Pháp luật

Tình trạng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”: Làm sao ngăn chặn?

Đức Sơn 20/01/2025 06:33

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc đòi nợ, “đòi nợ thuê” theo kiểu “xã hội đen” được các cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá đã cho thấy tình trạng này biến tướng phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

tr10.png
Lực lượng chức năng khám xét một công ty chuyên đòi nợ theo kiểu khủng bố có trụ sở tại TPHCM.

Biến tướng phức tạp từ hoạt động thu hồi nợ

Ngày 5/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Bắc Giang đã khởi tố 13 đối tượng về tội “cưỡng đoạt tài sản” do có hành vi cắt ghép hình ảnh nhạy cảm vào hình ảnh của nạn nhân, gọi điện đe dọa, xúc phạm người thân, lãnh đạo cơ quan, tổ chức nơi các khách hàng vay nợ ngân hàng để thúc ép trả nợ và cưỡng đoạt tài sản.

Theo đó, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện đối tượng Lê Văn Triều (32 tuổi, trú tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) là đối tượng chủ mưu, cầm đầu 18 đối tượng có dấu hiệu của tội “vu khống” và “cưỡng đoạt tài sản”. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Lê Văn Triều đã lập 2 nhóm nhân viên để lấy thông tin của khách hàng; liên lạc, nhắn tin đe dọa, vu khống, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để đòi nợ trái quy định. Trường hợp khách hàng không thanh toán khoản nợ vay thì tìm nơi làm việc của họ để gây áp lực lên đồng nghiệp, lãnh đạo hay người thân của khách hàng để ép trả nợ. Các đối tượng đã thúc ép người thân và các khách hàng trả nợ cho Ngân hàng khoảng 300 đến 400 triệu đồng. Khi đó, các đối tượng được hưởng 21% tổng số tiền trên.

Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện đường dây Cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” núp bóng Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Theo nội dung vụ việc, Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng, cùng là Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TPHCM) biết rõ kể từ ngày 1/1/2021, loại hình dịch vụ đòi nợ đã bị Luật Đầu tư năm 2020 đưa vào diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, Châu và Hùng đã lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt để ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ tiền tố tụng và tham gia khởi kiện tại tòa với 7 tổ chức Ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Châu và Hùng bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép “tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý khác theo quy định pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật” để tổ chức hoạt động thu hồi nợ. Các đối tượng tổ chức chỉ đạo 20 trưởng nhóm và 579 các nhân viên thuộc 20 nhóm dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của 172.629 người vay, cưỡng đoạt số tiền 456 tỷ đồng và đã được các đơn vị ký kết hợp đồng dịch vụ trả phí hơn 168 tỷ đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc liên quan đến các tổ chức, cá nhân hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” khủng bố, uy hiếp, đe dọa người vay tiền của ngân hàng và các tổ chức tín dụng...

Cần quản lý chặt

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, kinh doanh thu hồi nợ là loại hình kinh doanh bị cấm. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành thì ngân hàng, các tổ chức tín dụng, người dân có thể ủy quyền cho bên thứ 3 là pháp nhân hay cá nhân đi thu hồi nợ.

Theo ông Hiếu, việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng ủy quyền cho bên thứ 3 để đòi nợ, mà bên thứ 3 có các hành vi đòi nợ theo kiểu “giang hồ”, khủng bố, đe dọa, uy hiếp khách nợ, đòi nợ theo kiểu vi phạm pháp luật thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật.

“Khi có khách hàng nợ quá hạn, ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiến hành các bước thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật. Khi tự ngân hàng không thể giải quyết được việc thu hồi nợ vay, thì gửi hồ sơ tới tòa án có thẩm quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, việc kiện ra Tòa rất mất thời gian, tốn nhiều công sức” - Ông Hiếu nhấn mạnh và cho rằng để ngăn chặn biến tướng trong thu hồi nợ, các cơ quan an ninh cần vào cuộc mạnh mẽ để triệt phá các tổ chức, cá nhân dùng thủ đoạn đòi nợ một cách vô nhân đạo. Bên cạnh đó, Luật dân sự và Luật hình sự cần quy định chặt chẽ hơn về vấn đề cho vay nặng lãi, cần có quy định nếu bên thứ 3 được ủy quyền mà đi đòi nợ thì phải có quy định để cho tất cả các bên đi đòi nợ phải tuân thủ và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, để ngăn chặn tình trạng trên, ngành chức năng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong hoạt động tín dụng, hoạt động cho vay, mượn trong giao dịch dân sự.

Mặt khác, cần rà soát các quy định về cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính để sửa đổi nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước và phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể các hành vi cho vay với lãi suất vượt quá quy định của Bộ luật Dân sự nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, bao gồm cả các hành vi cho vay thế chấp tài sản và cho vay không thế chấp tài sản, các hành vi đòi nợ gây mất trật tự công cộng với chế tài nghiêm khắc đủ để răn đe, phòng ngừa và là căn cứ để xử lý hình sự nếu đối tượng còn vi phạm.

TS Lưu Hoài Bảo - Trưởng Bộ môn Tội phạm học và Khoa học điều tra tội phạm thuộc Khoa Pháp luật hình sự (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh, muốn siết chặt hoạt động đòi nợ và các công ty, tổ chức thu hồi nợ, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để đưa hoạt động này vào “quỹ đạo” của pháp luật. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về hoạt động đòi nợ.

“Các cơ quan thực thi pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn triệt phá, xử lý các đường dây đòi nợ phi pháp. Quá trình từ điều tra, truy tố đến xét xử đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án để đảm bảo xử lý hiệu quả và triệt để các đường dây đòi nợ trái phép. Sự phối hợp chặt chẽ giúp đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, ngăn chặn các hành vi phạm tội tương tự trong tương lai. Từ đó tạo sự tin tưởng và khí thế mạnh mẽ trong nhân dân để cùng phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các biến tướng của hoạt động đòi nợ” - TS Lưu Hoài Bảo chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình trạng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”: Làm sao ngăn chặn?