Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai, thời gian qua, hàng trăm cây xanh lâu năm tại TPHCM bị đốn hạ, di dời.
Được coi là “siêu dự án” của TPHCM, tuyến metro số 2 từ Bến Thành đi Tham Lương với chiều dài hơn 11km có tổng nguồn vốn lên tới 47.800 tỷ đồng. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, dự án này sẽ di dời và đốn hạ hơn 450 cây xanh để thực hiện việc thi công. Các cây xanh này nằm ở quận 1, 3 và 12… Trong đó, phần lớn (hơn 400 cây) sẽ bị đốn hạ vì có tuổi đời lâu năm, phần còn lại sẽ được di dời.
Tương tự, một trong những dự án hạ tầng lớn khác cũng phải đốn hạ, di dời nhiều cây xanh khi thi công là dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức). Với nguồn vốn 3.400 tỷ đồng, dự án nút giao này có quy mô rất lớn gồm hầm chui, nhiều nhánh cầu vượt cũng ảnh hưởng tới hơn 200 cây xanh. Tuy nhiên, so với dự án xây dựng tuyến metro số 2, hầu hết cây xanh ở dự án nút giao An Phú sẽ được di dời, chỉ một số ít bị đốn hạ...
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, chủ đầu tư các dự án xây dựng nút giao An Phú, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám... thì khi thực hiện các dự án này, chủ đầu tư luôn tái trồng lại nhiều hơn số cây xanh phải nhường chỗ cho dự án. Để hài hòa, cân đối giữa phát triển giao thông và mảng xanh đô thị, sắp tới, Ban quản lý sẽ kiến nghị với lãnh đạo TPHCM một số ý kiến như coi gỗ cây xanh sau đốn hạ như tài sản công (khi thanh lý), bắt buộc trồng nhiều hơn số cây bị đốn hạ, di dời; tái trồng cây xanh ở một số dự án sắp thi công.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, việc chặt cây xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan đô thị, môi trường... nhưng đây là việc buộc phải thực hiện, không có cách nào khác. Tuy nhiên, theo ông Cương, cần tìm cách bù đắp lại, có thể trồng lại ở những vị trí bị ảnh hưởng sau khi làm xong metro số 2 hoặc tại khu vực lân cận. “Khi các dự án hạ tầng hoàn thành, không gian đô thị TPHCM sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Lúc này, ngoài trồng cây xanh, thành phố có thể tạo các dàn dây leo bên cạnh các cây xanh trồng thay thế” - ông Cương nói.
Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch và kiến trúc đô thị: "Để làm tuyến metro số 2 phải chặt hạ hơn 400 cây thì sau khi chặt, chủ đầu tư phải có kế hoạch trồng lại. Chặt chỗ này phải trồng lại chỗ khác, hai việc này phải đi kèm với nhau. Kế hoạch này có thể đã nằm trong ngân sách của dự án metro. Đặc biệt, nếu chặt 1 cây xanh mà trồng lại 2 cây thì sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người” - ông Sơn nói.