Có lẽ đã chục năm, tôi mới đi dạo nửa vòng hồ Tây. Làng Thụy Khuê, rồi làng Đông, làng Hồ, qua Trích Sài, là Võng Thị, Bưởi. Cái vệt phố làng từng thân thuộc với tôi qua hơn chục năm trời tôi ở đó.
Nhà cửa dích dắc xen ngõ với đình, chùa, miếu mạo; dáng dấp thị thành bên ngoài cánh cổng, bên trong, nghề tổ (giấy dó) không còn, nhưng nếp nhà vẫn giữ. Ở đấy rồi thì đôi lúc cồn cào trong ký ức, mảng rêu bám tường cũng ẩn hiện nhen nhen. Nhớ từng quán cóc, nhất là quán ốc Bà Già ven hồ, món nước chấm sao mà ngon mê mệt. “Bà Già” hồi ấy tuổi mới trung niên, vui chuyện cả ngày không biết chán, còn “Ông Già” của bà thì lòng khòng khụng khiệng, cả ngày bí ẩn trong cặp kính đen. Mười năm ngồi quán ấy mà chưa một lần được thấy ánh mắt ông ra sao khi không mang kính. Ông nói năng nhát gừng, vẻ hơi khó tính, nhưng chỉ thế thôi chứ thực ra hiền khô. Hai ông bà già mười năm chưa quên cô nhà báo. Viết cái bài cỏn con mà lần nào đến ăn ốc, Bà Già cũng tặng thêm bát sung muối với mấy cái kẹo cao su tráng miệng thơm thơm…
Rời quán ốc, lại nhớ cái bến nước trước chùa Võng Thị, dân mò trai ngụp nước đến tận cổ từ bốn giờ sáng, để cập bờ lúc sớm tinh sương kịp buổi chợ. Có một dạo, dân đánh dậm từ cái làng quê xa lắc đâu tận Hà Tây, vài chục người toàn đàn bà con gái, cùng nhau thuê trọ ngoài bãi An Dương, cứ mặt trời lên lấp lánh mặt hồ, là quấn xà cạp lội xuống đám dậm. Cho đến tầm quá hai giờ chiều mới nhấc mình lên khỏi mặt nước, mang tôm cá ra chợ Bưởi bán, hoặc ngồi ngay góc hồ đoạn Lạc Long Quân, người qua đường dừng xe máy mua nhanh, tôm tươi cá nhảy tanh tách.
Đấy, cứ nhớ hồ Tây thì lại lan man tới nhiều người, nhiều sự. Dù gì, hơn chục năm lãng đãng bên hồ, lắm lúc, tiếng sóng ùa cả trong mơ. Mấy cây bóng rợp, chị bán cá chẳng biết tên, cứ gọi chị cá làng Hồ, có chồng là dân câu, ngồi bán cá chiều hôm với độc một cái chậu, một con dao, cái thớt. Cá hồ xịn thì ngon lắm, gặp chị là nhất định không bị mua phải cá nuôi trộn vào. Mà nhớ cả ánh mắt, giọng nói, cách chị dùng chiếc khăn mùi xoa buộc làm quai nón, rồi kéo khăn che nửa gương mặt thay cái khẩu trang, lúc cần thì lau mồ hôi lăn dài trên má…
Bây giờ xấp xới vào hè, là lúc hồ Tây bộc lộ tất thảy nét thơ mộng cùng muôn mặt bộn bề, mướt mải. Người ổn định thì an nhàn tập thể dục, buông câu lơ đãng, trong lúc đó, dân nghèo cũng vươn vai, hít thở, khởi động cơ bắp, nhưng là để chuẩn bị lội xuống lòng hồ, câu cá, thả lưới trộm, hoặc dỡ chà thả lén từ đêm qua để giũ lấy tôm...
Ngồi quán bên hồ, phóng vút tầm mắt là chạm sương khói mông lung, khiến người trong phố cũng mải mướt tìm đến, mong kiếm một không gian trong lành để thanh lọc cho cái lá phổi tội nghiệp, đâu có thể ngừng thở giữa một thành phố công trường tối ngày bụi bặm. Có mấy góc thơ mộng, yên ả nhất, thuộc về một vài dải vườn hoa nhỏ tựa lưng kề mép sóng. Quán gì thì quán chứ tôi phải tìm đến cái quán xập xụi bên gốc một cây xanh lớn mấy vòng ôm. Đây rồi, vẫn thấy còn cả đài hương, dân lập thờ thần cây, thần đất. Hà Nội chật chội thật đấy, nhưng nó thú vị ở chỗ, có nơi, chỉ một gốc cây thôi cũng giữ nhiều chuyện hay, có chuyện đã trở thành huyền tích. Biết một gốc cây, là biết thêm ối chuyện về cái hồ rộng lớn và đẹp đẽ bậc nhất kinh thành này.
Chỉ riêng về tên gọi thôi, nếu đã nghe danh một lần là sẽ nhớ: đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Dâm Đàm, Lãng Bạc, hay Đoài hồ. Xác Cáo là tên cổ nhất của hồ Tây. Theo “Lĩnh Nam chích quái”, xưa kia, có con cáo là Hồ Tinh chín đuôi chuyên làm hại dân chúng. Long Quân bèn cho dâng nước, nhấn chìm chết Hồ Tinh. Hang của nó sau này chính là Hồ Tây, nên người ta đặt cho nơi đây là đầm Xác Cáo. Về sau, lại có chuyện kể về một người khổng lồ, khỏe phi thường, là thiền sư Minh Không, sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống.
Được vua Tống trả ơn, ông chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải, và thả nón tu lờ làm thuyền, bơi về Thăng Long. Ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật, trong đó có quả chuông đồng cực lớn. Chuông đúc xong, gióng lên một hồi thì tiếng ngân vang đến tận kinh đô bên Tàu. Con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu bừng tỉnh vì ngỡ mẹ gọi (vì đồng đen là mẹ của vàng). Nó vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam, nhưng tìm mãi vẫn không thấy mẹ, nó lồng lên khiến đất lở, cả nó và chuông đồng cùng bị sụt xuống cái hố rất rộng và sâu. Lâu sau, nước tụ lại trong hố thành hồ, nên gọi là hồ Kim Ngưu, có nghĩa là Trâu Vàng. Còn hồ có tên là Dâm Đàm, vì mặt hồ thường phủ đầy sương; lại có tên Lãng Bạc, do vào những khi giông gió, mặt hồ sóng nước cuồn cuộn, tạo cảnh vừa nên thơ vừa hùng tráng.
Về xa xưa hơn nữa, hồ Tây còn có cả rừng? Chính nơi vườn hoa đoạn Trích Sài này, nơi gốc xanh đại thụ năm, sáu người ôm không xuể ấy, mà tỏa rộng về phía Bách Thảo ngày nay chăng? Sách “Tây Hồ chí” nói, hồ Tây có từ thời Hùng Vương, khi đó được gọi là bến Lâm Ấp, có mặt thông với sông Hồng. Thời ấy, bên hồ có một khu rừng lớn, có cả những cây gụ, lim, sến, táu và các loại kỳ hoa dị thảo… “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chép, vào thời Lý, cụ thể là tháng 9/1044: “Vua sai đặt cũi lớn ở Dâm Đàm, lấy con voi nhà của Chiêm Thành làm mồi dử con voi rừng vào trong ấy, vua thân vào bắt”. Vậy, rừng quanh hồ phải rất lớn cho đàn voi trú ngụ, lại còn có cả các giống chim quý như sâm cầm, hay thú như hổ, báo… Dân cư xung quanh hồ bấy giờ còn thưa thớt, dựa vào rừng mà có nghề săn bắn, hái lượm, đánh cá. Tên gọi Trích Sài vì dân có nghề hái củi; gọi Võng Thị vì có nghề làm lưới đánh cá. Cây xanh cổ thụ ấy, bây giờ vẫn hằn lên những vết thời gian trên vóc thân già xù xì, mái tóc lá vẫn xanh om rậm rạp. Có mấy cụ già da mồi tóc trắng, chiều đi dạo một hồi thì cũng ngồi nghỉ dưới gốc cây, kể cho nhau nghe huyền thoại về Linh Lang Đại vương.
Trong cuốn “Thăng Long ký” (nhà văn Nguyễn Khắc Phục) kể rằng, có một lần, vua Lý Thánh Tông đang trên thuyền rồng vãng cảnh hồ Tây. Chiếc thuyền ra tới giữa hồ, màn buông xuống trên sạp thuyền làm chỗ cho nhà vua tắm. Chợt thấy bên kia bờ, một cô gái đang giặt lụa, nhà vua bần thần nghĩ ngợi rồi lệnh cho quần thần đưa cô gái vào gặp mình. Nhà vua sững người trước vẻ kiều diễm của cô gái ở thôn Hồ Cố chuyên nghề dệt lụa. Hôm ấy, nàng ở lại bên nhà vua...
Một thiên huyền sử được lưu truyền trong nhân gian kể rằng, người con gái thôn Hồ Cố một lần được gặp nhà vua khi ấy, đã hạ sinh bé trai, tướng mạo khôi vỹ, nhưng lên tám tuổi vẫn không biết nói. Năm đó trời làm đại hạn, dân gian đói khổ, thốt nhiên đứa trẻ nói: “Ta là con vua, đưa ta đến gặp vua thì sẽ được mưa!”. Các vị kì lão tâu lên, vua bèn đưa con về nuôi ở trong cung, xếp vào hàng cuối trong các vị hoàng tử.
Quả nhiên mưa lớn, năm đó được mùa to. Nhưng sau đó thì hoàng tử bị lên đậu, ba tháng vẫn không lặn hết, đau đớn lắm. Vua đến thăm, thương con quá mà than rằng: "Nếu không phải con trẫm, thì đừng làm khổ các thầy thuốc nữa!" Hoàng tử bèn tâu: "Nhi thần quả không phải là con của bệ hạ, xin hãy quây màn trướng che kín xung quanh, thần sẽ tự đi, chỉ xin thiên ân cho dựng một chỗ thờ ở ngay nơi thần ra đi, như vậy là đủ". Nhà vua làm theo. Chừng một canh giờ trôi qua, vén màn ra xem, thì thấy một con giao long đen tuyền, ngoằn ngoèo bò ra phía tây Hoàng thành, đến bên bờ hồ, nơi mấy cây cổ thụ lòa xòa rủ bóng, ngỏng cổ nằm dưới gốc cây. Nhà vua mệnh chiếu phong là Linh Lang Đại vương, lại lệnh cho dựng đền thờ ngay tại mảnh đất đó. Con giao long bèn trườn xuống nước, biến mất.
Người dân ven hồ Tây vẫn bảo với nhau, rằng nơi con giao long nằm rồi trườn xuống hồ, chính là nơi gốc cây xanh cổ thụ còn đến bây giờ. Truyền thuyết về ngài được kể theo nhiều phiên bản khác nhau, còn ngài được phong là vị thần trấn giữ phía Tây thành Thăng Long, được thờ ở đền Voi Phục (đường Thụy Khuê ngày nay). Tại Hà Nội hiện có nhiều đền thờ Linh Lang Đại vương, nhưng đền Voi Phục được dựng đầu tiên sau khi ngài hóa. Đền nằm cách cây xanh đại thụ bên hồ chừng 500 mét.
Nhiều người thường nghĩ hồ Tây chỉ có vai trò như lá phổi của Hà Nội, thì cũng thật đúng. Hồ Tây cho đến bây giờ vẫn là không gian xanh mát rộng lớn nhất của vùng nội đô đông đúc. Nhưng hồ Tây còn có những câu chuyện lịch sử và huyền thoại đẹp đẽ, mà để khám phá được hết, phải đọc qua nhiều sách sử, lần theo dấu tích mỗi tên đất, tên người.
Quanh hồ Tây với khoảng vài chục đền, miếu và vài chục ngôi chùa tương ứng, thờ Phật và các vị thần có phát tích hoặc công trạng truyền nghề, rèn dân lập nghiệp. Các tên làng tên đất ven hồ đều gợi nhiều chuyện cũ tích xưa, gom góp vào kho huyền sử hồ Tây, theo thời gian, trở thành kho báu dân gian của mảnh đất kinh thành. Nếu khám phá sẽ thấy Tây hồ không chỉ quan trọng về mặt điều hòa tiểu vùng khí hậu, mà còn mang vẻ đẹp lung linh của những sắc màu huyền thoại.