Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận cấp huyện

M.Hải 09/03/2017 17:25

Ngày 9/3, Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu Đoàn khảo sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam làm việc tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Nội dung khảo sát nhằm đánh giá thực trạng những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề bất cập, không phù hợp trong mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện trong thời gian qua.

Về bộ máy hoạt động, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vĩnh Yên có số lượng 54 người. Cơ cấu: 22 tổ chức thành viên, 9 xã, phường, 18 cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực. Ban thường trực có 6 người: 1 Chủ tịch, 2 phó Chủ tịch, 3 ủy viên thường trực. Cơ quan thường trực Mặt trận thành phố có 6 chuyên trách, 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, 3 Ủy viên thường trực, 1 chuyên viên hợp đồng.

Với các tổ chức thành viên, số lượng người cũng được sắp xếp theo Quyết định số 282 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

Phát biểu đề dẫn thảo luận, bà Bùi Thị Thanh nêu: Đoàn khảo sát muốn nghe ý kiến từ địa phương, cũng như phản ánh, kiến nghị đề xuất về thực trạng hoạt động của bộ máy cán bộ và thực trạng hoạt động của Mặt trận tổ quốc, của các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện.

Hiện nay, nhiều ý kiến phản ánh Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong các hoạt động còn chồng chéo về nội dung. Vậy phải xác định Mặt trận và các đoàn thể ngay ở cấp huyện trong hoạt động, trong nhiệm vụ có gì chồng chéo, những hội nào chồng chéo và khắc phục bằng cách nào, hướng khắc phục bằng cách nào? “Và chúng ta phải trả lời câu hỏi tổ chức bộ máy của mình hình thành như thế nào. Ta đã có sẵn và muốn đổi mới thì đổi mới theo hướng nào?” - bà Thanh gợi ý cụ thể.

Gợi ý của bà Thanh được các đại diện của Ban Dân vận, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp Thanh niên, Hội Nông dân... đánh giá là có nhiều hướng để thực hiện bộ máy hợp lý, tránh chồng chéo trong hoạt động.

Đa số các ý kiến khẳng định là hoạt động Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cấp huyện còn nhiều chồng chéo. Như nhiều tổ chức cùng phát động một phong trào thi đua. Hay trong việc vận động giải phóng mặt bằng, từng hội vẫn tới các gia đình vận động cùng một việc. Nếu hợp thành một khối thì sẽ tránh được sự “giẫm chân”.

Hay như hội viên của Cựu vhiến binh nhiều khi là hội viên của các tổ chức đoàn thế khác. Mỗi người tham gia nhiều tổ chức sẽ trùng lắp.

“Cơ chế nào để nắm bắt, giải quyết vấn đề mới là quan trọng. Ví dụ một gia đình đều là đối tượng của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Vậy giờ tổ chức nào giúp đỡ chính, nên chăng các tổ chức hợp sức lại nhằm nâng cao sức mạnh tổng thể”, bà Thanh nói.

Tại cuộc trao đổi, đại diện UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát phiếu xin ý kiến về mô hình tổ chức của cơ quan tổ chức của cơ quan MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện.

Với đề án đưa ra mô hình Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và TP Vĩnh Yên nói riêng đang hoạt động có hiệu quả với mô hình hiện tại nên việc kiêm nhiệm còn là vấn đề phải bàn thảo để tìm sự đồng thuận. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến, mô hình của tổ chức cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam hiện tại hoạt động khá thuận lợi.

Tại cuộc thảo luận, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cần xác định rõ vai trò của mặt trận, trách nhiệm của Mặt trận là rất lớn.

Từ 1/1/2016, Luật MTTQ Việt Nam chính thức có hiệu lực trong đó quy định chức năng của Mặt trận ngày càng lớn, nhiệm vụ ngày càng nhiều, nhiệm vụ bao trùm là thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm. Về vị trí việc làm được đặt ra, ông Khanh cho biết, nhiều tỉnh học mô hình Quảng Ninh là kiêm nhiệm vị trí việc làm, với mục tiêu tinh giản bộ máy để làm việc làm sao cho hiệu quả. Nhưng theo ông Khanh, việc kiêm nhiệm, có chỗ thực hiện được, nhưng có chỗ chưa thể triển khai được.

Theo bà Thanh, trong quá trình thực hiện luôn có những cái khó, nhưng cần tìm ra hướng giải quyết, lời giải có tính khả thi hơn, được đa số chấp nhận hơn, phù hợp với chủ trương hiện nay.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, việc UBTƯ MTTQ Việt Nam đưa ra phiếu tham khảo để muốn tìm hiểu ý kiến từ cơ sở, Vĩnh Yên là một ví dụ. Sau đó, Mặt trận sẽ tổng hợp các ý kiến này, tổ chức hội thảo, tọa đàm ở cấp Trung ương và có thể sẽ phải trải qua nhiều cuộc làm việc nữa mới đi đến kiến nghị chính thức.

“Trong quá trình thực hiện luôn có những cái khó, nhưng chúng ta tìm ra hướng giải quyết, lời giải có tính khả thi hơn, được đa số chấp nhận hơn, phù hợp với chủ trương hiện nay thì chúng ta phải lựa chọn”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận cấp huyện