quỹ bảo trì vật chất và vận hành của bảo tàng. Không những vậy bảo tàng này còn có thể giao lưu các vấn đề liên quan đến khách hàng và tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa như tranh Đông Hồ có thể giới thiệu tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng nhằm mở rộng các tìm hiểu cho khách đi một nơi hiểu được ba chốn sản xuất tranh truyền thống. Từ đó, bảo tàng làng nghề địa phương sẽ góp phần hạn chế sự mất mát làng nghề. Ngoài ra còn đem lại nguồn thu từ du lịch, góp phần tôn vinh và bảo lưu lịch sử văn hóa dân tộc trên danh nghĩa bảo tồn truyền thống, động viên làng nghề và các nghệ nhân tự hào về thành quả của họ.
Bên cạnh việc ra đời các bảo tàng làng nghề cũng cần có phương án đào tạo nghề tại chỗ. Làng nghề sẽ là nơi để người học nhận thức về truyền thống làng nghề và tay nghề. Góp phần bảo lưu và xây dựng truyền thống nguyên bản làng nghề Việt Nam. Phục hồi các dữ liệu đã mất, khôi phục các điển tích, các bí quyết của các làng nghề đã rơi rụng bởi sự ra đi lặng lẽ của các nghệ nhân. Mở đất ứng dụng sáng tác quy chuẩn cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ làng nghề tăng thêm kiến thức, phát triển khả năng kiến tạo, mở rộng các quan hệ kinh tế, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, kế nối phương pháp chuẩn truyền nghề hoàn thiện cho con cháu có nghề tại làng là thế hệ bảo lưu nghề chiến lược về sau...
Có thể nói, làng nghề truyền thống của Việt Nam chính là nguồn di sản văn hóa phi vật thể phong phú của dân tộc, thông qua đó góp phần nâng cao ý thức tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau, đồng thời cũng là những tiềm năng ẩn chức trong nhân dân có thể khai thác, phát huy nhằm đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.