Sau sự cố sập cổng trường khiến 3 học sinh tử vong tại huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), các cấp, ngành, địa phương trên cả nước lại tiến hành “rà soát” an toàn trường học. Và sau hàng loạt sự “rà soát” đó thì xảy ra các vụ tai nạn trong trường học gây thương vong cho học sinh. Vừa hôm qua (11/9) thôi, một học sinh lớp 5 ở tỉnh Nghệ An đã mất mạng vì bị tường rào của trường đổ vào người. Trước đó một ngày, một học sinh ở Lào Cai bị quạt trần rơi vào đầu, một học sinh lớp 3 ở Hà Nội bị bỏ quên trên xe ô tô.
Ngồi viết bài này mà tôi không thể kìm nén được sự bức xúc, xen lẫn nỗi xót xa, đau đớn vì những học sinh bị cướp đi tính mạng một cách vô cớ trong những ngày qua. Làm sao có thể không bức xúc, khi mà người ta cứ nói ra rả là chia buồn, rà soát, rồi rút kinh nghiệm sâu sắc không để sự việc đau lòng tái diễn... nhưng rồi tính mạng học sinh vẫn bị tước đoạt. Làm sao có thể không xót xa, đau đớn với cái chết thương tâm của những đứa trẻ ngây thơ, không hề biết tai họa đang rình rập trong chính trường học?
Đến giờ phút này, cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai cũng chưa hề đưa ra kết luận nguyên nhân vụ sập cổng trường khiến 3 học sinh tử vong ở huyện Văn Bàn là do mưa lũ làm sạt lở đất, do sự cẩu thả trong thi công, hay vì có tơ hào bớt xén nguyên vật liệu mà dẫn đến hệ lụy đau lòng. Lẽ ra, sau vụ việc vô cùng đau xót này, các cấp ngành của tỉnh Lào Cai phải có một bài học quý giá, không bao giờ được phép tái diễn thảm cảnh. Song, sau đó chỉ vài ngày, dù đã có “rà soát” an toàn, quạt trần vẫn rơi vào đầu học sinh như thường.
Cũng may là học sinh bị quạt trần rơi vào đầu chỉ bị thương, chứ không mất đi tính mạng. Song, nếu chuyện xấu xảy ra, cá nhân, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm, hay lại một lần nữa “rà soát” an toàn trong trường học, rồi lại “rút kinh nghiệm sâu sắc”? Chắc chắn “kịch bản” sẽ là: Lỗi do khách quan, sự việc không ai mong muốn, sẽ tiến hành rà soát, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, sẽ xử lý nghiêm khắc không bao che người vi phạm... Song, chẳng biết ai là người “vi phạm” thì làm sao mà “xử lý nghiêm khắc” đây?
Tương tự, một học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng may mắn thoát khỏi tử thần, nhờ đã được trang bị kỹ năng tự mở cửa xe ô tô thoát hiểm. Giáo viên phụ trách xe và tài xế đã bị lãnh đạo trường này kỷ luật. Song, kỷ luật thì có ích gì nếu “lịch sử” Trường Gateway tái diễn? Vụ việc học sinh lớp 1 Trường Gateway chết thảm do bị bỏ quên trên xe chỉ mới xảy ra, ngay trên địa bàn Thủ đô, lẽ nào giáo viên và lái xe Trường Đoàn Thị Điểm không hay biết?
Tất nhiên là biết rồi, bởi vụ việc tại Trường Gateway khá ầm ĩ và báo chí cũng đã đưa tin rất nhiều, chưa kể phiên xử phúc thẩm vụ án đó cũng chỉ vừa diễn ra cách đây không lâu. Biết mà vẫn phạm phải những sai lầm chết người mà các bị cáo trong vụ án tại Trường Gateway vấp phải thì chứng tỏ giáo viên và lái xe, cũng như lãnh đạo Trường Đoàn Thị Điểm xem nhẹ tính mạng học sinh, coi thường pháp luật. Thật đúng là “chưa thấy quan tài, chưa nhỏ lệ”, chưa bị khởi tố vẫn còn nhơn nhơn chưa biết sợ.
Giả sử, chỉ là giả sử thôi, cháu bé học sinh lớp 3 chưa có kỹ năng tự mở cửa xe ô tô để thoát hiểm, liệu hậu quả lúc đó sẽ là gì? Xét về bản chất, hành vi của giáo viên và lái xe Trường Đoàn Thị Điểm giống hệt như của đồng nghiệp ở Trường Gateway, chỉ có điều chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Song, hậu quả chưa xảy ra lại nằm ngoài ý chí chủ quan của những người thực hiện hành vi. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế giáo viên và lái xe Trường Đoàn Thị Điểm đã có hành vi vô ý làm chết người.
Sự cẩu thả, coi thường tính mạng của học sinh thể hiện rõ hơn cả là trong vụ việc mới nhất xảy ra tại huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Nói là sự cẩu thả, coi thường tính mạng học sinh là hoàn toàn có cơ sở, bởi vừa mấy ngày trước, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ vừa yêu cầu sở GDĐT các địa phương khẩn trương rà soát cơ sở vật chất trong trường học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Và kết quả là sau đó chưa đến một tuần, một học sinh lớp 5 lại tử vong vì bị tường rào đổ vào người. Có thể không căm phẫn sao?
Dư luận xã hội cho rằng, sẽ không bao giờ có thể chấm dứt được những vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng học sinh, nếu vẫn không ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp cả. Khi mà người ta vẫn chỉ quen hô khẩu hiệu: Vì học sinh thân yêu, an toàn trường học là trên hết..., nhưng không có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm khi xảy ra sự việc đau lòng, thì làm sao có thể chỉ ra được những “lỗ hổng” để “bịt” lại. Chừng đó, tính mạng học sinh vẫn phải trông chờ vào sự may rủi mà thôi!