Sau gần 1 tháng chịu đựng cảnh mưa lũ, ngập lụt, người dân Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai của Hà Nội đã được giải vây. Cuộc sống đang dần ổn định trở lại trước sự chung tay của toàn xã hội, nhưng làm thế nào để không còn nơm nớp nỗi lo chạy lũ mùa mưa bão vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.
Giúp người dân Chương Mỹ trong những ngày ngập lụt. Ảnh: Đức Khánh.
Chúng tôi về huyện Chương Mỹ, Hà Nội nơi vừa hứng chịu một trận lụt lịch sử kéo dài gần 1 tháng trời. Dù nước đã rút dần, người dân Chương Mỹ đã không còn bị cô lập với thế giới bên ngoài hoặc phải bì bõm lội vào nhà như trước, nhưng sự tàn phá của “thủy tặc” thật là khủng khiếp.
Ngổn ngang sau ngập lụt
Tại xã Nam Phương Tiến-vùng ngập nặng nhất của huyện Chương Mỹ những ngày này chỉ thấy rác, rác, rác và rác. Kèm với rác là mùi xú uế bốc lên khủng khiếp. Chị Đỗ Thị Hòa, thôn Nam Hài chia sẻ, sau cảnh lụt lội là rác thải. Đủ các loại rác cộng với ao tù nước đọng đã “tấn công” người vùng lụt. Không thể chịu được mùi hôi thối, người dân trong thôn không ai bảo ai, mấy ngày hôm nay cùng nhau lội bì bõm dưới những vùng nước bẩn moi, vớt rác khơi thông cống rãnh để thoát nước và cũng chính là để họ có thể trở về nhà của mình. “Hy vọng, trời nắng ráo thế này dăm ba bữa nữa để người thôn Nam Hài thoát khỏi cảnh ngập lụt”, chị Hòa cho biết.
Cùng với người dân, những ngày này, các tổ chức đoàn thể của huyện, xã, thôn đã chung tay cùng người dân dọn dẹp lại nhà cửa, vệ sinh môi trường giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất trở lại. Bà Nguyễn Thị Xuân, Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Nam Hài cho biết, hơn 100 hội viên của Hội Phụ nữ thôn những ngày này rải đi khắp các thôn xóm, tuyên truyền, chung tay cùng người dân làm sạch môi trường, hướng dẫn người dân tiêu trùng, khử độc để tránh những dịch bệnh đáng tiếc từ hậu lũ lụt.
Lo bệnh dịch sau lũ lụt là nỗi lo thường trực nhất hiện nay, chính vì thế việc làm cấp bách lúc này là tiêu trùng, khử độc, hướng dẫn người dân vùng lụt phòng tránh bệnh tật, ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Chương Mỹ cho biết. Theo đó, để chủ động chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe người dân vùng ngập úng, TTYT huyện Chương Mỹ và trạm y tế các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án đối phó với thiên tai, thảm họa.
TTYT huyện phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, các trạm y tế 11 xã bị ngập úng nặng đã khám cho 1.544 người dân; tổ chức cấp phát 4.688 túi thuốc gồm thuốc tra mắt, thuốc ngoài da; 5.740 túi Cloramin B; 2.740 túi phèn chua cho các hộ dân bị ngập úng.
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, cán bộ y tế của trung tâm và trạm, y tế thôn đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường cho 347 hộ gia đình. Đặc biệt TTYT huyện đã thành lập 5 đội cấp cứu cơ động thường trực tại đê Tả Bùi sẵn sàng ứng cứu kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, TTYT huyện Chương Mỹ cũng đã thành lập đội cơ động phòng chống dịch phối hợp với các xã lên phương án vệ sinh môi trường sau ngập úng. Trung tâm cũng dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu cho người dân và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trước, trong, sau ngập úng, đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe chu đáo.
Bà Phùng Thị Hậu, Trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến chia sẻ, trên địa bàn xã có 4 thôn bị ngập nặng là Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, trong đó Nam Hài bị ngập nặng nhất và bị cô lập. TTYT huyện phối hợp với Trạm y tế xã Nam Phương Tiến đã thành lập Trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập như thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ.
Nhiều tuyến đường tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) vẫn ngập sâu trong nước.
Nợ nần vì “thủy tặc”
Thiệt hại nặng nề là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại những ngày này ở Chương Mỹ. Tại sao vùng rốn lụt lại gặp thiệt hại như vậy là bởi, dù đã được cảnh báo là nơi đây là vùng trũng, phải sống chung với lũ, nhưng người dân không thể ngờ được lụt lội lại khủng khiếp và kéo dài đến thế.
“Thủy tặc” đã cướp đi 5 tạ thóc của bà cháu tôi, bà Nguyễn Thị Duyên 77 tuổi, nói trong nước mắt. Nhà tôi chỉ có hai bà cháu. Thằng cháu thì đi làm ngoài khu công nghiệp. Hôm ấy, nước lũ lên nhanh quá trong nhà có ít thóc dự trữ, con lợn cùng đàn gà đã bị nước cuốn trôi sạch. Suốt những ngày ngập lụt, bà phải tá túc ở nhà họ hàng và mới được trở về nhà 2 ngày. Nhưng kể cả cho đến hôm nay lũ không còn bao vây thì bà Duyên vẫn phải mượn thuyền thúng để vào nhà vì con ngõ và khoảng sân vẫn còn ngập ngang bụng.
Lũ lụt không chừa một ai. Chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Nam Hài), xã Nam Phương Tiến cho hay: Trận lũ tháng 10 năm ngoái khiến gia đình gần như trắng tay. Năm nay, vợ chồng chị vay mượn gần 300 triệu đồng để đầu tư làm trang trại, mua giống chăn nuôi. Mới được 9 tháng, lũ lại tràn về, gia súc, gia cầm chết dần, chết mòn vì không có thức ăn, nước uống. Chị đành đem bán non một số, nhưng giá rẻ không đủ trả tiền thức ăn chăn nuôi vẫn đang nợ đại lý. “Cứ thế này, nợ nần chẳng biết đến đời nào mới trả hết!”, chị chua xót.
Cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị hoàn toàn đảo lộn vì nước lũ. Nhiều người trắng tay, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần bởi sức công phá của lũ dữ. Nhiều người dân xã Nam Phương Tiến cho biết, so với trận lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008 thì trận này lớn hơn nhiều. Vì nó là lũ chồng lũ, lụt chồng lụt. Mới có 9 tháng lụt đã quay trở lại giáng những đòn chí mạng vào vùng nông thôn nghèo.
Người dân thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến khẩn trương rọn rác thải, cải tạo lại môi trường sống.
Tình người vùng lũ
Đúng là trong hoạn nạn mới hiểu lòng người. Gần 1 tháng qua, Công an huyện Chương Mỹ đã phối hợp với các lực lượng chức năng, ban ngành chủ động phương án hộ đê, ngăn nước, di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm. Công an huyện Chương Mỹ cũng túc trực ở những vùng ngập sâu sẵn sàng giúp đỡ người dân khi họ cần. Người dân vùng lũ vẫn kể cho nhau nghe về trường hợp của ông Nguyễn Văn Lý, 65 tuổi, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến không may bị rơi xuống nước được Công an huyện Chương Mỹ cứu kịp thời.
Không chỉ có công an đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, mà khắp các đường làng ngõ xóm hình ảnh những chiến sĩ công an, bộ đội sát cánh cùng người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, cùng người dân dựng lại nhà, sửa chữa trường học, cứu trợ cho người dân vùng bị chia cắt đã trở nên vô cùng thân thuộc. Có lẽ không có một hình ảnh nào đẹp hơn thế. Sở dĩ đê Bùi được bảo vệ cũng chính là nhờ sự nhất trí đồng lòng, trách nhiệm của quân và dân.
Trách nhiệm mà người đứng đầu UBND huyện Chương Mỹ - ông Đinh Mạnh Hùng nhắc đến không chỉ là cụm từ dành cho các cơ quan chức năng. Về Chương Mỹ vào những ngày này mới thấm thía điều đó. Anh lái công nông tình nguyện vận chuyển đưa đón người dân đi lội nước đi làm khi lũ dâng cao và đón những đoàni cứu trợ đến với người vùng lụt. Đó là việc sửa xe miễn phí cho những xe máy lội nước bị hỏng hóc… Người vùng lũ, chẳng ai bảo ai, ai có phương tiện gì đều trở thành của chung để đối phó với lũ lụt… Có lẽ đó là lý do, không có bất kỳ sự việc đáng tiếc nào xảy ra dù nước lũ bủa vây vùng quê nghèo gần cả tháng qua.
Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, những ngày qua, chính quyền TP Hà Nội cùng nhiều quận, huyện, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thủ đô đã chung tay sẻ chia khó khăn với bà con vùng lũ. Những xe hàng cứu trợ nối đuôi nhau chi viện cho các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và thị trấn Xuân Mai. Theo chân cán bộ thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến đi phát mì tôm chúng tôi đã chứng kiến những tình cảm vô cùng trân quý của quân và dân nơi đây. Tình người ấm áp đã làm dịu đi mọi mất mát.
(Còn nữa)