Thời gian qua, các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự tại nhiều địa phương. Nhiều người lỡ rơi vào bẫy “tín dụng đen” đã phải tán gia bại sản vì khoản lãi khổng lồ được cộng dồn mỗi ngày.
Ngày 2/12, tại hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thực hiện Chỉ thị 12 ngày 24/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, dịch bệnh Covid-19 phức tạp với nhiều đợt dịch, dẫn đến tình trạng tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng ứng dụng công nghệ, dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến qua điện thoại với lãi suất cao. Có trường hợp một số đối tượng cho vay lãi suất 100%/năm, thậm chí có nơi còn lên tới 300%/năm.
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư vừa qua, khó khăn về kinh tế làm tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)... len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.
Các đối tượng này đã thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần.
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính…, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, để đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công an, đây là cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay; sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải thông tin cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, thấy được hậu quả của tín dụng đen.
Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.