Họa sĩ Thành Chương đã tìm được bản phác thảo gốc mà ông đã vẽ khoảng năm 1970-1971, hiện mang tên “Trừu tượng”, tác giả Tạ Tỵ, đang được trưng bày trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”.
Bức ảnh chụp 4 ông: Nguyễn Bá Đạm, Thái Bá Vân, Bùi Xuân Phái và Trần Qúy Thịnh tại Hà Nội 1972, ảnh trái có treo tranh bị nghi đã qua chỉnh sửa photoshop, ảnh phải là bức ảnh gốc.
Ngay khi báo chí đăng tải bức ảnh chụp 4 ông: Nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, họa sĩ Bùi Xuân Phái và ông Trần Qúy Thịnh tại Hà Nội năm 1972, phía sau có gắn bức tranh “Trừu tượng” trên có chữ ký danh hoạ Tạ Tỵ (giống như bức tranh hiện thời trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm) để minh chứng cho việc bức tranh đó là thật từ tranh đến chữ ký, đến tác giả, thì ngay lập tức, trên trang về nghệ thuật xưa, cũng như bình luận từ các nhà chuyên môn về nhiếp ảnh đều cho rằng đó là bức ảnh ghép. Một bức tranh sơn dầu trên toan lại có thể treo trên cánh cửa sơ sài đơn giản thế kia thì rất “cẩu thả” và không hiểu biết gì về lưu giữ tranh, chưa kể bức tranh bị “phá” ra khỏi khung hình, bố cục, và là hình phẳng trong khi cánh cửa theo góc chụp bị võng nhẹ.
Ngoài ra, trên trang nghệ thuật xưa này, có hình ảnh cũng của bốn ông trên, nhưng phía sau, trên cánh cửa, không có bức tranh nào cả.
Sáng Chủ nhật, ngày 17/07, vào lúc 9h30, bà Ngô Hương, vợ của hoạ sĩ Thành Chương đã cung cấp cho Đại Đoàn Kết hình ảnh hoạ sĩ Thành Chương đã tìm được bức tranh phác thảo ông đã vẽ hoạ sĩ Kim Anh, vào năm 1970-1971.
Họa sĩ Thành Chương cùng bức phác thảo gốc.
Nếu ai đã từng xem tranh hoạ sỹ Tạ Tỵ tại bảo tàng hay trong các sách nghiên cứu hội hoạ mỹ thuật Đông Dương xưa, sẽ thấy điểm chung nhất là chữ ký của danh hoạ, thường là chữ “T” viết hoa, chữ “a” và “y” viết thường, ghi nhỏ, tận rìa trái bức tranh, kèm theo là năm, thường ghi đầy đủ năm, ví dụ như “1952”.
Họa sĩ Tạ Tỵ vẽ tranh trừu tượng nhiều, tranh trừu tượng của họa sĩ Tạ Tỵ mang phong cách màu sắc, khối hình hoàn toàn khác hẳn so với bức có tên “trừu tượng” mà mang phong cách lập thể trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung.
Ngoài ra, những bức lập thể của họa sĩ Tạ Tỵ không vẽ theo khối hình, một phong cách rõ nét của hoạ sỹ Thành Chương. So sánh 2 bức tranh lập thể của họa sĩ Tạ Tỵ và hai bức lập thể của họa sĩ Thành Chương, ở giữa là bức tranh đang bị nghi vấn về tác giả thực sự, sẽ thấy ngay điều này.
2 bức tranh lập thể của họa sĩ Tạ Tỵ.
Bức tranh đang trong tìm kiếm ai là tác giả thực sự.
Tranh lập thể mang phong cách hoạ sĩ Thành Chương.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: “Chủ nhân ‘nhà sưu tập' Vũ Xuân Chung thành thật kể ngọn ngành các tranh mua ở Pháp từ một ông người Pháp ‘chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam’ Jean Francoi Hubert. Ông này đã mua các ‘kiệt tác’ này từ ông Hà Thúc Cần (đã qua đời). Đến đây ông Quân thốt lên: Thảo nào! Đúng thế thật vì ở Hà Nội những năm 1990, giới mỹ thuật ai cũng biết ông Cần về nước thuê chép tranh rất nhiều, cả nhiều bức ở ngoài Bảo tàng Mỹ thuật rồi mang ra nước ngoài bán, sau vài vụ chót lọt thì cũng có vài vụ đổ bể. Rồi im ắng cả chục năm nay lại trở về…”