Tìm sự mới mẻ níu chân khán giả

NGUYỄN PHÚC QUỲNH HOA 12/07/2023 07:28

Vài năm trở lại đây, do phải cạnh tranh với nhiều phương tiện giải trí mới mẻ, nhiều nhà hát trở nên đìu hiu, thưa thớt dần các đêm diễn. Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng nhà hát mới vẫn tiếp tục được đề xuất hoặc đang trong quá trình thi công. Vậy điều đó có dẫn đến tình trạng thừa nhà hát? Bên cạnh đó, các nhà hát cần phải làm gì để tạo sức hút khán giả?

Các nhà hát nằm trong thiết chế văn hóa ở các thành phố cũng như ở nông thôn, phục vụ cho người dân. Ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, có những nhà hát xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mang kiến trúc đặc trưng của phương Tây. Theo thời gian, dân số tăng lên, không gian đô thị mở rộng, một số nhà hát được xây dựng thêm. Tính đến hiện tại, Hà Nội hiện có 20 nhà hát, nhưng không phải nhà hát nào cũng khang trang, thậm chí xập xệ từ nhiều năm mà không được tu bổ, chỉ dừng lại ở việc sử dụng cho các buổi luyện tập, đến khi biểu diễn phải đi thuê địa điểm.

Nhà hát Lớn Hà Nội.

Xây nhà hát mới hay cải tạo nhà hát cũ?

Cũng bởi thế mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận định về tình trạng chung của các nhà hát hiện nay: “Thiếu thì vẫn thiếu, mà thừa thì vẫn thừa”. Chúng ta đang rất thiếu những nhà hát với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhưng lại thừa nhiều nhà hát chưa đáp ứng tốt yêu cầu của nghệ sĩ tới biểu diễn, cũng như khán giả tới thưởng thức. Như trường hợp của Nhà hát Chèo Việt Nam, có không gian bên trong nhà hát khá rộng rãi, nhưng công năng sử dụng dường như chưa xứng đáng với mức đầu tư. Rất nhiều đêm nhà hát không sáng đèn, dẫn đến trang thiết bị phải “đắp chiếu” chờ đợi nghệ sĩ biểu diễn. Trong khi đó, Nhà hát Lớn Hà Nội có những thời điểm các đoàn nghệ thuật muốn được vào biểu diễn, nhưng nhà hát không thể đáp ứng được về lịch trình, buộc lòng phải lựa chọn đơn vị biểu diễn.

Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra đề xuất xây dựng Nhà hát Các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, dự án này là cần thiết, nhưng vị trí thì cần cân nhắc lại. Bởi trong khu vực ấy đã có 3 nhà hát gồm: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, gần đó ở phố Tràng Tiền có Nhà hát Kịch Hà Nội. Việc xây dựng các nhà hát chen chúc nhau như vậy là thiếu thẩm mỹ về mặt quy hoạch.

Vì vậy, cần xem xét một vị trí mới hợp lý hơn cho nhà hát. Ví dụ như khu Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), trong những năm trở lại đây rất đông dân cư chuyển đến sinh sống, nhưng chưa có một nhà hát đúng nghĩa được xây dựng. Từ thực trạng đó, người quản lý cần đúc rút ra kinh nghiệm, trên một địa bàn chừng đấy dân cư, cần mấy nhà hát là đủ, thay vì phần lớn xây dựng theo cảm tính như bấy lâu nay. Rồi trong một năm, phục vụ được bao nhiêu buổi biểu diễn.

Xây dựng các nhà hát là việc cần làm, song NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, chúng ta không thể vì thế mà không chú trọng việc tu bổ, nâng cấp cho các nhà hát hiện có. Sau 5 kỳ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, bạn bè quốc tế khi được chọn sang Việt Nam biểu diễn thường đặt ra những yêu cầu rất cao về hệ thống âm thanh, ánh sáng…, mà chúng ta chưa có điều kiện để nhập những thiết bị đó. Thậm chí, nhiều nhà hát xây dựng được sân khấu, chỗ ngồi đủ đáp ứng được lượng lớn khán giả, như vậy là mới chỉ có cái vỏ, nhưng trang thiết bị hiện thì chưa bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ trên thế giới. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam cũng có những ý tưởng táo bạo, không thua kém gì bạn bè quốc tế, nhưng điều kiện hiện có của một số nhà hát chưa đủ khả năng để xử lý những ý tưởng sáng tạo đó.

Việc đầu tư tu bổ, nâng cấp các nhà hát cũng cần phải được thực hiện có trọng điểm, trọng tâm, cần ưu tiên hàng đầu những nhà hát ở 2 thành phố lớn nhất của cả nước, hướng đến xây dựng những nhà hát “đầu tàu” để kéo cả “đoàn tàu” nghệ thuật sân khấu ở nước ta tiến lên phía trước. Bởi hiện nay, nhiều nhà hát vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Tăng “sức đề kháng” cho các nhà hát

Trong bối cảnh hiện nay, việc thưởng thức nghệ thuật trong các nhà hát truyền thống bị chi phối bởi nhiều loại hình giải trí khác như: Phim truyền hình, gameshow… Sân khấu vì thế không còn giữ được vị thế độc tôn như trước đây, không còn cảnh xếp hàng hàng tháng để mua vé. Nhiều khán giả có tâm lý ngần ngại khi bỏ tiền mua vé vào nhà hát, trong khi có thể ngồi ở nhà mà vẫn xem được chương trình mình yêu thích qua màn hình. Chưa kể đến trường hợp thời tiết không thuận lợi, khiến việc ra ngoài lại càng trở nên bất tiện.

Dẫu sao, theo ông Giang Mạnh Hà, đây cũng là thực tế mà không một quốc gia nào có thể tránh khỏi, có thời kỳ sân khấu lên tới đỉnh cao, rồi cũng phải bước vào giai đoạn thoái trào, khủng hoảng. Là một quốc gia đang trên đà phát triển và hội nhập, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, chúng ta cần đối chiếu, học hỏi các nước trong khu vực và thế giới vượt qua thời kỳ khó khăn như thế nào, để từ đó tìm ra lối đi cho mình.

Trước tình hình này, ông Hà mong muốn, trong thời gian tới, nền nghệ thuật sân khấu nước ta cần nhận được sự quan tâm đúng mức, đầu tư, hoạch định, xây dựng được tầm nhìn chiến lược phát triển mang tính lâu bền, đặc biệt là ngành nghệ thuật biểu diễn thuộc thể loại kịch hát truyền thống dân tộc như: Tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, múa rối… Đây là những loại hình nghệ thuật còn hạn chế đối với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, nên rất cần được bảo tồn, quảng bá để có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.

Khi đã thành công trong việc tiếp cận được khán giả trong nước, hứa hẹn sẽ tạo tiền đề cho việc quảng bá các loại hình sân khấu nghệ thuật này tới bạn bè quốc tế. Khách du lịch nước ngoài khi sang nước ta du lịch, thường sẽ dành thời gian tham quan các khu du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong buổi sáng. Sau một ngày, du khách có thể cân bằng lại bằng việc thưởng thức thưởng thức những tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam trong rạp hát. Khi đã có những nhà hát đủ tầm cỡ, cùng các chương trình biểu diễn nghệ thuật đủ sức hấp dẫn, các công ty du lịch sẽ sẵn sàng liên kết với các nhà hát, để tăng trải nghiệm cho du khách.

Sự đầu tư này không thể chỉ trông chờ vào các đơn vị tư nhân, mà cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Ở lĩnh vực điện ảnh, nhiều đơn vị tư nhân sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng cho những bộ phim với những kỹ xảo tiên tiến. Đáng buồn, các vở diễn trên sân khấu chỉ nhận được mức hỗ trợ 500-800 triệu đồng là cao. Trong khi đó, thời lượng biểu diễn cũng mất tối thiểu 2 tiếng đồng hồ, quá trình luyện tập cũng mất nhiều thời gian và công sức. Với một mức đầu tư chênh lệch lớn như vậy, làm sao cho ra được những tác phẩm đạt chất lượng cao, lôi cuốn khán giả.

Mặt khác, mức lương cơ bản, thù lao bồi dưỡng cho nghệ sĩ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa tương xứng với công sức, tài năng của văn nghệ sĩ bỏ ra. Việc tuyển chọn đầu vào của các trường đại học đào tạo nghệ thuật đối với thí sinh trẻ là rất khắt khe. Bên cạnh năng khiếu diễn xuất, đòi hỏi thí sinh phải có sắc vóc, dung nhan, rồi giọng nói, giọng hát hay. Sau khi ra trường, lương chỉ vài triệu đồng, không đủ nuôi sống bản thân, không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Chưa kể, nhiều sinh viên ở các tỉnh lên Hà Nội, TPHCM theo học phải bỏ tiền ra thuê chỗ ở. Cơ chế, chính sách đầu ra không khuyến khích, không đảm bảo được cho nghệ sĩ phát triển nghề nghiệp và cống hiến trong tương lai. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều cử nhân sau khi ra trường không thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật. Vì vậy, để ngăn cho các nhà hát không bị chảy máu chất xám, cần chăm lo tốt hơn cho đời sống của các văn nghệ sĩ.

Những khó khăn kể trên rõ ràng cần sự quan tâm, đầu tư có chiều sâu của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy mới có thể giúp cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam phát triển được và vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, để vươn ra thế giới.

Tạo sức hút riêng

Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, không thể phủ nhận việc phát các vở diễn được dàn dựng, thực hiện tại nhà hát trên sóng truyền hình hay không gian mạng, giúp cho hình ảnh của loại hình nghệ thuật sân khấu được hiện diện một cách phổ biến hơn, dễ dàng tiếp cận nhiều khán giả. Song, theo dõi tiết mục qua màn hình nhỏ, khán giả sẽ không có được trải nghiệm như xem tại sân khấu, bởi thời lượng phát sóng bị giới hạn trong khoảng 90 phút, nhiều phân đoạn bị lược bớt.

Đồng quan điểm, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, việc ghi hình, phát sóng vở diễn sân khấu sẽ góp phần quảng bá rộng rãi tác phẩm đến với công chúng. Tuy nhiên, sân khấu có những đặc thù riêng. Người nghệ sĩ biểu diễn và khán giả thưởng thức cần có sự tương tác, hòa cảm trực tiếp thông qua không gian biểu diễn cụ thể. Khi khán giả xem tác phẩm một cách gián tiếp qua phương tiện truyền thông thì đã làm mất đi đặc thù này, khiến sự tiếp nhận không được trọn vẹn. Vậy mới thấy, thưởng thức trực tiếp một tác phẩm nghệ thuật tại sân khấu vẫn có một sức hút rất riêng, mà không phương thức giải trí nào có thể thay thế được. Để sức hút ấy luôn được tiếp nối, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm ra những sáng tạo mới mẻ để níu chân khán giả.

Đối với cải lương - loại hình nối giữa truyền thống và hiện đại, đề tài lịch sử hay đề tài hiện đại thì cũng đều được Nhà hát Cải lương Việt Nam xây dựng với quan điểm sáng tạo, mang tính đương đại để phù hợp với khán giả đương thời. Những trang sử thăng trầm của đất nước, những tấm gương anh hùng vị quốc quên thân, sự cống hiến, hy sinh của biết bao thế hệ người Việt… luôn cần được kể lại cho các thế hệ mai sau. Rồi những câu chuyện người, chuyện đời của xã hội đương thời cũng cần được đưa vào tác phẩm, đối thoại cùng khán giả để tìm ra chân lý và ý nghĩa của cuộc sống, đem lại nhiều bài học hữu ích, cũng như nhận thức về nhiều mặt cho người xem. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của tác phẩm còn nằm ở mọi thành phần sáng tạo cũng như lực lượng biểu diễn, và đặc biệt là sự “lạ hóa” trong từng vở diễn, nhằm mang đến cho người xem sự đa dạng và phong phú trong tiếp nhận và thưởng thức.

Trước mắt, Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc cách tân nghệ thuật, thử nghiệm phối kết hợp nghệ thuật cải lương với những loại hình nghệ thuật đương đại khác, áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng lực lượng biểu diễn trẻ tài năng, dàn dựng những tác phẩm chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và hưởng thụ của khán giả. Theo ông Kiên, đây là một nỗ lực mang tính lâu dài, không thể thực hiện trong một sớm, một chiều.

Kỳ vọng hướng đi mới, ông Giang Mạnh Hà bày tỏ, nếu nhà hát tìm được hướng tiếp cận, quảng bá mới mẻ, có được đội ngũ diễn viên xuất sắc, kịch bản chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, được dàn dựng dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn, và được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại hơn, chắc chắn vẫn thu hút được lượng lớn khán giả quay trở lại với các nhà hát.

NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Không bao giờ là thừa, muộn hay lãng phí

Đối với một nền văn hóa được kết tinh từ hàng nghìn năm của dân tộc ta, bây giờ mới nghĩ đến chuyện xây các nhà hát mới thì đã chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới. Dẫu vậy, nó không bao giờ là thừa, muộn hay lãng phí. Vấn đề quan trọng là nhà hát sau khi được xây dựng có đáp ứng được yêu cầu đạt chuẩn quốc tế về trang thiết bị, cơ sở vật chất hay không. Tiếp sau đó, nhà quản lý sử dụng nó, khai thác công năng của nó như thế nào.

Song song với đó, việc tu bổ, nâng cấp các nhà hát hiện nay cũng rất là cần thiết. Hiện nay, ở nhiều nơi, ta mới chỉ xây dựng được cái vỏ của nhà hát, tức là nhà hát mới chỉ có sân khấu, cánh gà, ghế ngồi, nhưng lại thiếu trầm trọng các thiết bị tiên tiến phục vụ cho trình diễn ánh sáng, âm thanh.

Cần phải có sự đầu tư đồng bộ, gồm có kịch bản hay, diễn viên xuất sắc, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiệm cận với sự phát triển của công nghệ trên thế giới. Không thể chỉ đổ lỗi cho đội ngũ nghệ sĩ không sáng tạo, không đổi mới. Bởi nhiều nghệ sĩ cũng có nhiều ý tưởng táo bạo lắm, điều kiện hiện giờ của nhà hát chưa thể đáp ứng khâu xử lý những ý tưởng sáng tạo đó, nên nghệ sĩ cũng đành lực bất tòng tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm sự mới mẻ níu chân khán giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO