Hơn 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước đầu năm 1941 vào lúc cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại. Đảng chịu tổn thất hết sức nặng nề. Đảng phục hồi rất chậm vì đoàn kết Mặt trận chỉ có giai cấp công nhân, nông dân là ta, còn là thành phần bóc lột và cộng tác với bộ máy chính quyền của thực dân Pháp.
Đoàn cựu giáo viên kiều bào Thái Lan tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội, tháng 11/2016).
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, lần đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới trực tiếp triệu tập một hội nghị Trung ương, hội nghị lần thứ tám để thành lập Mặt trận Việt Minh.
Mặt trận Việt Minh bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết muôn người như một của ông cha, là nguồn gốc của mọi thắng lợi chống giặc ngoại xâm, dù bọn ngoại xâm nào cũng mạnh hơn ta hàng chục lần.
Nhân dân ta không tiếc máu xương mới có thể giải phóng đất nước, càng hy sinh không bờ bến nhân dân ta càng gắn bó, thân thiết như anh em một nhà.
Nghèo hoặc giàu, khác nhau về dân tộc, tôn giáo, chính kiến ở bất cứ đâu hàng nghìn năm, cho đến nay vẫn xưng hô “đồng bào” vì mọi người cùng một Mẹ Việt Nam.
“Đồng bào” là từ dùng để gọi những người cùng một giống nòi, một dân tộc, một Tổ quốc với mình với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt.
Từ triều đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê... mỗi lần chống giặc ngoại xâm lại có vùng ta, vùng địch, lại có phía bên này và phía bên kia nhưng hòa hợp dân tộc lúc nào cũng là chủ trương hợp với lòng dân, cũng được thực hiện như là lẽ sống còn nên mỗi người Việt Nam phiêu bạt chân trời góc biển nào nghe thấy hai tiếng “đồng bào” cũng thấy có mình trong đó.
Cuộc kháng chiến 30 năm, trong đó đất nước bị chia cắt 21 năm chống Mỹ, miền Nam và miền Bắc đều có nhà nước riêng khác hẳn nhau, một thời gọi là địch và ta.
Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước độc lập và thống nhất, trên thế giới nước nào có người Việt Nam thường hình thành “hai phía, bên này và bên kia”.
Hòa hợp dân tộc càng phát huy thế mạnh để tiến đến thời kỳ mọi người mong đợi: không còn “bên này và bên kia”.
Chỉ còn những người Việt Nam yêu nước thương nòi, rất tự hào với Tổ quốc Việt Nam vĩ đại, mãi mãi gọi nhau là “đồng bào”.
Hòa hợp dân tộc mấy chục năm qua thể hiện trên nhiều chính sách của Nhà nước tạo mọi điều kiện để một số người tưởng ra đi mãi mãi, tìm về quê hương, tìm về với nhau.
Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội nghị từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 10 với sứ mệnh Đại đoàn kết dân tộc, thể hiện khát vọng hơn 40 năm dài đằng đẵng của hầu hết các nhà văn dù không cùng chính kiến nhưng đều yêu nước thương nhau và yêu thương đồng bào.
Hơn 100 nhà văn từ các quốc gia xa xôi, Mỹ, Canada, Nga, Hungary, Ba Lan, Pháp, Đức, Philippines... đã về dự cùng các nhà văn tiêu biểu của Hà Nội.
Vẫn còn chưa như mong muốn, những nhà văn còn bị dĩ vãng ngăn trở hoặc đơn giản chỉ do tuổi già yếu chưa thật đông đủ.
Nhưng những nhà văn có mặt thì ai cũng hân hoan, đằm thắm và tràn ngập xúc động.
Cuộc chiến tranh xâm lược do Pháp, Mỹ gây ra cùng những thành kiến đi kèm, với thời gian thì đã phần nào phai nhạt nhưng nỗi đau bao giờ cũng là nỗi đau, đã đến lúc mỗi người cần đối diện sự thật, gặp gỡ bàn thảo để làm lành lại mọi thương tổn từng gây ra cho nhau.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã viết bài về cuộc gặp mặt lần thứ nhất nhà văn với sứ mệnh Đại đoàn kết dân tộc. Xin trích một đoạn:
“Các nhà văn từ nhiều chân trời, tự do bày tỏ tâm nguyện của mình và cũng rất tự do và thành thật tiếp cận vấn đề với nhiều suy nghĩ và kinh nghiệm sống khác nhau. Nhưng gặp gỡ chung nhất là chúng ta đều nhất trí cho rằng các nhà văn Việt Nam dù ở trong nước hay đang sống ở nước ngoài không phân biệt quá khứ, chính kiến, quan niệm, dân tộc, tôn giáo, cần ngồi lại với nhau để vun đắp cho khối Đại đoàn kết dân tộc. Nhà thơ Trần Vạn Gĩa cho rằng Đoàn kết là “bài học quý báu tuyệt vời mà tổ tiên ta để lại, đến ngày hôm nay và đến mãi ngàn đời sau”.
Nhà văn Võ Công Liêm khẳng định “không những cho văn hóa mà cho tất cả bộ môn khác là cùng nhau chia sẻ trong một chủ đề chính “nhà văn với sứ mệnh Đại đoàn kết dân tộc”, là thái độ trung thực của văn nghệ sĩ khắp mọi nơi góp phần xây dựng, hỗ tương nhau không phân chia.
Cảm ơn nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng và nhà văn Nguyễn Lam Thúy trong bài tham luận rất công phu của mình đã nhắc lại những thôi thúc, vật vã, dự báo rất sớm của các nhà văn Việt Nam, ngay cả trong những ngày đối đầu quyết liệt nhất giữa hai trận tuyến vẫn không làm mờ đi tình đồng nghiệp, nghĩa đồng bào.
Xúc động biết bao nhiêu khi đọc lại những câu thơ của Chế Lan Viên:
“Cây có gốc thì máu cũng có gốc
Một gốc máu này đừng để giặc phân chia.
Cùng một quyển Kiều thương cảm ấy
Anh lật phía bên này, tôi lật phía bên kia
Đó là cách nhìn nhân văn sáng suốt và tỉnh táo nhất mà chỉ những tài năng lớn mới có được.
Nếu Chế Lan Viên còn sống chắc hẳn ông sẽ đến dự cuộc gặp mặt với chúng ta và bảo rằng sự khoan dung và cao thượng là phương án tốt nhất để xóa bỏ mọi hận thù, để hàn gắn mọi chia rẽ và ly tán.
Ngay trong chiến tranh nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nghĩ rất xa khi nêu lên một câu hỏi: “Hai bên ai sẽ dám đứng ra thách thức đối phương thái độ này: Tất cả mọi công việc của mình làm để hướng về việc cho người dân bình thường bớt đi phần đau khổ. Ai sẽ nghĩ đến con người hơn một chút”.
Thưa vong hồn nhà văn Nguyễn Minh Châu, những nhà văn đàn em của anh không phải dám đứng lên thách thức mà cao hơn là dám đưa ra một thái độ văn hóa tao nhã, chân thành để mời tất cả các nhà văn Việt Nam từ mọi phương trời về đây ngồi lại với nhau, cùng đối thoại, cùng chia sẻ….
Rồi đây các cuộc gặp mặt sẽ tiếp tục được tổ chức với sự tham gia đông đảo hơn của các nhà văn trong và ngoài nước.
Nhưng tại cuộc họp này các đại biểu đã phải vượt qua nhiều xa cách, khó khăn và vượt qua cả chính mình để đón nhận vinh dự là những người đi tiên phong mở đầu cho một tiến trình mới của văn học dân tộc”.
(Vượt qua xa cách, vượt lên chính mình vì sứ mệnh cao cả- Tạp chí “Nhà văn và tác phẩm”, số 26, trang 19).