Thông tin về chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng Odessa hôm 1/8 đã làm nức lòng nhiều người đang quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nói chung và khu vực châu Âu nói riêng. Thông tin ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Chuyển biến tích cực
Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn, nhưng cuộc xung đột giữa 2 nước đã khiến mùa màng tổn thất, cảng biển bị phong tỏa, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu lúa mỳ của Ukraine.
Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), trong năm 2021/2022, EU đã nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lúa mỳ từ Nga và Ukraine. Ngoài ngũ cốc, dầu hướng dương cũng là sản phẩm mà châu Âu phụ thuộc lớn vào Ukraine, từ năm 2021 đến năm 2022, Ukraine cung cấp khoảng 85% tổng lượng dầu hướng dương nhập khẩu vào “lục địa Già”.
Trung Quốc trong năm 2021-2022 được xác định là quốc gia châu Á nhập khẩu nhiều ngô nhất từ Ukraine, với tổng số khoảng 26 triệu tấn. Bắc Kinh cũng đã ký một thỏa thuận với Ukraine về việc đảm bảo cho nước này vay khoảng 3 triệu USD để đổi lấy 3 triệu tấn ngô. Cho đến nay, Ukraine vẫn chính là thị trường cung cấp ngô chính của Bắc Kinh. Trong khi đó, Ukraine cũng chiếm khoảng 74% nguồn cung dầu hướng dương cho Ấn Độ.
Căng thẳng ở Ukraine bùng phát đã chứng kiến sự gia tăng mạnh giá một số mặt hàng thiết yếu. Giá lúa mỳ đã tăng 35%, giá ngô tăng 17%, giá đậu nành tăng 8%… Trên thực tế, Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu lúa mỳ thế giới, 15% xuất khẩu ngô và gần như toàn bộ sản lượng xuất khẩu dầu hướng dương. Điều này cho thấy cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực, hệ lụy của nó đã vượt ra xa khỏi biên giới Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, một thông tin tích cực đã tới, sáng sớm ngày 1/8, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine đã rời cảng Odessa vào lúc 5h30 ngày 1/8 (12h30 giờ Việt Nam cùng ngày). Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, tàu chở ngô sẽ đến Liban. Các tàu hộ tống khác cũng sẽ đi theo hành lang hàng hải đã được vạch sẵn trước đó vì các thủ tục liên quan đã được hoàn tất.
Chuyến tàu mang ngũ cốc đầu tiên được rời khỏi cảng Ukraine được coi là bước khởi động suôn sẻ sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng trước. Đây là một bước đột phá ngoại giao trong xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Quốc tế hoan nghênh
Ngày 1/8, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã hoan nghênh tin tức về chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine rời cảng Odessa. Trả lời họp báo, ông Peskov đã xem đây là thông tin tích cực, đồng thời bày tỏ hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ thực thi đầy đủ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được ký tại Istanbul hồi tháng 7 vừa qua.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoan nghênh chuyến tàu chở ngũ cốc từ Ukraine là bước đầu tiên hướng tới việc từng bước giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Người phát ngôn của EU Peter Stano đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi toàn bộ thỏa thuận và việc nối lại hoạt động xuất khẩu của Ukraine tới các khách hàng trên thế giới.
Về phần mình, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, các đồng minh phương Tây ủng hộ mạnh mẽ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Cùng chung quan điểm trên, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhận định, chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine rời cảng Odessa kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là “bước quan trọng đầu tiên”.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển lương thực và phân bón đang đợi xuất khẩu tại các cảng của Nga ở Biển Đen. Trả lời phỏng vấn hãng tin Anadolu, ông Hulusi Akar nêu rõ, hiện vẫn còn thực phẩm và nhiều mặt hàng hóa chất tại các cảng của Nga. Việc vận chuyển số hàng này là vấn đề tách biệt với thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hỗ trợ cho công tác vận chuyển số hàng hóa này.
Cũng trong ngày 1/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã “nhiệt liệt hoan nghênh” sự kiện trên. Tuyên bố của Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều chuyến tàu thương mại di chuyển theo thỏa thuận trên, đồng thời nhấn mạnh rằng, “điều này sẽ giúp tái ổn định và mang lại sự cứu trợ cấp thiết cho an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình nhân đạo đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết”.
Tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh phía Ukraine cũng đã lên tiếng xác nhận xác nhận về chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine đã rời cảng Odessa hôm 1/8. Trung tâm điều phối chung (JCC) do Liên hợp quốc dẫn đầu cho biết, họ đã yêu cầu tất cả các bên thông báo cho quân đội để đảm bảo con tàu được đi qua một cách an toàn.
Ngày 22/7 vừa qua, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tại Istanbul mà Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc là các bên đồng bảo lãnh. Theo thỏa thuận này, nhóm gồm các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ sẽ giám sát hoạt động chất hàng lên tàu tại cảng của Ukraine, trước khi hàng đi qua tuyến đường được vạch sẵn trên Biển Đen. Thỏa thuận nếu được thực hiện sẽ giúp giải phóng khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc/tháng từ 3 cảng của Ukraine.