Tính đủ chi phí dịch vụ khám chữa bệnh: Chất lượng phải được kiểm soát

Trần Ngọc Kha 10/10/2015 10:04

Ngày 9/10, tại Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức họp báo, cung cấp một số thông tin về Dự thảo Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng. 

Tính đủ chi phí dịch vụ khám chữa bệnh: Chất lượng phải được kiểm soát

Bộ Y tế tổ chức họp báo tại Hải Phòng về Dự thảo Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính
quy định thống nhất giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Nguyễn Nam Liên, việc này nhằm cụ thể hóa chủ trương để “Đến năm 2020, phải hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”.

Giá dịch vụ y tế được nói ở đây không đơn thuần là giá để người dân trả chi phí khám chữa bệnh cho ngành y tế mà theo ông Liên, quan trọng hơn cả là cơ sở để cơ quan BHYT thay mặt cho người dân thanh toán cho BV.

Theo Bộ Y tế, hiện giá dịch vụ y tế đang được cập nhật 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; Điện, nước, xử ý chất thải; Duy tu, bảo dưỡng tài sản; Tiền lương, phụ cấp; Sửa chữa lớn tài sản cố định; Khấu hao tài sản và Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đến nay, sau nhiều lần thay đổi, giá dịch vụ y tế mới được tính 3/7 yếu tố chi phí (bao gồm 3 yếu tố đầu tiên).

Tại dự thảo Thông tư này, Liên bộ Y tế - Tài chính sẽ ban hành mức giá cụ thể, chứ không ban hành khung giá. Cơ cấu tính giá của từng dịch vụ theo lộ trình tính giá gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù).

Giá này sẽ được tính chung cho các BV cùng hạng, bao gồm giá khám bệnh, giá ngày, giường bệnh và giá chung cho tất cả các hạng BV như giá của các gói dịch vụ kỹ thuật...

Giá này sẽ được áp dụng cho hơn 1.800 loại hình dịch vụ, trong đó có một số dịch vụ theo kỹ thuật các chuyên khoa chưa được quy định cụ thể từ trước đến nay.

Theo ông Liên, phương án này sẽ khuyến khích các BV tuyến dưới phát triển kỹ thuật, người dân sẽ được hưởng quyền lợi BHYT ngay tại địa bàn. Như vậy, y tế cơ sở bao gồm tuyến huyện, xã sẽ có điều kiện phát triển, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn.

Việc ban hành mức giá này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là “chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân mua BHYT” - ông Liên nhấn mạnh. Ông Liên ước tính mỗi năm số này sẽ lên đến hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Một vấn đề đặt ra là việc áp dụng thông tư này sẽ tác động đến các đối tượng trong xã hội như thế nào? Như ông Liên cho biết ở trên, việc áp dụng mức giá này không phải là tăng chi phí người dân có BHYT mà chỉ khuyến khích các cơ sở y tế triển khai các kỹ thuật y tế.

Việc đưa lương vào giá dịch vụ y tế như vậy sẽ mang lại cho các cơ sở y tế tính chủ động trong tuyển dụng nhân lực, không còn phải giải trình hay lập kế hoạch chờ cơ quan chức năng phê duyệt nữa.

Riêng đối với những người không có thẻ BHYT, theo ông Liên, trước mắt vẫn áp dụng mực giá hiện nay đang thực hiện, không bị ảnh hưởng. Về lâu dài, theo ông Liên, tùy theo tình hình thích hợp sẽ nâng giá dịch vụ đối với đối tượng không có thẻ BHYT. Vì vậy, đại diện Bộ Y tế này khẳng định: Việc áp dụng giá dịch vụ y tế tính đủ chi phí như vậy sẽ khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT.

Lộ trình thực hiện Thông tư từ nay đến hết năm 2015 sẽ đưa các chi phí trực tiếp và chi phí thực hiện các thủ thuật y tế vào giá dịch vụ y tế. Sang tháng 3/2016, sẽ đưa lương vào giá. Năm 2018 sẽ đưa thêm chi phí quản lý và năm 2020, tính thêm chi phí khấu hao tài sản cố định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết về việc làm sao để các cơ sở y tế công lập có thể tự giác nâng cao chất lượng dịch vụ y tế sau khi được tính đủ chi phí dịch vụ, ông Liên cho rằng trước mắt vẫn phải thận trọng tính giá như vậy để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Về lâu dài, theo lộ trình, đến năm 2020, giá dịch vụ y tế sẽ được tính đúng, tính đủ các khoản chi phí, các thành phần xã hội sẽ được tham gia cạnh tranh hiệu quả, lành mạnh, buộc các BV phải tự mình nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Trước mắt để tăng cường kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang chuẩn bị thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng khám chữa bệnh nhằm thực hiện chức năng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tính đủ chi phí dịch vụ khám chữa bệnh: Chất lượng phải được kiểm soát