Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều gia đình người Việt ở mảnh đất phương Nam có truyền thống tụ họp về các nhà thờ họ (có nơi gọi là nhà Tổ) để kính nhớ đến tổ tiên có công khai hoang mở cõi. Trong tâm thức của họ, việc gìn giữ lịch sử dòng tộc cũng quan trọng như việc nhắc nhớ thế hệ sau luôn nhớ đến nguồn cội “con Lạc, cháu Rồng” của mình.
Ông Phạm Văn Ngộ.
Kính nhớ tổ tiên mở đất
Chúng tôi có dịp đến thăm nhà thờ gia tộc họ Phạm trên đường Trần Khánh Dư (Q.1, TP HCM), được ông Phạm Văn Ngộ (cháu ruột của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cho biết, gia tộc họ Phạm ở Sài Gòn thuộc chi phái Phạm Văn Nga, là đời thứ 10 họ Phạm. Cụ Phạm Văn Nga từng làm tới chức Thị Giảng Học sĩ (dạy học cho các Hoàng tử), được phong hàm tam phẩm Tham Biện Nội Các. Sau khi cụ mất, nhà vua đã phong thần và cho đến nay sắc phong vẫn còn được con cháu lưu giữ. Sinh thời, cụ Nga có 9 người con, trong đó có ông Phúng (mất lúc nhỏ), ông Phạm Văn Cáo (bố ruột ông Ngộ) và ông Phạm Văn Đồng là thứ bảy. Theo cách gọi gần gũi của các thành viên trong gia tộc thì cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường được gọi là chú Tám.
Theo ông Ngộ thì không riêng gia tộc họ Phạm mà truyền thống những gia đình di cư vào Nam đều có xu hướng làm nhà thờ Tổ để kính nhớ đến tổ tiên. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Đinh Thị Gấm, vợ ông Ngộ cũng góp thêm câu chuyện: vào năm 1984, khi giao căn nhà thờ họ Phạm cho vợ chồng bà coi sóc thì người anh trai của chồng bà đã dặn dò rất cặn kẽ những người anh em trong gia đình là phải hết sức coi sóc việc thờ cúng gia tiên.
Giống như gia tộc họ Phạm, nhiều gia tộc họ Nguyễn, Ngô, Trần, Lê, Lã,… ở Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh do bối cảnh lịch sử chia cắt từ sau năm 1975, cũng đã ý thức việc xây dựng thêm các ban thờ, nhà Tổ ở phương Nam để kính nhớ đến tổ tiên. Về thăm những nơi thờ tự này vào dịp lễ tết, chúng tôi không khỏi xúc động về một truyền thống đẹp và nhân văn của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Văn Đăng, Trưởng khoa Lịch sử của Đại học Huế cho biết, từ nhiều năm qua Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc cùng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đi khắp nơi để thực hiện trùng tu một số di tích, như Thế Tổ Miếu (trong khoảng thời gian 1997 - 2000), Hiển Lâm Các (2001), nhà hát Duyệt Thị Đường (2002 - 2003)… và hiện nay đang trùng tu Triệu Tổ Miếu, ngôi nhà số 79 Phan Đình Phùng nơi trước đây bà Từ Cung sinh sống cũng. Bên cạnh đó, nhiều lăng các chúa, các hậu (vợ các chúa) và các phủ đệ đều do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc chăm lo bảo tồn, trùng tu, tôn tạo.
Hiện nay, Hội đồng cùng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã lập hồ sơ di tích một số lăng các chúa để Nhà nước công nhận di tích, thông qua đó Hội đồng cùng với Nhà nước bảo tồn các lăng này. Theo ông Nguyễn Văn Đăng thì các hoạt động này của dòng họ Nguyễn Phúc có ý nghĩa lớn lao, tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân đã có công với nước, với dân, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, và giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc nói chung.
Nói về ý nghĩa của truyền thống dòng tộc người Việt ở vùng đất phương Nam, Giáo sư Mạc Đường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội TP HCM cho chúng tôi biết, ngay từ khi chúa Nguyễn vào khai mở vùng đất phương Nam thì các thế hệ người Việt từ miền Trung, miền Bắc di cư vào đã gìn giữ truyền thống kính nhớ tổ tiên thông qua việc xây dựng các nhà thờ dòng tộc, hay nhà Tổ. Tín ngưỡng này gắn với lòng tự hào dân tộc, sức mạnh đoàn tụ và lòng tri ân sâu sắc Quốc tổ Hùng Vương và dòng họ Hồng Bàng. Mấy năm gần đây, vấn đề dòng họ còn liên quan đến sự ra đời của các tổ sư làng nghề, những vị tổ nghiệp võ đạo, nghệ thuật, những nguồn nhân lực trí thức địa phương hay những gien dòng tộc ưu thế tiềm năng trí tuệ.
Cũng theo Giáo sư Đường, việc gìn giữ truyền thống thờ cúng tổ tiên tại các nhà Tổ là dấu gạch nối giữa người quá cố với những người đang còn sống, là dấu nối tông đường giữa người đang sống với nhau trong một hệ thống trật tự gia phả gồm viễn tổ, thái tổ, ông bà, chú bác, cô dì con cháu nội ngoại.
Lo lắng mai một truyền thống
Dù có truyền thống kính nhớ tổ tiên qua việc gìn giữ, xây dựng những nơi thờ tự, nhà thờ Tổ, thế nhưng không ít bộ phận giới trẻ hiện nay lại có xu hướng hướng ngoại, nhạt dần với truyền thống này của các thế hệ đi trước. Giáo sư Mạc Đường lo lắng cho biết, do quá trình hiện đại hóa – đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng kèm theo nguy cơ một số giới trẻ nhạt dần với tục thờ cúng, xây dựng ban thờ gia tiên, kể cả sự gắn bó tình cảm gia đình cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại.
Trước thực tế này, nhiều người giật mình tìm cách gìn giữ lại truyền thống gia tộc. Chẳng thế mà Võ sư Phạm Đình Phong, từng là Phó Giám đốc Sở Thể dục – Thể thao Bình Định, nhưng ông đã “treo ấn từ quan” để bôn ba khắp nơi tìm kiếm về những tổ nghiệp võ đạo, với mong muốn gìn giữ lại những tinh hoa võ thuật cổ truyền đang bị mai một dần, và có nơi biến mất hoàn toàn do không có người nối dõi tổ nghiệp. Có dịp gặp mặt và trò chuyện với chúng tôi ở TP Hồ Chí Minh, người võ sư đất võ Bình Định không khỏi trăn trở: “Tôi đã đi khắp nơi, ra Bắc, vào Nam, tìm về những vùng đất võ xưa kia, nhưng lo lắng quá vì các vị võ sư trưởng môn phái đều đã cao tuổi, thậm chí đếm trên đầu ngón tay chỉ còn vài vị. Không có người nối dõi và viết lại lịch sử tổ nghiệp võ đạo, rồi đây võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ đi về đâu?”.
Vài năm gần đây, võ sư Phạm Đình Phong đã cố gắng kết nối với các dòng tộc võ đạo và ghi chép lại tỉ mỉ những tinh hoa của từng môn phái trong cuốn sách “Lịch sử võ học Việt Nam (đã tái bản 2 lần) để nhắc nhớ các thế hệ con cháu luôn ghi nhớ đến truyền thống võ học của cha ông mình.
Những nhà quản lý, giới nghiên cứu cũng lên tiếng cảnh báo. Trong đó có nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước chung tay với các dòng tộc đề bảo vệ và phát huy được những truyền thống văn hóa dân tộc, mà gốc rễ là chúng ta cần phát huy được truyền thống gia đình, dòng họ.