Chính trị

Tinh gọn bộ máy - mệnh lệnh của cuộc sống

Hoàng Mai 02/01/2025 07:38

Đầu tháng 11 năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề gồm những từ khóa rất đơn giản nhưng thể hiện một sứ mệnh dứt khoát: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu quả”. Đó là tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Ảnh TBT- bài tết dương lịch- Loan
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Quang Vinh.

1. Bài viết của Tổng Bí thư chưa đầy 3.000 từ nhưng đã khái quát rất rõ nét về mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta và việc vận hành bộ máy ấy. Không chỉ có vậy, bài viết còn chỉ ra sự cồng kềnh, tầng nấc của bộ máy, của các cơ quan hành chính các cấp, dẫn đến sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ từ đó không rõ trách nhiệm, “lấn sân”… và hệ quả tất yếu là “gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”- Tổng Bí thư nêu tại bài viết.

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế”.

Tổng Bí thư yêu cầu cần tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tinh thần là đánh giá nghiên túc, toàn diện về tình hình; kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu quả” của Tổng Bí thư khẳng định rõ ràng quan điểm của Đảng ta, của người đứng đầu Đảng ta về một vấn đề cấp bách, quan trọng, liên quan đến sự vững mạnh của hệ thống chính trị; mà sự vững mạnh của hệ thống chính là bệ đỡ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hệ thống có mạnh mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa các cơ quan trong hệ thống với nhau; giữa cơ quan Nhà nước với hệ thống ngoài công lập…

2. Chúng ta đã vững vàng đi qua thời bao cấp với nền kinh tế kế hoạch kiểu cũ và trải qua gần 40 năm đổi mới với nhiều thành tựu nổi bật. Điều đó là không thể phủ nhận. Nhưng, trải qua gần 40 năm, trật tự thế giới thay đổi, kéo theo những sự thay đổi trong quan hệ kinh tế giữa các nước lớn với nhau; giữa các nước lớn và các nước đang phát triển… Bài học kinh nghiệm của 40 năm đổi mới là rất to lớn. Một trong số đó là đổi mới về thể chế; mà trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị - đây được đánh giá là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định những thành công trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Bộ máy của hệ thống ngày một trở nên cồng kềnh, hiệu quả hoạt động chưa cao; trùng lắp về chức năng nhiệm vụ tới mức 3 bộ quản 1 quả trứng gà (điều đã được nói nhiều trên diễn đàn Quốc hội) mà lắm khi trứng không rõ nguồn gốc vẫn không giảm. Hay câu chuyện cát, đá sỏi 5- 6 bộ cùng nghiên cứu nhưng không ai chủ trì. Hoặc, chuyện một tờ giấy khai sinh mà 5-6 cơ quan cùng tham gia vào. Nó cho thấy một thực tế, bộ máy của chúng ta đã không Gọn lại chưa Tinh và từ đó dẫn đến Hiệu năng, Hiệu quả công việc kém thấy rõ.

Những thực tiễn sống động ấy, nhưng cũng đồng thời là những ký ức không thật hay với người dân - doanh nghiệp đã cho thấy: Đến lúc cần cải tổ lại bộ máy theo hướng Tinh- Gọn để bộ máy mạnh hơn, làm việc Hiệu quả hơn. Điều đó đã trở thành mệnh lệnh.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. “So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “nói không đi đôi với làm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

3. Nhận ra những khiếm khuyết của bộ máy không phải là điều dễ dàng. Bởi, tâm lý con người vốn ngại thay đổi; một khi đã quen với những gì sẵn có thì thường hay “ngủ quên” trong những thói quen mà không biết rằng nó đã không còn phù hợp. Đó chính là sự quen thuộc đáng lo ngại khiến chúng ta bị tụt hậu lúc nào không hay. Bộ máy của hệ thống chính trị mà trở thành nơi làm việc của những con người ngại thay đổi; ít tính sáng tạo và có thói quen “sống lâu lên lão làng” chính là một điểm nghẽn hay nói cách khác - đây chính là điểm yếu chí mạng của bộ máy. Đó là chưa kể, bộ máy ấy đông mà không tinh nghiệp vụ cũng là sự tham góp thêm vào quá trình làm cho bộ máy của cả hệ thống trở nên lỗi thời so với sự phát triển của thời cuộc.

Chính từ những lý do ấy, bây giờ chứ không phải lúc nào khác, chúng ta cần một cuộc cách mạng thật sự tinh gọn bộ máy. Một bộ máy mà mỗi người phải thật sự là một chuyên gia, ham học hỏi. Một bộ máy mà mỗi người không chỉ làm 1 việc mà có thể kiêm nhiệm thêm những việc khác và làm tốt, sau quá trình học hỏi (tất nhiên là với những việc không đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn hóa quá cao). Một bộ máy mà mỗi cá nhân khi ở trong guồng quay công việc, luôn ý thức được mỗi khâu phải đảm bảo tiến độ, chất lượng để công việc được hanh thông, từ đó giúp cho bộ máy vận hành trơn tru.

Để vận hành một bộ máy đã đổi mới, vì thế, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội. Nói cách khác, chúng ta cần một cuộc cách mạng triệt để về tổ chức bộ máy để giảm tầng nấc trung gian, theo nguyên tắc thà ít mà tốt.

4. Cuộc cách mạng nào cũng có sự hy sinh, có sự đau đớn. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cũng không là ngoại lệ. Nhưng không có thay đổi sẽ không có phát triển. Chúng ta đang hướng đến sự thay đổi để cuộc sống của Nhân dân ta, của chính mỗi chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn; để đất nước ta ngày càng phát triển hơn và vươn xa hơn. Đó mới là điều quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh gọn bộ máy - mệnh lệnh của cuộc sống