Tình yêu

TRẦN HỮU THĂNG 07/08/2023 05:58

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Tình yêu là: 1/Tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật. Thí dụ: Tình yêu quê hương đất nước. Tình gia tộc thân thương. 2/Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ. Thí dụ: Tình yêu son sắt, thủy chung”. “Tình ý là: 1/Tình cảm và ý định ấp ủ trong lòng, người khác chưa biết. Thí dụ: Dò xem tình ý ra sao. 2/Tình cảm yêu đương đang được giữ kín, chưa bộc lộ ra. Thí dụ: Hai người có tình ý với nhau từ lâu”.

“Tình cảm là: 1/Sự cảm thông và rung động trong lòng trước một đối tượng nào đó. Thí dụ: Tình cảm đi đôi với lý trí. Hiểu thấu tâm tư tình cảm. Một người giàu tình cảm. 2/Sự yêu mến gắn bó giữa người với người. Thí dụ: Tình cảm họ hàng ruột thịt. Tình cảm mẹ con. Sống rất tình cảm”.

Theo các định nghĩa của từ điển thì không có gì khó hiểu hay phức tạp cho lắm, nhưng khi tham khảo các “Từ điển danh ngôn” thì thấy có nhiều vấn đề quá phức tạp, quá phong phú khi tra đến mục từ “Tình yêu”. Xin được viết ngắn gọn và dễ hiểu trong phạm vi một bài khái quát và tóm tắt về “Tình yêu”.

Trước hết xin nói về tình yêu Tổ quốc. François Coppée (1842 - 1908), một thiên tài triết học của thế kỷ trước đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Tình yêu Tổ quốc, Người sống trong tất cả các con tim”. Nên chú ý: Chữ Người tức là “tình yêu Tổ quốc” dù viết bằng ngôn ngữ nào cũng phải viết bằng chữ hoa hay chữ in, vì nó rất thiêng liêng và đáng kính trọng.

Khi Coppée khẳng định lòng yêu Tổ quốc, tức lòng yêu nước là tình yêu thường trực, sẵn có trong mỗi trái tim con người là ông đã đề cao cái sức mạnh của lòng yêu nước. Lòng yêu nước mạnh mẽ đến mức mỗi người công dân đều có thể sẵn sàng hy sinh tính mạng cá nhân mình để giữ được độc lập, tự do cho dân tộc mình, cho nhân dân mình, cho đồng bào mình.

Tình yêu cũng như mọi cảm xúc khác của con người phải có thực tế, phải có thời gian thử thách.

Đại triết gia người Anh, ông Francis Bacon (1561 - 1626) đã khẳng định: “Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình gia thất”, tức là: Ai có tình cảm chân thật yêu tha thiết ông bà, cha mẹ mình thì mới chính là người yêu mến và gắn bó với quê hương, đất nước và Tổ quốc mình.

Điều này rất logic, rất dễ hiểu. Trong các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước, Việt Nam ta đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh quên thân mình của các tầng lớp thanh niên nông dân, công nhân, trí thức, sinh viên, học sinh sẵn sàng lên đường tòng quân cứu nước.

Câu nói nổi tiếng của một nữ thanh niên nông thôn đã dặn mẹ trước khi ra chiến trường; “Nếu con trở về, đó là ngày đoàn tụ gia đình. Nếu con không trở về, tức là con đã đền nợ nước”. “Con đã đền nợ nước” chính là quyết tâm hy sinh tất cả để giữ vững con đê, bến nước, sân đình, cây đa cổ thụ của quê hương, của làng xóm.

Thế còn trong công cuộc hòa bình xây dựng Tổ quốc, lòng yêu nước được thể hiện như thế nào? Đại triết gia người Đức, ông Richard Wagner (1813 – 1883) đã viết rất cụ thể: “Lòng yêu nước bắt buộc ta tôn trọng trật tự công cộng, luật pháp và những định chế quốc gia. Lòng yêu nước yêu cầu chúng ta giữ trọn lòng nhân hậu đối với đồng bào, với các tôn giáo, với các đoàn thể xã hội”.

Những lời dạy về lòng yêu nước của Wagner đã trải qua hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn đúng và mãi mãi đúng vì nó đoàn kết và hòa hợp các dân tộc cùng chung sống trong một lãnh thổ quốc gia.

Sau tình yêu Tổ quốc là to lớn, thiêng liêng nhất mà ai cũng phải coi trọng và xếp lên hàng đầu thì phải kể đến tình yêu gia đình, vì gia đình là tế bào của xã hội. Các tế bào có vững chắc, có khỏe mạnh thì cả cơ thể mới cường tráng và phát triển được.

Triết gia danh tiếng Delavigne (1793 - 1843) đã định nghĩa rất hay về tình yêu trai gái và hạnh phúc hôn nhân như sau: “Ái tình là nguồn vui của một ngày. Hôn nhân là hạnh phúc của cả cuộc đời”. Một ngày và cả cuộc đời là quá xa, quá khác nhau. Ấy thế mà có người còn nhầm lẫn dẫn đến tai hại chết người. Nên rất thận trọng với tình yêu tuổi học trò vì trí khôn của tuổi học trò chưa trọn vẹn, kinh nghiệm sống còn quá mỏng.

Có nhiều ngôn từ như: Tình yêu sét đánh, tình yêu duyên kiếp... xem ra đều thiếu khoa học, hão huyền và nhiều trường hợp có hậu quả xấu. Theo khoa học, sau khi tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm mới nên nghĩ đến chuyện yêu đương và tiến tới lập gia đình vào tuổi trên 25 là thích hợp nhất, là hợp tình, hợp lý nhất. Đáng lưu ý nhất là với các nữ sinh phải xa nhà khi học đại học hay trung cấp dạy nghề mà đã yêu đương, sống thử, góp gạo thổi cơm chung... dẫn đến phá thai bất hợp pháp, hậu quả là mất chức năng làm mẹ của nhiều cô gái đáng thương. Có khi gây ra những vụ án hình sự, giết người yêu, tù tội cũng chỉ vì không hiểu hết được luật pháp và đạo lý làm người trong quan niệm hôn nhân và gia đình.

Bậc thầy về thơ ngụ ngôn, tác giả La Fontaine (1621 - 1695) đã cảnh báo rất sớm: “Tình yêu trai gái có những lạc thú cũng như có những vị đắng chát của nó”. Đáng tiếc thay cho những ai chỉ nhìn thấy khía cạnh lạc thú, vui vẻ, khoái lạc của tình yêu nam nữ mà không biết đến quy luật cay đắng và tàn nhẫn của nó.

Trong những lớp học “Trước hôn nhân” ở châu Âu người ta đã đề cập đến những sự cay đắng này với những khẩu hiệu khuyên nhủ con người là “Đừng đùa với lửa”, “Đừng đùa với tình ái”, vì nó cũng nguy hiểm như bệnh tật, như cái chết và kinh khủng hơn là những sự cay đắng gọi là “Sống không bằng chết”. Hiện nay do tình hình đổ vỡ của nhiều gia đình trẻ dưới 30 tuổi với số ly thân, ly hôn ngày càng tăng ở một số nước châu Á nên đã xuất hiện nhiều trường hợp sống độc thân hoặc làm mẹ đơn thân, làm bố đơn thân đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ổn định và phát triển dân số ở một số quốc gia.

Trong tủ sách giáo dục hôn nhân, gia đình đã xuất hiện các cuốn sách “Nước mắt chốn phòng the”, “Thà rằng ở vậy cho xong”... đã nói lên những bất hạnh trong hôn nhân như: Ly thân, ly hôn, thậm chí chồng giết vợ, vợ giết chồng... vì thói ích kỷ, tàn nhẫn của những con người chạy theo lạc thú bản năng mà xa rời ánh sáng của luật pháp và đạo đức làm người.

Đoạn trên của bài viết đã đề cập đến hai loại tình yêu cao thượng và quan trọng nhất của một đời người, đó là tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương đất nước và tình yêu hạnh phúc lứa đôi, tình yêu gia đình để duy trì nòi giống cho từng gia đình, họ tộc và cho cả xã hội.

Tiếp theo, xin đề cập đến một số tình cảm khác, vừa là tình yêu, vừa là tình thương mến hòa nhập trong các mối quan hệ khác ở gia đình, ở cộng đồng xã hội mà mỗi con người là thành viên trong đó.

Trước hết xin nói về quan hệ và tình cảm giữa anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ. Đây là mối quan hệ rất đặc biệt vì anh em sống chết có nhau, có trách nhiệm thương yêu, đùm bọc nhau cho đến suốt đời, kể cả khi cha mẹ chung không còn nữa.

Đông phương cổ học Tinh hoa có hai câu danh ngôn nên học thuộc lòng. Câu thứ nhất: “Huynh đệ kỳ hấp, hòa lạc khả đam, phụ mẫu kỳ thuận hỷ hồ” (tạm dịch: Anh em ruột thịt biết hòa hợp vui vẻ, cha mẹ trông thấy thật vui sướng vô cùng). Câu thứ hai: “Vi nhân đệ giả, hòa nhân nghĩa dĩ sự kỳ huynh” (tạm dịch: Người làm em vì trọng nhân nghĩa nên phải biết tôn trọng người làm anh). Chao ôi, nếu ai ai cũng có được cái tình yêu chân thật “trên kính, dưới nhường” thì đã chẳng xảy ra bao cảnh đau lòng trong những gia đình vì chút quyền lợi cỏn con mà đến nỗi bất hòa, xẻ nghé tan đàn, anh em sát hại lẫn nhau.

Cũng nên nói một vài câu về thứ tình yêu quý, cái âu yếm thân mật, gắn bó tự nhiên, chân thành của con người với con người trong tình bạn, tình bằng hữu.

Đông phương cổ học đã dạy rằng: “Nhất tử nhất sinh nãi chi giao tình, nhất bần nhất phú nãi tri giao thái, nhất quý nhất tiện giao tình nãi hiện” (tạm dịch: Một sống, một chết mới biết nghĩa tình với nhau, một giàu một nghèo mới biết thái độ đối với nhau, một hèn một sang mới tinh tường tình nghĩa).

Ai đã từng đi bộ đội chiến đấu bên nhau, sống chết có nhau, nay hòa bình trở lại quê hương, những cựu chiến binh được gặp lại nhau mới thấm thía câu danh ngôn này. Ai đã từng có bạn lúc nghèo khổ, tay trắng lập nghiệp, nay đã trưởng thành mới hiểu rõ ai tốt, ai xấu, ai hay, ai dở.

Như thế, tình yêu cũng như mọi cảm xúc khác của con người phải có thực tế, phải có thời gian thử thách mới hiểu rõ được lòng người.

Có tác giả đã tóm tắt như sau: “Con người sinh ra ở đời có hai phần: Thân thể và tâm hồn. Thân thể được nuôi dưỡng bằng lương thực, thực phẩm. Tâm hồn được nuôi dưỡng bằng tình yêu”. Dù là lương thực, thực phẩm hay tình yêu, cái nào cũng có vị ngọt bùi và vị đắng chát của nó. Vì thế, suốt đời phải thận trọng, suốt đời phải lựa chọn mới mong được an toàn bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình yêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO