Những ngày này, cả nước tưng bừng kỷ niệm 73 năm Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và Quốc khánh 2/9. Tất cả người Việt Nam từ miền ngược đến miền xuôi, trong nước cũng như ở nước ngoài đều tự hào mình là con dân của một đất nước độc lập, tự do; một đất nước vượt lên biết bao thử thách cam go của lịch sử, ngày một lớn mạnh.
Đại diện các cựu chiến binh trong lễ diễu hành trên Quảng trường Ba Đình, Quốc khánh 2/9/2015. Ảnh: Getty Images.
1. Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 là cuộc cách mạng đầu tiên giành thắng lợi ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, mở đầu cho cao trào giải phóng ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới.
Thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945 trước hết bắt nguồn từ tinh thần “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đó cũng là sự mẫu mực của tư tưởng huy động và phát huy tối đa sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại.
Những ngày tháng 8 lịch sử 73 năm trước, toàn thể dân tộc Việt Nam vùng đứng dậy, đập tan ách đô hộ của thực dân phong kiến. Từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, nhân dân chung sức chung lòng giành lấy độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi. Bài học vĩ đại của Tổng khởi nghĩa tháng 8 chính là sự đoàn kết triệu người như một vì mục tiêu chung là giành độc lập. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem đến chiến thắng huy hoàng.
Một dân tộc bị nô dịch hàng trăm năm, thất học, nghèo đói, nhưng vụt mạnh mẽ với sức mạnh vô địch. Trong những dòng người cuồn cuộn của tháng 8 năm 1945, có cả những cụ già và em bé, nam giới và nữ giới, trí thức cùng nông dân... Cuộc cách mạng long trời lở đất ấy đã đem đến cho toàn dân tộc một đất nước Việt Nam mới chưa có tiền lệ trong lịch sử: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi vĩ đại của Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 cũng đã tạo nên sức mạnh vĩ đại cho toàn dân tộc bước tiếp vào những cuộc trường chinh gian nan, đánh đuổi ngoại xâm giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã hoàn thành cuộc trường chinh đầy mất mát hy sinh, nhưng quật cường anh dũng của dân tộc, nước non liền một dải, cả nước đồng lòng xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Đoàn diễu hành của đại diện phụ nữ các dân tộc. Ảnh: Getty Image.
2. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, cùng Trung ương Đảng chuẩn bị ra mắt Chính phủ lâm thời. Ngày 2/9/1945, trong sự háo hức nghẹn ngào của hơn 50 vạn người dân Hà Nội cùng hàng triệu trái tim mọi miền Tổ quốc, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, ngày Quốc khánh 2-9 đã trở thành dấu son vĩnh hằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
73 năm trôi qua kể từ ngày bản “Tuyên ngôn Độc lập” vang lên trên Quảng trường Ba Đình, cho đến nay, ý nghĩa của ngày Quốc khánh 2-9 ngày càng chói sáng.
Vào ngày 2-9 của 73 năm trước, lần đầu tiên nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn thể dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Đó cũng là sự mở đầu cho một chế độ mới, một nhà nước công - nông đầu tiên khu vực Đông Nam Á: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
73 năm đã qua, bản Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi đi vào lòng người như sự thức tỉnh, khẳng định niềm tin và sức mạnh của dân tộc Việt Nam vào tương lai tươi sáng. Ngày Quốc khánh trở thành dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, với niềm tự hào thiêng liêng được làm người Việt Nam.
Trong nhiều kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945, người ta vẫn nhớ đến một buổi phát thanh thật sự đặc biệt. Chỉ với chiếc máy phát tín hiệu morse cũ kỹ được cải tiến thành máy phát thanh, công suất 300W, nhóm cán bộ kỹ thuật đã tiến hành phát sóng trực tiếp buổi lễ Quốc khánh.
Buổi tường thuật được truyền dẫn, phát sóng tín hiệu từ Ba Đình về qua một ăngten đặt trên nóc nhà số 4 Đinh Lễ, Hà Nội (trụ sở Bộ Tuyên truyền lúc bấy giờ). Nói như nhà báo Trần Lâm, thì đó là cuộc “khai sinh bằng miệng” Đài phát thanh Quốc gia Việt Nam (vào ngày 7/9/1945).
Trước đó, ngày 22/8/1945, một nhóm thanh niên trí thức tiêu biểu trong Đội Tuyên truyền xung phong, nhận được chỉ thị chuẩn bị thành lập Đài phát thanh quốc gia. Máy móc, trang thiết bị không có, nhưng họ vẫn quyết tâm tường thuật trực tiếp lễ Quốc khánh trọng đại của đất nước. Lúc ấy, không một ai biết đài phát thanh cần có những gì và cũng không có gì trong tay, từ máy thu máy phát, studio bá âm, kỹ thuật viên, phát thanh viên…
Nhưng với sự thông minh nhanh nhẹn, đặc biệt là tinh thần yêu nước cháy bỏng, họ quyết tâm làm bằng được. Anh em đã cải tiến một chiếc máy phát tín hiệu morse cũ kỹ thành máy phát thanh, 41 m, có công suất 300W.
Trong buổi phát sóng đầu tiên ngày 2/9/1945, phát thanh viên đã trân trọng đọc lại toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sóng cho đồng bào cả nước nghe trong niềm hạnh phúc ngây ngất là con dân của một nước độc lập, tự do.