Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, qua số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt gần 36.000 lao động.
Hơn 23.000 người đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính riêng tháng 3, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 12.738 lao động, trong đó tại thị trường Nhật Bản 6.297 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 5.487 lao động, Hàn Quốc 288 lao động, Trung Quốc 169 lao động, Singapore 116 lao động, Rumani 54 lao động và các thị trường khác. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 35.933 lao động. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong số các thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, với 23.364 lao động (8.248 lao động nữ).
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình như: Thực tập sinh kỹ năng; lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên.
Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Năm qua, cũng ghi mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc cao nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người. Ngoài thị trường Nhật Bản, trong quý I/2024, Đài Loan (Trung Quốc) cũng là thị trường có số lao động Việt Nam đi làm việc cao, với 9.781 lao động (3.011 lao động nữ).
Gần đây, ngày 3/4/2024, tại Đài Loan (Trung Quốc) xảy ra động đất mạnh nhất trong khoảng 25 năm qua (7,2 độ richter). Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại đây tiếp tục phối hợp với đối tác và người sử dụng lao động Đài Loan (Trung Quốc) rà soát, xác minh tình trạng an toàn của lao động do doanh nghiệp (DN) đưa đi. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình dư chấn trong những ngày tới để có phương án bảo đảm an toàn cho người lao động.
Bên cạnh 2 thị trường lớn nêu trên, trong quý I năm nay, lao động Việt Nam còn đưa sang làm việc tại nhiều thị trường khác, như Hàn Quốc với 707 lao động, Trung Quốc 398 lao động, Singapore 270 lao động.
Mở rộng đối tượng được vay vốn
Năm 2024, Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Hiện nay, nhằm khuyến khích cũng như đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt đi làm tại thị trường thu nhập cao, tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung đối tượng được vay vốn khi đi làm việc tại nước ngoài.
Cụ thể theo Bộ LĐTBXH, quy định hiện hành chỉ có 5 nhóm đối tượng được vay vốn khi đi làm việc ở nước ngoài gồm: người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng.
Trong khi thực tế một số nhóm đối tượng khác, như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các đối tượng lao động khác chưa được quy định, hoặc theo quy định của từng địa phương. Chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.
Mặt khác, hiện nay, nhiều địa phương đã ký các thỏa thuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, theo hình thức thời vụ. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quy định cụ thể trong Luật, nên nhiều lao động cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn.
Vì vậy, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước, về việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.