73 năm đã trôi qua, giá trị vĩ đại Cách mạng Tháng 8 năm 1945 của dân tộc Việt Nam càng chói sáng. Đó là cuộc cách mạng điển hình mở đầu cho kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên giành độc lập tự do.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu/TTXVN.
1. Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng đầu tiên giành thắng lợi ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, mở đầu cho cao trào giải phóng ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào với đóng góp to lớn vào dòng chảy của lịch sử nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam là ngọn cờ cổ vũ toàn thể nhân loại, các dân tộc bị áp bức đứng lên giành quyền độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 trước hết bắt nguồn từ tinh thần “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đó cũng là sự mẫu mực của tư tưởng huy động và phát huy tối đa sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Sự thành công vang dội của cuộc cách mạng cho thấy sự mẫu mực về đoán định thời cơ, chủ động tạo thời cơ; của tinh thần quyết đoán và ý chí quả cảm không gì lay chuyển nổi. Ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Theo Đảng, theo Cụ Hồ, toàn thể dân tộc Việt Nam đứng dậy từ đau thương của đêm trường nô lệ để giành lấy độc lập, tự do.
Cho đến trước cuộc cách mạng ấy, toàn Đảng chỉ mới có trên dưới 5.000 đảng viên và không phải ở đâu cũng có tổ chức Đảng. Nhưng ở đâu có tổ chức Đảng ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Ở đâu có đảng viên ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Tại nhiều địa phương những đảng viên cộng sản thông qua Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo, tổ chức và phát động quần chúng vùng dậy giành chính quyền.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời- một nước Việt Nam mới chưa có tiền lệ trong lịch sử. Vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem đến chiến thắng huy hoàng. Và cũng từ đó, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đồng lòng bước vào những cuộc trường chinh gian khổ, đầy mất mát hy sinh đánh đuổi các thế lực ngoại bang, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho giống nòi. Mà đỉnh cao của những cuộc trường chinh đó chính là thắng lợi vĩ đại 30/4/1975, đất nước thống nhất, non sông liền một dải.
Hôm nay, đúng 73 năm sau ngày chiến thắng huy hoàng 19/8/1945, nhìn lại chặng đường dân tộc đã đi qua, càng tự hào là người Việt Nam, là con dân của một đất nước trải qua bao vất vả gian nan vẫn trụ vững và lớn mạnh.
2. Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc.
Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Kể từ đó, ngày 19/8 trở thành Ngày Truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày Truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Như vậy, lực lượng CAND Việt Nam ra đời và trưởng thành, lớn mạnh trong lò lửa đấu tranh cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trọn niềm tin vào CAND, Người dành cho lực lượng này tất cả tình thương yêu. Ngay từ khi chính quyền cách mạng mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất cách mạng của CAND: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”. Trong Bài nói tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”.
Trước đó, trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai- Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh”, ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng phải có, đó là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Và đó cũng chính là Sáu điều Bác Hồ dạy CAND mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, toàn diện.
Lực lượng Công an nhân dân ngày càng vững mạnh.
Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, CAND đã xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, của Nhân dân, Đất nước. Tới nay, chính lực lượng đó cũng lại đi đầu trong công cuộc đổi mới. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an. Ngày 6/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Bộ, tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Bộ Công an sẽ không tổ chức cấp tổng cục, sắp xếp, tinh gọn các đơn vị trực thuộc Bộ theo cấp cục trên nguyên tắc sáp nhập các đơn vị tương đồng hoặc không rõ nhiệm vụ, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một đơn vị phụ trách.
Cùng đó, Bộ Công an cũng sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với công an tỉnh, thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập báo chí, y tế trong công an nhân dân.
Theo mô hình tổ chức mới, Bộ Công an sẽ giảm đầu mối cấp phòng trực thuộc Bộ, công an tỉnh; giảm đầu mối cấp đội trực thuộc phòng và công an quận, huyện; đồng thời xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. So với bộ máy cũ, mô hình bộ máy Bộ Công an sẽ giảm 6 tổng cục, tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Cấp công an địa phương sau khi tinh gọn bộ máy, sáp nhập cảnh sát PCCC giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Đây thực sự là một cuộc cách mạng về tổ chức, biên chế, là một sự sắp xếp rộng lớn đòi hỏi quyết tâm và bản lĩnh rất lớn.
Ngày 19/8 năm nay, kỷ niệm 73 năm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, cũng là dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam. Tinh thần 19/8, sức mạnh 19/8 nhất định sẽ lan tỏa trong cuộc sống, để chúng ta vững bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn và cũng là mong mỏi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.