Tính mạng treo bên mỏ sắt

Đức Sơn 15/11/2015 09:53

Ngập ngụa trong khói bụi, đường giao thông bị băm nát, sụt lún nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, mất nước sinh hoạt và có thể bị núi đất thải, hồ chứa bùn thải vùi lấp bất cứ lúc nào… Đó là những hệ lụy mà Mỏ sắt Trại Cau thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đối với hàng trăm hộ dân ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên hàng chục năm qua.

Tính mạng treo bên mỏ sắt

Tình trạng ô nhiễm và nguy hiểm xung quanh Mỏ sắt Trại Cau
thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

Khốn khổ vì sụt đất và bụi

Từ khi Mỏ sắt Trại Cau bước đầu hoạt động khai thác quặng cũng là lúc mà cuộc sống người dân thị trấn bị đảo lộn. Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân của thị trấn này luôn phải sống trong nỗi sợ hãi bởi có thể bị mất mạng bất cứ lúc nào vì hiện tượng lún sụt đất. Vốn là vùng “tâm chấn” nên các khu vực tổ 1, 2, 3, 5, 7, 14.. của thị trấn Trại Cau bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại đây, nhà cửa, công trình phụ, tường rào của người dân lần lượt bị nứt toác, thậm trí đổ sập. Từ năm 2004, người dân ở khu vực này đã thấy hiện tượng giếng khơi bị cạn nước, ruộng đồng bỗng dưng khô, nứt nẻ… không rõ nguyên nhân.

Ðến năm 2006, trong thị trấn nhiều nơi bị tụt đất thành hố sâu hun hút. Hàng trăm nhà cửa của người dân cứ dần nứt ngang, nứt dọc từ chân móng đến mái nhà và đổ sập. Tiếp đó, số hộ bị ảnh hưởng cứ tăng lên vùn vụt khiến dân tình hoang mang, lo lắng. Để đảm bảo an toàn tính mạng, rất nhiều hộ dân phải bỏ nhà dạt đi nơi khác sinh sống, nhiều căn nhà bỗng thành vô chủ.

Trước kiến nghị của nhân dân, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên và Bộ TN&MT đã vào cuộc kết luận, nguyên nhân gây sụt lún đất ở vùng này là do trong quá trình khai thác, Mỏ sắt Trại Cau đã dùng bơm khai thác tháo khô mỏ vượt quá nhiều lần so với giấy phép.

Khai thác nước dưới đất vì thế đã tạo ra phễu hạ thấp mạch mức nước chung quanh moong khai thác, làm nước dưới đất vận động mạnh, tác động làm mất cân bằng tĩnh trong các tầng lớp phủ dẫn đến đẩy nhanh sự sụt đất, nứt đất, mất nước dẫn đến hậu quả các công trình kiến trúc của người dân thị trấn Trại Cau bị hư hại nặng.

Sau nhiều năm đòi hỏi quyền lợi chính đáng, một số hộ dân đã được đền bù và di chuyển đi chỗ khác. Số còn lại vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng và đối mặt với nguy cơ sập nhà cửa và nguy hiểm về tính mạng.

Ngoài nỗi lo nhà sập nhà cửa, người dân nơi đây còn hứng chịu sự ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác mỏ gây ra. Tại đây, hàng ngày có hàng nghìn xe trọng tải lớn vận chuyển đất đá, quặng sắt chạy ầm ầm, băm nát các ngả đường đường giao thông. Đi khắp các đường làng, ngõ xóm ở khu vực mỏ sắt, đâu đâu cũng thấy một màu bụi vàng khè. Bụi bám vào nhà cửa, vườn tược và bay lờ vờ trong không trung khiến không khí ngập thở.

Dân sống xung quanh mỏ sắt Trại Cau không chỉ khốn khổ trong khói bụi từ hoạt động khai thác quặng mà còn thiếu nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng. Do các mỏ khai thác quặng lộ thiên, ăn sâu vào lòng đất hút hết nguồn nước ngầm nên các giếng khơi, giếng khoan của người dân cạn kiệt nước. Người dân phải mua nước sạch với giá cao ở nơi khác về sinh hoạt.

“Chủ mỏ sắt thì giàu lên, còn trăm thứ khổ người dân phải gánh chịu và họ cũng không được đền bù, giải quyết thỏa đáng cho dân. Ngành chức năng cần có biện pháp sớm giải quyết vấn đề này để người dân không còn phải khổ sở nữa” - bà Lan, một người dân thị trấn Trại Cau bày tỏ.

Ẩn họa từ Bùn thải

Đúng là trăm thứ khổ đổ đầu dân, không chỉ lo lắng về tình trạng trên, người dân nơi đây còn đứng ngồi không yên bởi bãi chứa đất thải và hồ chứa bùn thải “treo” ngay trên đầu. Nhiều năm qua, bùn thải từ hồ chứa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn phủ lấp ruộng vườn của nhiều hộ dân.

Mặt khác, việc xây đắp hồ chứa bùn thải ngay sát khu dân cư và ở vị trí cao hơn khu dân cư lại được đào đắp sơ sài nên trở thành hiểm họa lớn đe dọa tính mạng, tài sản của người dân đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Tính mạng treo bên mỏ sắt - 1

Bùn và nước thải đặc quánh được xả thẳng ra hồ chứa.

Theo quan sát, sau khi tuyển rửa quặng sắt, các lớp bùn, nước thải đặc quánh xả ào ào ra hồ chứa. Hồ chứa rộng mênh mông nhưng đã được lấp kín bởi lớp bùn thải, nước thải đỏ quánh. Nguy hiểm hơn, hồ chứa bùn thải này có độ chênh cao hơn hàng chục mét so với mặt bằng đất của tổ 12 và 15 của thị trấn Trại Cau và tỉnh lộ 269. Xung quanh thân hồ chứa là nơi sinh sống của vài chục hộ dân nên người dân vô cùng hoang mang.

“Núi đất thải, hồ chứa bùn thải cao sừng sững ngay trên nóc nhà dân, bao năm nay chúng tôi chưa được một ngày nào ngủ ngon giấc vì lo lắng, nhất là hôm trời mưa to. Nếu chẳng may xảy ra sụt lở, vỡ hồ thì cả khu vực xung quanh sẽ bị xóa sổ, chúng tôi sẽ vị vùi dưới lớp bùn sâu. Mạng sống của người dân bao năm nay luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Nhân dân kiến nghị rất nhiều nhưng người ta chỉ sửa chữa qua loa. Dân cũng chỉ biết kêu lên trên chứ biết làm thế nào được… ” - Chị Hoa, một hộ dân Tổ 12, thị trấn Trại Cau lo lắng.

Theo quan sát của phóng viên, thân đập của hồ chứa nước thải được đào đắp, lu lèn bằng đất mượn rất sơ sài. Sau trận mưa, thân đập lộ rõ những vết nứt, những vết bị sói mòn rất lớn. Không ít, vết nứt lớn xuất hiện ngay trên thân đập. Nếu xảy ra mưa lũ lớn, thì nguy cơ vỡ đập rất có thể xảy ra.

Mặt khác, hồ chứa bùn thải và núi thải đất đá khổng lồ của mỏ sắt Trại Cau nằm sát tỉnh lộ 269 nối Thái Nguyên về tỉnh Bắc Giang) mà không có hệ thống che chắn an toàn. Hàng ngày hàng nghìn lượt người, phương tiện phải liều mình đi qua núi thải không biết tại họa sẽ ập xuống lúc nào.

Kiến nghị mãi cũng thế

Nói về ảnh hưởng của Mỏ sắt trên địa bàn, mới đây, phát biểu tại cuộc họp do Liên minh Khoáng sản phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập tổ chức, ông Vũ Đăng Khoa - Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau khẳng định, trong những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đã gây ô nhiễm khí bụi, sụt giảm mực nước ngầm, sụt lún lòng đất, gây thiếu nước nghiêm trọng. Người dân thị trấn Trại Cau đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp khai thác mỏ, nhưng đến nay vấn đề bức xúc này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, khiến người dân lo âu.

Ông Khoa cho rằng, vấn đề sụt giảm nước ngầm là do các hoạt động khai thác mỏ ở tầng sâu gây ra, điển hình là khai thác theo moong lộ thiên ở các mỏ sắt… Trên thực tế, việc khai thác ở độ sâu lớn hơn 50 mét, kết hợp với việc bơm hút nước từ moong để phục vụ việc khai thác đã dẫn đến tháo cạn nước ngầm cục bộ tại khu vực khai thác.

Việc suy giảm nguồn nước ngầm, sụt lún lòng đất này đã khiến người dân gặp khó khăn về nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ nông nghiệp. Trong những năm gần đây, vấn đề này đã trở thành nỗi bức xúc và lo lắng của người dân, nhất là hơn 200 hộ dân đang sinh sống cạnh khu vực mỏ sắt Trại Cau.

Tính mạng treo bên mỏ sắt - 2

Mỏ sắt Trai Cau gây nhiều phiền toái và nguy hiểm
cho những người dân sinh sống xung quanh.

Trao đổi với phóng viên, bà Quang Thị Hoa- Chủ tịch MTTQ thị trấn Trại Cau cũng khẳng định, hoạt động khai thác mở gây ra hiện tượng mất nước, ô nhiễm môi trường và sụt lún đất. Bà Hoa cho biết thêm, bức xúc, người dân kêu nhiều lắm, chính quyền thị trấn cũng rất tích cực kiến nghị, nhưng trách nhiệm vẫn như quả bóng được đá hết chỗ nọ sang chỗ kia.

Trước sự bức của người dân, ông Vi Trần Dương-Phó Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau lại cho rằng, phía mỏ sắt Trại Cau không nhận được phản ánh của nhân dân. Theo ông Dương, bãi đổ thải của mỏ làm đúng thiết kế được ngành chức năng phê duyệt, đảm bảo an toàn, không sợ vỡ. Mỏ sắt Trại Cau đã có phương án đảm bảo an toàn cho dân. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi về thiết kế kỹ thuật thì ông Dương không trả lời được và cũng không cung cấp được hồ sơ thiết kế và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Nói về sụt lún đất do khai thác mỏ, ông Dương cho hay “sụt lún chắc sẽ có” nếu do công ty gây ra thì sẽ đền bù. Về vấn đề đường giao thông bị băm nát và bụi ô nhiễm thì ông Dương lý giải không chỉ mỗi Mỏ sắt Trại Cau gây ra mà còn nhiều doanh nghiệp khác.

Vậy là trách nhiệm tiếp tục được đùn đẩy và người dân tiếp tục phải gánh chịu sự khốn khổ từ hệ lụy của mỏ sắt này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tính mạng treo bên mỏ sắt