Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một trong những hoạt động gắn liền với việc bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, tạo dựng sự phát triển của tương lai của mỗi dân tộc từ những mối liên kết đặc thù của quá khứ và hiện tại. UNESCO nói chung và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nói riêng đang đóng vai trò điều phối, định hướng cho các địa phương sở hữu các di sản.
Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đối với Việt Nam, cho đến nay UNESCO đã công nhận 39 loại hình danh hiệu tại Việt Nam trong đó có 8 danh hiệu về di sản văn hóa và thiên nhiên. Trong thời gian qua, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tham gia vào quá trình xây dựng, đệ trình công nhận di sản của UNESCO, định hướng và truyền tải kinh nghiệm của UNESCO triển khai tại Việt Nam và đề xuất các kiến nghị liên quan đến hoạch định chính sách của quốc gia về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng kết nối mạng lưới giữa các khu di sản, chính quyền địa phương và thế giới để chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và bảo tồn di sản đồng thời điều phối các hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn của quốc gia để thúc đẩy và bảo tồn các di sản cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên cũng còn một số vấn đề đặt ra như việc phối hợp, phân vai giữa Ban Thư ký, Bộ Ngoại giao với Bộ VHTTDL. Từ đó đã tạo ra vô số những bất cập trong khả năng điều phối, kết nối giữa các bộ, ngành với các địa phương có di sản.
Đơn cử như trường hợp Di sản Thành Nhà Hồ khi khai quật, nghiên cứu đường Hoàng Gia, xây dựng chương trình khảo cổ học chiến lược, làm rõ các thành phần và bổ sung kế hoạch quản lý, xây dựng và ban hành quy định khống chế chiều cao xây dựng cho các khu vực đề cử. Tuy nhiên việc mở rộng các khu vực đề cử vẫn chưa thực hiện được, tiến độ triển khai thực hiện cam kết về cơ bản còn chậm. Ở đó, theo ông Nguyễn Bá Linh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, nguyên nhân dẫn đến những chậm trễ trong thực hiện những cam kết của quốc gia thành viên với UNESCO đầu tiên phải kể đến đó là vai trò của các cấp ngành liên quan (UBND cấp tỉnh, Sở VHTTDL, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý di sản) trong việc đưa ra cam kết và thực hiện những cam kết chưa được thể hiện một cách rõ nét. Việc thực hiện các cam kết chưa thật sự nhận được sự quan tâm của các ban ngành chức năng. Cũng theo ông Nguyễn Bá Linh, điều này đặt ra vấn đề quan trọng đòi hỏi phải có sự tham gia một cách đồng bộ của nhiều cấp ngành trong việc đưa ra những cam kết chiến lược trong quản lý Di sản văn hóa và thực hiện những cam kết đó. Trong sự tham gia một cách đồng bộ đó, vai trò của Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam cần được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất bởi một tiếng nói của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện những cam kết chiến lược quản lý Di sản đối với các cấp quản lý Di sản văn hóa thuộc mỗi địa phương (chẳng hạn như UBND cấp tỉnh) sẽ là một động lực rất lớn góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết này. “Bởi tiếng nói đó là tiếng nói của quốc gia thành viên với UNESCO và là chỉ đạo từ trung ương xuống địa phương nên sẽ có trọng lượng rất lớn buộc từng địa phương phải chú ý thực hiện những điều đã cam kết” - ông Linh nhấn mạnh.
Ngay cả với di sản đã 2 lần được UNESCO vinh danh như Vịnh Hạ Long vẫn còn đó vô số những trăn trở của các nhà quản lý. Ông Phạm Đình Huỳnh- Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bày tỏ, trong những năm qua đơn vị đã có những nỗ lực hết mình để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trước những đánh giá hàng năm khá khắt khe của Ủy ban Di sản thế giới đối với việc bảo tồn danh hiệu di sản trong bối cảnh nhu cầu khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn và đôi khi trước ý kiến trái chiều của dư luận. Khách quan mà nói thì đó là phản biện của những người hết lòng yêu quý Vịnh Hạ Long và luôn tự đặt mình là một bộ phận và có trách nhiệm với di sản chung của quốc gia và nhân loại. Cùng với đó, trong quá trình bảo vệ Di sản diễn ra trong điều kiện phát triển đô thị và công nghiệp gia tăng, yêu cầu về duy trì quản lý du lịch bền vững, giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan và môi trường tự nhiên xung quanh, cùng với các khó khăn, thách thức không nhỏ như Vịnh Hạ Long là khu di sản biển đảo rộng lớn, có nhiều giá trị tiềm năng, mang tính nhạy cảm cao về cảnh quan, môi trường tự nhiên. Không những vậy di sản cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế, xã hội đa ngành.
Có thể thấy, với các di sản được sau khi được UNESCO vinh danh đang đối mặt với vô vàn những thách thức trong việc bảo tồn và phát triển. Trong đó, các công việc về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ngày càng quan trọng và cấp thiết nhằm đảm bảo tốt các cam kết với UNESCO cũng như hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển cân bằng, hài hòa của quốc gia và địa phương có di sản. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách, phối hợp thông tin, hoạt động giữa các đơn vị quản lý, tuyên truyền giáo dục cộng đồng... trong đó không thể thiếu được vai trò điều phối các tiểu ban chuyên môn với các địa phương của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.