Sau 2 lần thực hiện hạ lãi suất điều hành từ cơ quan quản lý, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá mạnh, giúp tạo kỳ vọng sẽ kéo lãi suất cho vay đi xuống, từ đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2023 đã khởi động trong lúc hầu hết các ngân hàng đều đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức ban đầu được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu như ở khối ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 10-13%, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của NHNN, thì một số ngân hàng thương mại cổ phần lại đặt mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cho năm 2023.
Chẳng hạn VPBank với mục tiêu đầy tham vọng là tín dụng 636 nghìn tỷ đồng, tức là tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng 28% của năm trước. Tương tự, VIB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%. Còn HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 24%.
Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 3/2023 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều ý kiến cho rằng đây là mức tăng trưởng thấp, xuất phát từ tình hình khó khăn khiến doanh nghiệp (DN) giảm nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, với những kỳ vọng kinh tế sẽ khởi sắc và nhu cầu tín dụng thường sôi động hơn trong nửa cuối năm, các ngân hàng mới đặt ra những mục tiêu về tăng trưởng tín dụng đầy khả quan như trên.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, giảm lãi suất cũng là mong mỏi của hệ thống ngân hàng, bởi hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN có khởi sắc, thì hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mới được nâng lên. Do đó, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất hợp lý, vừa định hướng vừa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, qua đó giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng đánh giá, việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, cũng như công bố đang xây dựng chính sách giãn, hoãn nợ cho DN khiến các DN rất vui mừng và kỳ vọng. Tuy nhiên, muốn tăng trưởng tín dụng được nhanh hay không còn tuỳ thuộc vào sức hấp thụ của nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, muốn tăng trưởng tín dụng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ khác có liên quan để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng trưởng xuất khẩu; phát triển bền vững các thị trường và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút và kích thích DN phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tác động trở lại kích thích tăng trưởng tín dụng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu DN, chứng khoán… gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN.