Tin giả hiện nay đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Tuy nhiên, để chống tin giả, việc đầu tiên là phải định danh- xác định được danh tính của người đăng tải thông tin.
Đây được cho là gốc của vấn đề, ví dụ như Facebook có hàng triệu người dùng nên không thể yêu cầu họ gỡ bỏ từng thông tin chia sẻ được. Thời gian qua, Facebook đã có những động thái tích cực trong việc ngăn chặn tin giả như việc đưa ra thông báo đến những người dùng ở Việt Nam truy cập để xem những thông tin mới nhất từ Cổng thông tin chuyên biệt về Covid-19.
Trong số những giải pháp để có thể không cho tin giả đất sống có thể kể đến việc nhiều cá nhân tích cực trong cộng đồng đang nỗ lực kêu gọi mọi người nói không với tin giả. Một trong những người đang thể hiện quan điểm và hoạt động tích cực để thể hiện điều đó là nhà báo Trương Anh Ngọc. Trên trang cá nhân, nhà báo Trương Anh Ngọc viết:
“Trong thời gian qua, có một con virus kinh khủng đã lan tràn trong đời sống của chúng ta, vào tận giường ngủ của các vợ chồng, bữa cơm các gia đình, cuộc nói chuyện của bạn bè... và gây ra sự căng thẳng, lo sợ, thậm chí hoảng loạn: đấy là fake news mùa dịch bệnh.
Những tin tức theo kiểu "nghe nói là", "ở chỗ này căng lắm", "toang rồi", "ở chỗ này có người này như này, ở phố kia có người như thế kia"... mà không có bất cứ sự kiểm chứng và nguồn chính thống nào xác nhận, từ các trang Facebook tung lên, hoặc để câu view, hoặc để gieo rắc nỗi sợ hãi, thậm chí bán hàng online đã là một thứ virus có sức tàn phá ghê gớm đối với tinh thần của mỗi người chúng ta, biến chúng ta thành một dạng virus bi quan, chán nản, hoảng sợ lây lan sang thêm những người khác nữa. Làm thế nào để chống lại nó, làm thế nào để chúng ta khoẻ mạnh về thể xác và tinh thần để sống tốt, mà như thế mới chống được cả fake news lẫn virus corona lây lan?”
Từ đó, anh Trương Anh Ngọc kêu gọi cộng đồng:
“Tất cả phụ thuộc vào mỗi người trong chúng ta. Mình chụp tấm ảnh này và hy vọng mọi người, nếu quan tâm, nếu thấy có ích, có thể cùng tham gia để nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chống cả dịch virus corona lẫn dịch fake news, cùng với hashtag #noikhongvoifakenews. Ai cũng có thể làm điều này, hoặc chụp ảnh như thế này, hoặc thể hiện theo cách khác là kêu gọi mọi người không cổ vũ cho việc chia sẻ lên không gian mạng các thông tin gây hoang mang dư luận, và chỉ chia sẻ các nguồn tin chính thống, như từ Bộ Y tế và các cơ quan thông tin có uy tín của Việt Nam. Hãy đọc kĩ, suy nghĩ thật kĩ trước khi bấm nút like hoặc share những thông tin không có nguồn gốc rõ ràng và đáng tin cậy.
Mình khẩn thiết kêu gọi cả những người có ảnh hưởng trong xã hội, các KOL, các diễn viên, nghệ sĩ, các cầu thủ nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt hãy dành một chút thời gian cùng tham gia công tác chống dịch này. Hãy cùng thể hiện trách nhiệm của các bạn với cộng đồng, góp sức vào việc nâng cao sức khoẻ tinh thần của người Việt trên mạng xã hội, và hãy cho hàng triệu các fans, những người theo dõi các bạn trên Facebook hay fanpage của mình thấy bạn thực sự muốn nâng cao sức khoẻ cộng đồng.”
Lời kêu gọi này đã được nhiều người hưởng ứng và hàng trăm lượt chia sẻ. Trên trang cá nhân của nhiều người khác, cũng xuất hiện tấm ảnh mọi người cầm tờ giấy với dòng chữ “Nói không với fake news” như nhà báo Trương Anh Ngọc đã chụp trên trang cá nhân kèm với lời kêu gọi của mình.
Kết thúc chuyên đề này, chúng tôi cũng mong muốn truyền đi một thông điệp: Nói không với fake news là cách chúng ta làm cho tin giả không còn đất sống, là cách tích cực để chúng ta cùng chung tay chống lại dịch Covid-19 – một chặng đường đang còn vô cùng gian nan phía trước.