Tín dụng cho nông nghiệp

Trần Duy Hưng 27/03/2017 07:45

Tiếp theo công bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Chính phủ sẽ dành một gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan bàn việc triển khai thực hiện gói tín dụng này.

Trước đó, giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 738, quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Các dự án nông nghiệp CNC trên cả nước chưa nhiều.

Để chủ trương, định hướng trên từng bước trở thành hiện thực cần rất nhiều điều kiện, trong đó đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng cho các cá nhân, tổ chức đã, đang và sẽ thực hiện các dự án nông nghiệp hiện đại là một trong những điều kiện không thể thiếu.

Vậy nhưng, có một thực tế là đến nay kết quả cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của các ngân hàng thương mại chưa nhiều.

Tại buổi họp bàn triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho sản xuất nông nghiệp CNC nói trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: đến nay cả nước mới chỉ có 25 doanh nghiệp được vay vốn từ các ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án nông nghiệp CNC, tổng dư nợ mới chỉ đạt 3.700 tỷ đồng.

Việc dư nợ cho vay còn thấp một phần do số các dự án nông nghiệp CNC trên cả nước chưa nhiều. Nguyên nhân khác, theo đại diện một số ngân hàng thương mại lớn, việc cho vay lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc, khiến các ngân hàng e ngại.

Một trong những vướng mắc, theo Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành là hiện nay quy hoạch cây, con, ngành nghề của nhiều địa phương chưa rõ, còn manh mún; việc cấp giấy chứng nhận dự án nông nghiệp CNC còn chậm; giá trị đất đai (tài sản thế chấp) được địa phương định giá theo khung giá nhà nước (thường là thấp) trong khi khoản vay có giá trị lớn, tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính…) cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Đại diện Vietcombank thì thẳng thắn nhìn nhận: Cho vay các dự án nông nghiệp CNC “lãi suất thấp nhưng rủi ro lớn”. Chính vì vậy, yêu cầu của ngân hàng khi cho vay là khách hàng phải có tài sản thế chấp rõ ràng, quy mô lớn để tránh rủi ro. Nếu tài sản thế chấp nhỏ lẻ thì rất khó để được ngân hàng cho vay vì liên quan tới cá nhân người quyết định cho vay.

Liên hệ với chính sách cho ngư dân vay vốn đóng mới, sửa chữa tàu cá theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ cho thấy thực tế cũng tương tự. Khi chính sách này được ban hành, ngư dân ở 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước rất hồ hởi đón nhận.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu chính sách cho vay, nhiều ngư dân đã “vỡ mộng” bởi những quy định khá ngặt nghèo về điều kiện vay vốn cùng quy trình thủ tục xét duyệt vay vốn phức tạp.

Theo đó, để được vay vốn ưu đãi, ngư dân phải bỏ vốn đối ứng 30% với tàu gỗ hoặc 5% với tàu vỏ thép. Tỷ lệ đối ứng này tương đương với vài tỷ đồng, không phải ngư dân nào cũng có thể đáp ứng.

Đây chính là lý do dù nhu cầu tiếp cận chính sách tín dụng này của ngư dân rất lớn nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa năm 2016, mới chỉ có 607 tàu cá được ký hợp đồng vay vốn tín dụng để đóng mới, sửa chữa, với tổng dư nợ 3.850 tỷ đồng.

Ở nhiều tỉnh thành như Bạc Liêu, Trà Vinh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thái Bình, Hải Phòng...đến thời điểm trên số tàu được ký hợp đồng vay vốn của mỗi tỉnh chưa quá hai con số dù chính sách được ban hành đã mấy năm...

Trở lại câu chuyện về việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các dự án nông nghiệp CNC. Giống như các ngư dân trong câu chuyện về chính sách cho vay ưu đãi đóng mới, sửa chữa tàu cá, những cá nhân, tổ chức kinh tế cũng rất cần sự thông thoáng trong chính sách tín dụng, giúp họ tiếp cận được nguồn tín dụng này một cách thuận tiện.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại, với “tôn chỉ” phải thu hồi, bảo toàn được vốn cho vay và có lãi không thể lơ là các nguyên tắc tín dụng. Vấn đề đặt ra là, khi lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng không được dung hòa, ước mơ, mong muốn của nhiều cá nhân, tổ chức nặng lòng với nền nông nghiệp nước nhà, thông qua mong muốn được đầu tư vào các dự án nông nghiệp CNC sẽ bị chặn đường, gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Chủ trương, định hướng thay đổi, phát triển nền nông nghiệp nước nhà do vậy sẽ khó thành hiện thực. Về phía mình, các ngân hàng cũng mất đi một lượng khách hàng, một lĩnh vực cho vay vốn nhiều tiềm năng...

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, với vai trò chỉ đạo, điều hành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo rất cụ thể. Giao Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định (của Thống đốc) hướng dẫn các ngân hàng thực hiện gói tín dụng này; xem xét cho các doanh nghiệp tham gia chương trình được loại trừ dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, linh hoạt trong quy định dự trữ bắt buộc để có thêm nguồn lực; chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để góp phần giảm lãi suất cho vay từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng; chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ứng dụng CNC; nhanh chóng thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ gắn với tài sản trên đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lấy tài sản đảm bảo.

Bộ NN&PTNT cũng phải sớm chủ trì phối hợp với các địa phương quy hoạch khu, vùng nông nghiệp CNC, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, quy hoạch phát triển cây trồng vật nuôi trên địa bàn.

Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư, hay cho vay tín chấp. Để hỗ trợ các ngân hàng, Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp...

Có thể nói đây là những chỉ đạo rất cần thiết, kịp thời, cần thiết. Vấn đề còn lại là tinh thần, trách nhiệm thực thi của các bộ ngành liên quan và chính quyền các địa phương, để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói tín dụng dành cho các dự án nông nghiệp CNC...

Cũng cần phải nhắc lại, tháo gỡ khó khăn về nguồn tín dụng đầu tư mới chỉ là một trong nhiều việc phải làm. Trong đó tháo gỡ những vướng mắc về chính sách đất đai được xem là việc rất cần thiết.

Câu hỏi đầu tiên của các cá nhân, tổ chức khi bắt tay thực hiện một dự án nông nghiệp tập trung là lấy đâu ra quỹ đất đủ lớn để thực hiện. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương hiện chưa có câu trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng cho nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO