Một số ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay khi mua nhà mới. Tín dụng bất động sản tăng trưởng dù đây vẫn là lĩnh vực được cảnh báo chứa nhiều rủi ro.
Ngân hàng hạ lãi suất
Dữ liệu tổng hợp tại một số ngân hàng cho biết, các ngân hàng đang hạ lãi suất mời khách hàng vay mua nhà. Chẳng hạn tại VPBank, lãi suất đươc áp dụng từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Hay trong tháng 2, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm; lãi suất sau ưu đãi sẽ được tính theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng + biên độ 3%. Còn Shinhan Bank giảm lãi suất từ 6,9%/năm xuống 6,7%/năm. Sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất vay mua nhà sẽ được thả nổi với biên độ 3,9%.
Mức lãi suất cho vay mua nhà tại Ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên). Những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu.
Khảo sát của VnBusiness cho biết hiện có hàng chục ngân hàng đang chạy đua triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có vay mua BĐS với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ khoảng 4,99 - 10%/năm.
Số liệu trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tăng dần lên trong từng quý trong năm 2020. Cụ thể, quý I/2020 dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chỉ đạt 526,396 tỷ đồng thì đến quý II con số này đã tăng lên 580,186 tỷ đồng. Quý III là 606,253 và quý IV là 633,470 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, tín dụng bất động sản vẫn tăng bất chấp Covid19. Và chính Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cũng thống kê, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM năm 2020 đạt khoảng 2,48 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2019. Tín dụng trung dài hạn chiếm khoảng 52,2%, tăng khoảng 9,1%; tín dụng ngắn hạn chiếm 47,78%, tăng 6,8% so với cuối năm 2019.
Trong số 293.750 tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhất là để kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn rủi ro về an toàn tín dụng đối với các khoản vay này.
Dự án đầu tư phụ thuộc vốn vay ngân hàng
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn, cho thấy các dự án đầu tư có tính chất trung dài hạn, trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Thời gian qua dư nợ cho vay BĐS tại các ngân hàng được ghi nhận đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại báo cáo gửi Quốc hội, có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chảy vào kênh bất động sản. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ cho vay BĐS.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia trong bối cảnh lãi suất cho vay đang đổ mạnh vào bất động sản, NHNN cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào lĩnh vực này “núp bóng” qua sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, ngoài chính sách lùi thời hạn “siết” tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 1 năm so với quy định cũ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế.
Trong đó, tập trung vào các chỉ số an toàn, cả vi mô và vĩ mô, giảm lãi suất cho vay có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
NHNN sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong cho vay tiêu dùng, kể cả tiêu dùng BĐS… Tuy nhiên, lĩnh vực BĐS tiềm ẩn rủi ro, do đó, NHNN luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng BĐS tăng trưởng lành mạnh, bền vững.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA đánh giá, các kênh huy động vốn trung và dài hạn từ thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản, chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường. Vì vậy, các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng cùng nguồn vốn huy động từ khách hàng. “Điều này rất đáng lo, vì một số khoản vay tín dụng bất động sản có thừa nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thị trường chưa đảm bảo phát triển ổn định và bền vững”, ông Châu nói.