Giữa đại ngàn nguyên sinh của huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), câu chuyện về tình bạn của 2 “anh bạn nhỏ” làm lay động lòng người... Suốt 5 năm qua, dù nắng hay mưa em Vi Tuấn Khanh, trú tại bản Tà Cồ, xã Châu Hạnh vẫn luôn cõng bạn khuyết tật vượt đồi, lội suối đến trường tìm con chữ.
Em Vi Tuấn Khanh 5 năm cõng bạn tới trường. (ảnh: baothanhtra).
Chúng tôi đến bản Tà Cồ, xã Châu Hạnh trong những ngày cuối tháng 5, giữa thời tiết khắc nghiệt. Tại đây, giữa đại ngàn nguyên sinh có một tình bạn đẹp như chuyện cổ tích làm lay động lòng người... Đó là câu chuyện đầy ắp sự yêu thương, nghị lực của em Vi Tuấn Khanh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Châu Hạnh 2, huyện Quỳ Châu, 5 năm cõng bạn khuyết tật đến trường.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố, mẹ lại thường xuyên ốm đau... em Khanh dường như trở thành “trụ cột chính” trong gia đình. Mọi công việc dù lớn hay nhỏ đều dồn lên đôi vai bé nhỏ của cậu bé 11 tuổi. Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng Khanh luôn cố gắng vươn lên, có lẽ vậy mà em trưởng thành hơn so với các bạn cùng trang lứa. Không chỉ phụ giúp công việc trong gia đình, Khanh còn giúp đỡ cõng bạn Vi Nhật Cảnh cùng lớp 5 năm đến trường. Việc làm của Khanh khiến bà con nơi đây hết lòng cảm phục.
“Vì thấy hoàn cảnh của bạn Cảnh phải chịu thiệt thòi hơn người khác nên 5 năm học cùng nhau, hầu như ngày nào em cũng cõng bạn đến trường. Những ngày đầu em cõng bạn đến trường, em rất lo và sợ làm bạn ngã. Đương nhiên là rất mệt, chúng em phải nghỉ tới 4 lần mới đến được trường. Cho đến bây giờ, em thấy rất vui vì em đã giúp đỡ được bạn...”, Khanh chia sẻ.
Chị Vi Thị Sáu, mẹ của Khanh tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhất trong làng, cả 2 vợ chồng thường xuyên đau ốm. Mọi công việc hàng ngày hầu hết đều do một mình cháu Khanh làm. Thương con nhưng không làm giúp được, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Việc con cõng bạn đến trường là một hành động đẹp, chính vì thế mà tôi luôn động viên cháu... Với căn bệnh hiểm nghèo, tôi không biết mình còn trụ được bao lâu nữa, không biết rồi mai đây tương lai của con tôi như thế nào...”.
Còn hoàn cảnh của em Vi Nhật Cảnh thật đáng thương, ngay từ nhỏ em đã mắc bệnh bại não bẩm sinh. Cảnh rất khó khăn trong việc đi lại và nói năng. Mẹ Cảnh cũng bị khuyết tật. Bố Cảnh nhẫn tâm bỏ rơi 2 mẹ con từ khi mới sinh em... Năm lên 3 tuổi, một người đàn ông ở thị trấn Tân Lạc thông cảm với hoàn cảnh của hai mẹ con, đem lòng thương và kết hôn với mẹ của Cảnh. Từ đó, người bố dượng đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho 2 mẹ con.
Ngoài việc học trên lớp về Khanh còn tranh thủ vào trong khe suối mò cua, bắt cá để phụ giúp gia đình, đêm về Khanh lại qua nhà bạn để giúp đỡ bạn trong học tập. Nhờ ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên, cả 2 anh bạn nhỏ đều có kết quả học tập tốt, luôn là tấm gương sáng của Trường Tiểu học Châu Hạnh 2.
Ngoài giờ học trên lớp, Khanh luôn giúp Cảnh học tập tại nhà. (ảnh: baothanhtra).
Cô giáo Trần Thị Ái Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 cho biết: “Trường chúng tôi là một trong những trường đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu. Toàn trường có 30 cán bộ giáo viên, 391 em học sinh và trên 98% đều là học sinh người dân tộc thiểu số với cuộc sống còn rất khó khăn... Trước đây, việc đi vận động các em học sinh đi học luôn là bài toán khó đối với cán bộ giáo viên nhà trường.... Hành động đẹp của 2 em học sinh Khanh và Cảnh đã góp phần lớn thúc đẩy tinh thần trở lại trường học của rất nhiều em học sinh nơi đây. Nhà trường thường xuyên giúp đỡ các em học sinh, đồng thời nêu gương tinh thần ham học tập, nghị lực vượt khó cả em Khanh và Cảnh trong các buổi chào cờ đầu tuần và sinh hoạt đội”.
“Do hoàn cảnh của tất cả các em đều rất khó khăn, nên nhiều năm qua nhà trường đã phát động phong trào “nhường cơm sẻ áo, chia sẻ yêu thương”, mỗi tháng nhà trường đều trích tiền lương của các giáo viên nhà trường để giúp đỡ các em học sinh. Chủ yếu là mua quần áo, mua gạo, bút, vở ghi cho các em”, cô giáo Liên cho biết thêm.
Cô giáo Trần Thị Thùy (giáo viên chủ nhiệm của 2 em Khanh và Cảnh) chia sẻ: “Là giáo viên chủ nhiệm của 2 em Khanh và Cảnh, bản thân tôi luôn lấy hành động đẹp, nghị lực vượt khó, tinh thần ham học của 2 em ra làm tấm gương cho những em học sinh còn lại trong lớp học tập noi theo. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên giúp đỡ các em trong học tập cũng như trong kinh tế, góp một phần công sức nhỏ của mình động viên 2 em”.
Chúng tôi rời Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 mang theo nhiều ấn tượng khó quên và trong lòng thầm mong các em sẽ có thêm nhiều nghị lực để vượt qua khó khăn, nỗ lực đạt được nhiều kết quả tốt trong học tập, trở thành những người có ích cho xã hội.