Là một trong những vùng trọng điểm trồng ngô của Lào Cai, lâu nay cây ngô vốn được coi là một trong những cây trồng chủ lực của người dân huyện Mường Khương. Tuy nhiên, hướng ra cho sản phẩm ngô của người dân hết sức bấp bênh. Để giảm bớt nỗi lo, tạo sự chủ động trên thị trường, vừa qua, tại đây đã triển khai mô hình “Bảo hiểm bền vững” cho ngô. Ban đầu có những kết quả hết sức khả quan.
Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ vận chuyển, bán đúng giá theo cam kết.
Theo thống kê, diện tích gieo trồng ngô của Mường Khương hiện đã đạt 5.556ha với năng suất tổng cộng khoảng 189.000 tấn. Tuy nhiên lâu nay, việc tìm hướng ra cho ngô sau thu hoạch vẫn là “bài toán khó” cho người dân và các cấp chính quyền.
Nhằm thực hiện mục tiêu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để tạo ra chuỗi sản xuất bền vững cho nông dân canh tác ngô, trong năm 2014 - 2015, UBND tỉnh Lào Cai và huyện Mường Khương đã cùng với công ty Dekalb Việt Nam đã phối hợp thực hiện chương trình Liên kết sản xuất ngô bền vững thí điểm cho hơn 100 hộ nông dân tại huyện Mường Khương.
Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác, đại diện của các đơn vị nêu trên cùng ký hợp đồng nguyên tắc, phân rõ trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai mô hình liên kết. Qua đó, UBND tỉnh, huyện và trung tâm khuyến nông tổ chức liên kết các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ lại với nhau, cùng trồng một giống ngô với quy mô lớn làm cơ sở để liên kết với doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng cung ứng đầu vào, kỹ thuật cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân tham gia mô hình nhận được “Bảo hiểm bền vững” với 4 nội dung cam kết: Được ứng giống ngô lai vào đầu vụ và thanh toán vào cuối vụ, được chuyển giao kỹ thuật canh tác, được cam kết năng suất tối thiểu cao hơn năng suất bình quân địa phương, được đảm bảo thu mua toàn bộ ngô bắp tươi khi đến thời điểm thu hoạch.
Theo ông Phạm Bá Uyên, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương, trong giai đoạn 2014-2015 đã phối hợp với Công ty Dekalb Việt Nam thực hiện chương trình liên kết sản xuất ngô bền vững. Thông qua chương trình này, về phía Tập đoàn đã ứng toàn bộ giống và phối hợp đơn vị là công ty An Nghiệp thu mua toàn bộ ngô bắp tươi ngay tại ruộng cho bà con với giá là 2.900.000/tấn. Bằng sự liên kết này, vừa qua Mường Khương đã tiến hành thu mua điểm ruộng đầu tiên trong số 40 héc ta thí điểm năm 2015, ngô rất được giá và ổn định giá nên bà con hết sức phấn khởi.
Hiện nay, thôn Lũng Pâu 1 có 74 hộ thì cả 74 hộ đều trồng ngô, trung bình mỗi nhà trồng 20kg giống, trong đó nhà ông Tráng Vần Diu trồng nhiều ngô nhất thôn. Năm 2014, ông Diu trồng trên 40kg ngô giống, cho thu hoạch tới trên 70 triệu đồng. Ở vùng cao núi đá như Lũng Pâu 1, cây ngô và sự liên kết đã thực sự giúp nhiều gia đình từ nghèo khó nhanh chóng vươn lên thành hộ có thu nhập.
Cũng với những ghi nhận khả quan về liên kết “4 nhà” này, bà Nguyễn Thị Thơm, phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai cho biết: Sau khi lựa chọn và nghiên cứu, hai loại ngô lai có tên là DK6919 và DK8868 đã được lựa chọn và đưa vào trồng thí điểm trên 40,95 héc ta tại các xã như Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Pha Long và thị trấn Mường Khương, với 126 hộ tham gia. Giống ngô đưa vào sản xuất là giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu trồng dày, bộ rễ khỏe, cây cứng, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng hạt thương phẩm tốt, giúp bà con đạt năng suất cao và bán được giá. Chúng tôi rất phấn khởi khi chứng kiến bà con trong mô hình khi thu hoạch đều được doanh nghiệp uy tín đến thu mua trực tiếp và bán được giá. Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lên kế hoạch và đôn đốc thực hiện để nhân rộng mô hình này trên địa bàn cũng như các khu vực lân cận.