Cùng với sự phát triển và hội nhập, các không gian sáng tạo đang đóng một vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa. Tuy nhiên, các mô hình không gian văn hóa hiện nay vẫn phát triển tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ cũng như cơ chế đặc thù để phát triển bền vững.
Khán giả tới với không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội.
Chưa tương xứng
Theo kết quả khảo sát từ Văn phòng Hội đồng Anh tại Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo với 60/140 mô hình, trong đó, số lượng mô hình không gian văn hóa, nghệ thuật lên tới hơn 40. Có thể kể đến các không gian sáng tạo tiêu biểu như Tổ chim xanh, Ơ kìa Hà Nội, Heritage space, Hanoi Grapevine... Không chỉ lớn mạnh về số lượng, các không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội còn đa dạng các loại hình hoạt động, từ mỹ thuật, tạo hình, thời trang, kiến trúc đến phim ảnh… Nhiều ý tưởng và nghệ sĩ tiên phong, các hoạt động nghệ thuật đương đại như âm nhạc thể nghiệm, triển lãm đa phương tiện diễn ra sôi nổi, góp phần khơi gợi tri thức sáng tạo, mở thêm nhiều cơ hội hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng. Không những vậy, những không gian văn hoá và sáng tạo có tiềm năng trong việc tham gia và hỗ trợ các biểu đạt nghệ thuật cũng như các cơ hội tiếp cận với đời sống văn hoá. Mỗi không gian sáng tạo là một địa điểm, có thật hay trực tuyến, có sứ mệnh giúp những nghệ sĩ và người thực hành cùng hợp tác làm việc và tổ chức những chương trình, hoạt động về văn hoá, nghệ thuật và sáng tạo đến với công chúng.
Tuy nhiên, dù có nhiều khởi sắc song hiện lĩnh vực phát triển không gian văn hóa sáng tạo tại Việt Nam, đặc là ở Hà Nội chủ yếu vẫn là những mô hình hoạt động tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ cũng như cơ chế đặc thù để phát triển bền vững. Nhiều không gian sáng tạo ra đời nhằm mục đích phục vụ cộng đồng nhưng lại được coi là một doanh nghiệp đơn thuần, khiến việc tổ chức hoạt động có nhiều bất cập, hạn chế hoạt động sáng tạo. Do đó, các không gian sáng tạo văn hoá thường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn -Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển thì những chủ nhân của các không gian sáng tạo này dường như vẫn “lạc lõng” trong việc đồng hành với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Bởi phần lớn các không gian sáng tạo đều hoạt động nhờ sự nhiệt tình của các sáng lập viên và các cộng sự, hoạt động chuyên môn của các địa điểm văn hóa này không có hoặc có rất ít lợi nhuận. Thậm chí theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Bộ VHTTDL, Hội đồng Anh, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo về các không gian sáng tạo trong thành phố. Đây là những cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các không gian sáng tạo… bàn các vấn đề liên quan đến không gian sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kiến thức này dường như mới chỉ dừng lại ở các cuộc hội thảo, trong sách, ở các nhà nghiên cứu và đại diện của các không gian sáng tạo với nhau, mà chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Để sáng tạo không lạc lõng
Có thể nói, các không gian sáng tạo tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang đứng trước những thách thức, thậm chí nguy cơ phải đóng cửa luôn treo lơ lửng. Ông Hà Anh Tuấn - đại diện không gian sáng tạo The Vươn - Luxury Garden Office cho rằng, đầu tư cho không gian sáng tạo còn nhiều rủi ro bởi đối tượng thụ hưởng thiếu mặn mà trong khi chi phí kiến tạo, duy trì rất tốn kém. Bên cạnh đó, một trở ngại khác nằm ở khâu cấp phép tổ chức.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Kỳ Thanh- sáng lập viên tổ hợp Hanoi Creative City cho rằng, hiện nay các không gian sáng tạo chưa có tư cách pháp nhân cụ thể. Nhiều nơi phải vất vả để hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và sứ mạng cộng đồng bằng việc “đóng nhiều vai” mà Hanoi Creative City, với tư cách pháp nhân là một công ty bất động sản, không có quyền tổ chức sự kiện, là một ví dụ. Không những vậy, theo ông Thanh, hạn chế của Hanoi Creative City cũng như một số nơi khác chính là thiếu sự kết nối giữa các không gian trong, không gian ngoài và khoảng không gian đủ rộng lớn có sự kết nối với hạ tầng giao thông để tổ chức sự kiện quy mô...
Để giải quyết những khúc mắc này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, điều đầu tiên là cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong phát triển thủ đô. Các không gian sáng tạo không chỉ là nơi kinh doanh, khu vui chơi giải trí mà còn là nơi tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố. Bên cạnh việc nhìn nhận những giá trị trực tiếp mà các không gian sáng tạo đem lại. Đơn cử như với Hà Nội cần phải nhìn nhận thấy những giá trị gia tăng, gián tiếp của các không gian sáng tạo ấy như góp phần tạo bản sắc, quảng bá hình ảnh, tăng sức hấp dẫn cho Thủ đô và các tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế, xã hội khác. Tiếp đó hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo của Thủ đô. Chúng ta không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như các doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng... “Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường. Vì vậy, chính quyền thành phố cần phải có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế... thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm những cơ hội phát triển”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.