Mới đây, Uỷ ban MTTQ huyện Cát Hải, Hải Phòng phối hợp UBND huyện Cát Hải tổ chức Hội nghị đối thoại với trên 442 chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản nhằm giải đáp những vấn đề về cắt giảm, sắp xếp, tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Đối thoại với chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Cát Hải.
Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cát Hải cho biết, thời gian qua Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn tổ chức 25 hội nghị đối thoại với nhân dân tại các thôn, tổ dân phố và hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người dân nuôi trồng thủy sản khu vực lồng bè vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ, thị trấn Cát Bà. Có 2.873 đại biểu đại diện các hộ gia đình về dự, tổng số có 581 lượt ý kiến, kiến nghị của nhân dân, trong đó có 331 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp, 265 lượt ý kiến góp ý bằng phiếu.
Đối thoại với các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản mới đây về cắt giảm, sắp xếp, tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, ông Nguyễn Văn Chương - Bí thư Huyện ủy Cát Hải cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà phát triển nhanh về số lượng tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của huyện đảo. Tuy nhiên bên cạnh đó, nghề nuôi trồng thủy sản cũng ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng tới môi trường sinh thái biển cũng như trật tự trên các vịnh. Có đợt cao điểm, rác thải thu gom từ ô lồng bè tới 10 m3/ngày chưa kể lượng rác trôi dạt trên vịnh.
Cùng với đó, tình trạng nuôi tự phát phổ biến, các lồng bè quá sát nhau và dày đã hạn chế tốc độ của dòng chảy, làm giảm mức độ trao đổi, làm sạch nước, tăng nguy cơ dịch bệnh. Không chỉ gây mất mỹ quan, hiện tượng thủy triều đỏ và dịch bệnh hải sản liên tiếp xuất hiện ở một số khu vực như Hang Vẹm, Vụng O,… gây thiệt hại lớn đến kinh tế các hộ nuôi. Một thực tế khác nữa đó là gần 90 tàu xi măng đỗ ngổn ngang trên các vịnh. Số tàu trên đều không có đăng kiểm, không có giấy phép hoạt động và không có đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là việc người già và trẻ em sinh sống trên các bè sản xuất không đảm bảo…
“Do đó huyện phải kiên quyết, triệt để trong việc thực hiện cắt giảm, di dời, sắp xếp ô lồng bè, giàn bè. Di dời các tàu xi măng ra khỏi vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tạo môi trường vịnh xanh, sạch, đẹp đáp ứng với các tiêu chí để đề nghị UNESCO công nhận “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới”, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch và kinh tế, xã hội bền vững của địa phương”, ông Chương nhấn mạnh.
Hội nghị đối thoại lần này có 22 lượt ý kiến phát biểu của đại diện 442 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản. Đa số hộ nuôi ủng hộ chủ trương của thành phố và huyện về thực hiện cắt giảm, sắp xếp lồng bè theo quy hoạch để bảo đảm vệ sinh môi trường đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo thành phố và huyện có lộ trình, thời gian phù hợp để nhân dân có kế hoạch thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm và mong muốn thành phố, huyện có cơ chế hỗ trợ và bố trí điểm nuôi mới phù hợp. Sau khi hoàn thành việc thực hiện cắt giảm, sắp xếp lồng bè hộ nuôi mong muốn được cấp thủ tục về nuôi trồng thủy sản hợp pháp tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà để người nuôi an tâm đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Chương ghi nhận tinh thần tích cực của 442 hộ nuôi trồng thủy sản dự hội nghị đối thoại và đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo thành phố và huyện. “Trên cơ sở nhân dân kiến nghị, huyện sẽ tổng hợp và đề xuất các sở ngành thành phố để có cơ chế chính sách phù hợp với việc cắt giảm, di dời, sắp xếp ô lồng, giàn bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Lãnh đạo huyện mong muốn nhận được sự đồng thuận trong nhân dân”, ông Chương nói.
Theo Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Cát Hải Nguyễn Thị Hương, thời gian tới Mặt trận huyện tiếp tục tập trung vào công tác đối thoại nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, kịp thời báo cáo, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những phát sinh đột xuất đến cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Mặt trận cấp trên để có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời.