Ngày 7/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 302/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Nghị định thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM.
Theo đó, Thường trực Chính phủ cho rằng, việc xây dựng, ban hành Nghị định về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP HCM để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Dự thảo Nghị định đã được đa số Thành viên Chính phủ đồng ý thông qua. Về nguyên tắc, dự thảo Nghị định đã bảo đảm đủ điều kiện ký ban hành. Thường trực Chính phủ đồng ý thông qua về 4 nội dung còn ý kiến khác nhau theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ; trong đó, lưu ý:
Đối với nội dung thí điểm phân cấp cho chính quyền Thành phố ban hành các Danh mục ngành, nghề ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư: nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng giao UBND Thành phố tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng nhân dân quyết định Danh mục ngành, nghề ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Đối với nội dung thí điểm phân cấp chi đào tạo, bồi dưỡng, công tác phí, hội nghị, tiếp khách và nội dung thí điểm phân cấp tổ chức đấu giá cho thuê đối với mặt bằng sản xuất kinh doanh, cơ sở nhà đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công: nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng giao UBND Thành phố tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính trước khi trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định.
Bổ sung quy định về việc bãi bỏ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; về trường hợp có quy định khác với quy định tại Nghị định thì thực hiện theo Nghị định này.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 8/7/2024; giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang xem xét, ký ban hành Nghị định.
Công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên năm 2024
Theo Cổng TTĐT Chính phủ, chiều 7/7, tại Hưng Yên diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên năm 2024.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hưng Yên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 24 dự án có tổng số vốn 760 triệu USD và 10.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, điện tử, logistics, nội thất, linh kiện điện tử, cơ khí… cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
25 địa phương chưa hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Theo TTXVN, tính đến hết tháng Sáu vừa qua, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ chủ trì tổ chức thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Đề án của 5 tỉnh là Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh Thuận.
Có 9 địa phương đang hoàn thiện Đề án sau thẩm định, gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Hải Dương, Quảng Trị, Cà Mau, Yên Bái, Bình Định, Tiền Giang. 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định, trong đó đã tổ chức khảo sát Lào Cai, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh; 11 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ là Thái Bình, Hà Nội, Điện Biên, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Bến Tre, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Khánh Hòa. Còn lại 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Bóng chuyền nữ Việt Nam làm nên lịch sử tại giải đấu FIVB Challenger Cup 2024
Theo Cục Thể dục Thể thao, ngày 7/7, trong trận tranh hạng Ba tại FIVB Challenge Cup 2024, bóng chuyền nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử khi giành chiến thắng trước đối thủ hiện đang đứng hạng 13 thế giới - đối đầu với đội tuyển cực mạnh đến từ Vương quốc Bỉ.
Chiến thắng này đã làm nên một dấu mốc mới cho lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam khi đứng ở vị trí thứ 3 tại một giải đấu chính thức cấp độ thế giới của Liên đoàn bóng chuyền thế giới; đồng thời vươn lên vị trí 32 thế giới – thứ hạng cao nhất trong lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam. Tính ở khu vực châu Á, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam xếp thứ 5, sau các đội là Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Kazakhstan