Những năm đầu chống Pháp. Ở tuổi 14-15, tôi thường nghe các anh chị lớn hát bài Sơn nữ ca. Bài hát có vẻ đẹp rất lãng mạn. Chàng trai xa chiến khu, đời chiến đấu như cánh chim phiêu bạt thời gian, bay vút trời cao, vẫn lặng thầm yêu nhớ không quên hình bóng xinh đẹp, nụ cười khúc khích trong rừng vắng của cô gái miền sơn cước…
Những tình khúc một thuở đã theo chân Bộ đội Cụ Hồ
xẻ dọc Trường Sơn cứu nước. (Ảnh tư liệu).
Rồi đến lượt chúng tôi xếp bút nghiên vào quân ngũ.
Ngày ấy, có một bản tình ca tuy đến muộn nhưng giai điệu và ca từ của nó giản dị, sâu lắng đến trắc ẩn lòng người. Đó là bài Lên ngàn của Hoàng Việt.
Lũ chúng tôi ra đi từ mái tranh nghèo, từng nén căm hờn, thương đau mục kích thảm cảnh giặc Pháp càn quét đốt cháy rụi xóm làng, bắn giết đồng bào, trâu bò chết ngổn ngang. Vì vậy, khi nghe bài Lên ngàn ngân vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam, không thể nào ngăn được lòng xót xa, thương cảm cảnh tượng: “Nước ngập đồng cây lúa chết. Gió mưa sụp đổ mái nhà. Bao nhiêu gia đình tan hoang. Đau thương lệ rơi chứa chan…”
Thật xúc động và tự hào biết bao! Con người Việt Nam ta chịu đựng và vượt qua tất cả mọi gian khổ, hy sinh lớn nhất trong đời qua chín năm chống Pháp vô vàn đau thương khốc liệt, vẫn lạc quan, tin tưởng vào ngày về chiến thắng và đã làm nên chiến thắng.
Khúc tình ca Lên ngàn đã để lại trong đầu đời chiến sỹ của tôi một ấn tượng sâu đậm không bao giờ phai.
Kháng chiến chống Pháp thành công. Tôi tập kết ra Miền Bắc. Lúc bấy giờ Miền Bắc có được những năm tháng sống trong hòa bình yên vui. Nhiều bản tình ca tươi trẻ ra đời khá hay như Ngày hội bắn, Tình ca Tây Bắc, Chiếc khăn piêu v.v…
Song, đây là một khoảng thời gian ngắn ngủi đặc biệt của lịch sử Việt Nam: Đất nước bị chia đôi. Nỗi đau và cuộc đời đất nước gắn liền với nỗi đau và số phận của từng gia đình, từng người. Nhất là đồng bào Miền Nam của nửa Tổ quốc thân yêu vẫn phải sống đọa đày trong vòng kìm kẹp, bắn giết của kẻ thù. Miền Bắc thương nhớ Miền Nam. Miền Nam ngóng trông Miền Bắc. Tâm trạng “Ngày Bắc đêm Nam, ngày Nam đêm Bắc” luôn giày vò, day dứt lòng người sớm tối, dằng dặc dài theo năm tháng.
Có lẽ, chính vì nỗi đau chia cắt quá lớn này, đã ra đời ba bản tình ca xuất sắc rung động hàng triệu trái tim người. Đó là bài Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Câu hò trên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp, Tình ca của Hoàng Việt.
Ba bản tình ca này được nhiều ca sỹ nổi tiếng thường xuyên trình diễn và đông đảo quần chúng yêu ca hát đón nhận tràn đầy yêu mến.
Nỗi đau riêng hòa trong nỗi đau chung, nên chị Tân Nhân đã hát bài Xa khơi da diết vô bờ. Nỗi đau buồn Nam - Bắc chia xa cứ trầm bổng mênh mông…mêng mông… cứ cách vời… cách vời… cứ xa khơi… xa khơi theo hoàng hôn nhuộm tím biển chiều bao la bát ngát không dứt trong lòng người.
Cầu Hiền Lương chỉ dài hơn 180m. Có người đứng bên ni bờ nhận ra bóng dáng người yêu bên kia bờ hẹn gặp. Vậy mà dòng sông chia cắt đôi bờ đất nước. Họ chỉ còn biết gặp nhau trong giấc mơ dài theo năm tháng. Câu hò trên bến Hiền Lương là nỗi thương đau, căm uất xé ruột xé gan trong phút giây trào sôi nhất nhớ nhung. Hai miền Nam - Bắc chỉ nhờ gió, nhờ chim gửi thương yêu cho nhau, biết bao giờ mới được gặp lại.
Bản Tình ca của anh Hoàng Việt có sức hấp dẫn mạnh mẽ lạ thường. Nó ngân vang tiếng hát tình yêu lứa đôi cao đẹp của người Việt Nam. Dù bão táp phong ba, máu lửa ngùn ngụt đất trời, tình yêu đôi lứa vẫn giữ vững đức tin bền chắc, sống với trái tim chung thủy yêu đời.
Những năm tập kết sống trên đất Bắc, Lên ngàn, Xa khơi, Câu hò trên bến Hiền Lương, Tình ca là 4 tình khúc lứa đôi góp phần nung nấu tuổi hai mươi chiến đấu của tôi rèn luyện ý chí quyết chiến quyết thắng cho Bắc - Nam nối liền một dải, cho người thương gặp lại người thương và người yêu về với người yêu.
Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã nổ ra. Cả nước lên đường ra trận, cháy bỏng khát vọng giành độc lập, tự do toàn vẹn, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhiều khúc ca lứa đôi đẹp và hay đã ra đời trong giai đoạn này. Có một nét khá độc đáo, tựa hồ như trở thành một trào lưu ưa thích của các nhạc sỹ, đó là nhạc phổ thơ. Tiêu biểu như: Tình em, thơ Hồ Ngọc Sơn, nhạc Huy Du; Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, thơ Phạm Tiến Duật, nhạc Hoàng Hiệp; Bóng cây Kơ-nia, thơ Ngọc Anh, nhạc Phan Huỳnh Điểu; Vàm Cỏ Đông, thơ Hoài Vũ, nhạc Trường Quang Lục; Sợi nhớ sợi thương, thơ Thúy Bắc, nhạc Phan Huỳnh Điểu; Nhịp cầu nối những bờ vui, thơ Phan Văn Từ, nhạc Văn An; Hành khúc ngày và đêm, thơ Bùi Công Minh, nhạc Phan Huỳnh Điểu; Làng Quan họ quê tôi, thơ Nguyễn Phan Hách, nhạc Nguyễn Trọng Tạo v.v…
Tình ca Tình em ra đời sớm nhất, vào cuối năm 1962. Nó nhanh chóng được tuổi trẻ đông đảo xem nỗi niềm đằm thắm, thiết tha của bài hát là tâm trạng của chính mình hằng mong giữ mãi được tình yêu trong sáng, thủy chung trọn đời mỗi khi xa nhau: Khi chiếc lá xa cành/lá không còn màu xanh./Mà sao em xa anh/đời vẫn xanh rời rợi?/Có gì đâu em ơi,/Tình yêu là sự sống… Anh đi xa bao núi… Anh đi xa càng xa… Anh còn đi xa mãi… Dù anh biệt tháng ngày… Tình em như sông dài…
Có lẽ tình ca Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây là bài hát hay nhất, đẹp nhất thời đánh Mỹ. Bài hát là một bức tranh hiện thực Trường Sơn giản dị, chân thật nhưng rất đỗi lạc quan, lãng mạn; rạo rực, náo nức lòng người. Nó không chỉ vang vọng khắp núi rừng Trường Sơn bao la hùng vĩ, đã âm vang khắp phố phường, đồng ruộng, trên những nẻo đường hành quân chiến đấu, công tác của triệu triệu tâm hồn Việt Nam tràn đầy niềm vui tươi, tin yêu:
…Thương em bên ấy mưa nhiều con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi, em có lấy măng không?
Bóng cây Kơ-nia là một trong những bản tình ca giàu nhất về bản sắc riêng của núi rừng và tâm hồn người Tây Nguyên đẹp hồn nhiên, thật thà, chất phác lạ thường.
Khi cô gái Tây Nguyên Rơ chăm Phen vút cao tiếng hát bóng cây Kơ-nia, gió cây Kơ-nia/con giun sống nhờ đất/chim Phí sống nhờ rừng/Em và mẹ nhớ anh/Uống nước nguồn Miền Bắc… khiến lòng tôi vô cùng xúc động, khâm phục tinh thần kiên trung, bất khuất, son sắt của đồng bào các dân tộc miền núi chúng ta.
Hành khúc ngày và đêm tuy chỉ phác họa vài nét lớn nhưng toát lên rực rỡ tình yêu lứa đôi của tuổi trẻ Việt Nam luôn hướng tất cả vào sự nghiệp chung, kể cả người ở tiền tuyến và ở hậu phương: Rất dài và rất xa/Là những ngày mong nhớ/Nơi sáng lên ngọn lửa/Là trái tim yêu thương....
Sau năm 1975, đã xảy ra cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc tháng 2/1979. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm Quần đảo Trường Sa, 64 chiến sỹ, cán bộ ta ở đảo Gạc-Ma đã hy sinh trong khi bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nhiều bài tình ca hướng về biên giới, hải đảo lại ra đời. Tiêu biểu như: Ngày mai anh lên đường, Tình yêu bên dòng sông Quan họ, Thơ tình lính biển, Gửi em ở cuối sông Hồng, Mùa xuân bên cửa sổ…
Những bài tình ca thời này, không chỉ riêng tôi, có lẽ hai tình khúc Gửi em ở cuối sông Hồng và Mùa xuân bên cửa sổ được rất nhiều người ưa thích. Bởi lẽ, thời Trường Sơn đánh Mỹ, người lính ở Tây Trường Sơn và người yêu là những cô gái “Ba sẵn sàng” ở Đông Trường Sơn luôn lo lắng cho nhau. Thì giờ đây, mỗi khi nghe đài báo gió mùa Đông Bắc, cô gái ở cuối sông Hồng lo lắng cho người yêu chốt giữ trong chiến hào trên đồi núi cao biên cương giá rét, áo ấm có lạnh không? Còn người chiến sỹ biên thùy không lo cho mình, lại xót thương người yêu ở dưới quê làng vào vụ mới, tay ngập dưới bùn nước tê cóng, có cấy lúa được thẳng hàng?
Có một điều mới lạ, khác biệt một cách khá thú vị trong tình yêu lứa đôi Việt Nam. Đó là lần đầu tiên, nụ hôn xuất hiện trong Mùa xuân bên cửa sổ, nhạc sỹ Xuân Hồng phổ thơ của Song Hảo. Nụ hôn của anh lính và cô thợ trẻ đơn sơ nhưng thật đẹp, tạo nên cho con người niềm tin và sức mạnh kỳ diệu.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam đã gánh chịu một cuộc chiến tranh cục bộ phi nghĩa lớn nhất do đế quốc Mỹ gây nên, đau thương, mất mát nặng nề nhất nhân loại thế kỷ 20.
Song, qua cuộc chiến tranh đó, đã bừng sáng rực rỡ bản chất, truyền thống “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cao đẹp của Việt Nam.
Trong máu lửa ngút trời, những bản tình ca Việt Nam không hề mang âm hưởng u buồn, bi quan. Cùng với nhiều bản tình ca rất hay khác, 10 tình khúc lứa đôi đọng lại mãi trong riêng tôi, đã mang lại cho tôi những tình cảm lớn, luôn lạc quan, yêu đời, đạp lên cái chết để làm nên sự sống.
Tôi hằng mong 10 tình khúc lứa đôi ấy được hội tụ trong một băng ghi hình giàu chất nghệ thuật, lưu lại cho người đời mai sau một hồi ức văn hóa cao đẹp của dân tộc ta trong thời máu lửa thế kỷ 20.