Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội vừa tiếp tục mở cuộc thi sáng tác “Những điệu nhảy Việt Nam” lần thứ 2 (bắt đầu nhận đăng ký từ tháng 2/2017). Trước đó năm 2009, Hội từng phát động lần đầu cuộc thi nội dung này.
Điệu múa Sạp của đồng bào Tây Bắc.
Dù chọn được 8 điệu nhảy và trao giải cho 2 điệu nhảy trong số đó nhưng theo nhận định, các điệu nhảy ấy vẫn chưa thực sự là một điệu nhảy đặc trưng của người Việt. Nhìn rộng ra là chưa mang tính đặc trưng cho cộng đồng người Việt Nam.
8 năm trước, hai điệu nhảy được trao giải của cuộc thi gồm sáng tác của NSƯT Bằng Thịnh, dựa trên điệu múa dân gian “Trống bồng” của làng Triều Khúc, nhưng lại thiên về múa nhiều hơn nhảy. Điệu nhảy thứ hai là “Nhịp sống trẻ” của NSƯT Như Bình, kiểu nhảy đôi như tango hay cha cha cha.
Tuy nhiên, điệu nhảy này chưa rõ nét đặc trưng của người Việt. Thêm nữa, cả hai điệu nhảy trên đều có những động tác phức tạp, khó để người bình thường bắt nhịp.
Ở cuộc thi sáng tác điệu nhảy Việt Nam lần thứ hai này, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội mong muốn tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam để hòa nhập thế giới, như lăm vông của Lào hay valse của Áo… Điệu nhảy đó phải dễ học, dễ phổ biến để người mới bắt đầu học vẫn có thể nhảy được, đơn giản nhưng phải có nét đặc trưng Việt Nam và nhất là phải hấp dẫn.
Một điều cần nhấn mạnh là thay vì tìm điệu nhảy múa như lần trước, lần thứ 2, cuộc thi yêu cầu sáng tác điệu nhảy Việt Nam. Theo các chuyên gia, điệu nhảy nghe có vẻ đơn giản hơn. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu như điệu nhảy Việt Nam lại không dựa trên nền âm nhạc Việt đặc trưng.
Vậy sẽ chọn âm nhạc của vùng nào? Tây Nguyên nổi tiếng với vũ điệu xoang, Tây Bắc có nhảy sạp, miền Trung - Huế có múa chén, múa cung đình, miền Nam được biết đến với múa mâm (múa bóng rỗi)...
Rồi lại còn trang phục như thế nào? Hiện đại hay truyền thống? Nhiều gợi mở được đưa ra nhưng việc tìm được điệu nhảy đáp ứng được những tiêu chí của cuộc thi không đơn giản.
Còn nhớ trong đợt phát động sáng tác điệu nhảy Việt Nam lần trước, ban tổ chức đã giới thiệu một số điệu nhảy Việt Nam nhưng cách thể hiện và trang phục chẳng khác gì khiêu vũ thể thao…
Về việc sáng tác điệu nhảy Việt Nam, nhạc sĩ Hồ Quang Bình từng cho rằng, Việt Nam cần phải có dân vũ. Rằng ít nhất vào dịp đại lễ, ở các quảng trường lớn mà có dân vũ thì có thể thu hút đông đảo mọi người.
Đây hoàn toàn là mong muốn chính đáng, bởi Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa đa dạng, mỗi vùng miền, thậm chí mỗi dân tộc đều có những điệu nhảy múa riêng.
Tìm nét chung trong những điệu múa ấy rồi sáng tạo, biến hóa để thành một điệu nhảy hợp với thời đại ngày nay, phù hợp với sinh hoạt cộng đồng là mục tiêu của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật bấy lâu nay.
Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội từng thành công trong việc phục dựng những điệu múa cổ đất Thăng Long. Đi tìm điệu nhảy đặc trưng của người Việt, cho người Việt trong cuộc sống hôm nay cũng là hoạt động thật ý nghĩa.
Có điều, việc làm này sẽ hiệu quả hơn nếu có sự sát cánh của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, cùng sự tham gia, tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực này.