Trong cái nắng ấm áp của một chiều đông 2018, David Thomas- họa sĩ người Mỹ, ngồi ở một quán cafe vỉa hè Hà Nội, chỉ cách Hồ Gươm chừng vài chục mét, điềm tĩnh và hài hước trò chuyện với những người bạn Việt Nam. Hà Nội đã trở nên quá đỗi thân thuộc với ông, bởi đây là lần thứ năm-mươi-mấy ông trở lại Việt Nam kể từ sau chiến tranh, chưa kể ông đã có một thời gian sống ở Hà Nội trong nhiều tháng. Những chuyến đi mang sứ mệnh hòa giải, kết nối hai nước.
David Thomas và họa sĩ Nguyễn Long Hưng trên chiếc xích lô ông mang từ Hà Nội về nhà riêng ở Boston (Mỹ).
Trở lại
31 năm, hơn 50 chuyến đi, tức là gần như năm nào cựu chiến binh David Thomas cũng sang Việt Nam 2 lần. Từ chuyến đi đầu tiên ông mới 41 tuổi, giờ David đã thành ông lão ngoài 70. Những đổi thay của Việt Nam ông đã chứng kiến hết cả, am hiểu văn hóa, con người, đất nước Việt Nam một cách sâu sắc, và ông vẫn yêu mến, say mê Việt Nam như thể đó là một phần của chính mình.
David Thomas trở lại Việt Nam năm 1987, tận 8 năm trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Chuyến đi đầy cảm xúc do Dự án Hòa giải Đông Dương của Mỹ bảo trợ đã làm thay đổi cuộc đời ông vĩnh viễn. Đây là lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam kể từ khi phục vụ trong quân đội Mỹ với tư cách là kỹ sư, họa sĩ quân đội, đóng ở Pleiku năm 1969-1970. Nhận ra nỗi đau chiến tranh với người Mỹ không thấm vào đâu so với những gì người Việt phải chịu đựng, David dành trọn phần đời tiếp theo để hàn gắn vết thương chiến tranh. Cuộc gặp với ông Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi đó khiến David, vốn là một họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa, một nhà giáo dục, nghĩ đến việc dùng nghệ thuật để bắc nhịp cầu Mỹ - Việt cực kỳ chông gai.
Trở về Mỹ, David sáng lập tổ chức Indochina Arts Partnership (Dự án Đối tác Nghệ thuật Đông Dương - IAP), một tổ chức trao đổi nghệ thuật, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, mà ông vừa là người điều hành, vừa kêu gọi tài trợ, vừa là một trong những người tài trợ, người trực tiếp thực hiện các công việc của tổ chức. Với rất nhiều nỗ lực, IAP đã giới thiệu tranh của các họa sĩ Việt Nam tới công chúng Mỹ lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, với triển lãm “Nhìn từ hai phía” trưng bày ở Boston năm 1989, rồi sau đó được đưa tới 17 thành phố của Mỹ và 3 bảo tàng của Việt Nam, rồi kết thúc ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1994.
Đó thật sự là các sự kiện gây tiếng vang, bởi lúc bấy giờ những chấn thương tâm lý thời hậu chiến vẫn còn ám ảnh, làm nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, nhưng cuối cùng thì đã có một cố gắng thành công - khi Mỹ chưa bỏ cấm vận với Việt Nam, để mỗi bên lắng nghe được tiếng nói từ bên kia. Những họa sĩ Việt Nam khi đó cho tới bây giờ vẫn là bạn bè thân thiết của David.
Tính đến nay IAP đã tổ chức được 3 triển lãm của các họa sĩ Việt Nam tại Mỹ, bảo trợ hơn 50 họa sĩ Việt Nam sang Mỹ sáng tác và tìm hiểu nước Mỹ, thực hiện các hội thảo và các buổi giảng dạy ở Việt Nam, kết nối các trường đại học hai bên, tổ chức các chuyến thăm cho nhiều đoàn Mỹ - gồm các nghệ sĩ, nhà bảo tàng, giáo sư, sinh viên Mỹ, sang tìm hiểu văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Là nghệ sĩ, giảng viên mỹ thuật ở trường đại học, David Thomas đã đưa ra ý tưởng và thực hiện nhiều cuốn sách về Việt Nam theo cách cực kỳ độc đáo. Một trong những tác phẩm đầu tiên và nổi bật nhất của ông là cuốn “Chân dung Hồ Chí Minh qua con mắt một họa sĩ” (An Artist Portraits of Ho Chi Minh), xuất bản năm 2001. 50 bức tranh do David sáng tác trên nhiều chất liệu: xé dán, thạch bản…, cùng với phần lời do Charles Fenn, tác giả người Mỹ, cựu sĩ quan quân đội Mỹ từng nhìn xa trông rộng, nhận ra sức mạnh và ý chí của Hồ Chí Minh và phong trào Việt Minh từ những năm 1944-1945, được tập hợp thành một cuốn sách in trên giấy dó, với ấn bản giới hạn có đánh số, đựng trong hộp sơn mài do những người thợ thủ công Việt Nam chế tác. Nhiều nhà sưu tầm sách hiếm, nhiều thư viện, trường đại học lớn ở Mỹ đã mua cuốn sách đặc biệt này.
David cho biết, ông muốn người Mỹ có cách nhìn khác về vị lãnh tụ của người dân Việt Nam, như cách ông đã tìm hiểu và ngưỡng mộ Người. Năm 1969, khi ở Pleiku, lần đầu David nghe đến tên Hồ Chí Minh là tin nhà lãnh đạo đối phương qua đời. Từ lần trở lại Việt Nam năm 1987, thấy chân dung Hồ Chủ tịch được treo ở khắp nơi, ở những vị trí trang trọng nhất, David bắt đầu tìm hiểu về Người. Ông cho rằng, nếu người Mỹ thực sự hiểu những tư tưởng nhân văn và vĩ đại của Hồ Chí Minh, con người kết tinh từ những giá trị đẹp đẽ và lớn lao của dân tộc Việt Nam, thì biết đâu có thể họ đã không đến Việt Nam gây chiến.
Sau đó, thời gian 2 năm sống ở Hà Nội từ 2002-2004, David thực hiện cuốn sách thứ hai “Hồ Chí Minh - một chân dung”, với hình thức dễ tiếp cận hơn cho đa số người Mỹ. Cuốn sách gồm nhiều tư liệu, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng được dịch sang tiếng Anh. Dồn hết tâm huyết vào đó một lần nữa, David vô cùng tiếc khi đồng tác giả cuốn sách - bà Lady Borton, nhà văn, người nghiên cứu và viết phần lời, không đồng ý tái bản cuốn sách mà không nói rõ lý do.
Nhưng David vẫn thực hiện nhiều cuốn sách khác về Việt Nam, đều là những tác phẩm ấn tượng với độc giả Mỹ. Cuốn “Chất độc da cam” được ông thiết kế bìa hình chiếc thùng phi mà quân đội Mỹ dùng chứa chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam - thứ chất độc mà ông đã chứng kiến được rải xuống Việt Nam thế nào, chứng kiến những hậu quả ghê rợn nó gây ra cho người Việt, và bản thân ông, cách đây 2 năm, cũng được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Parkinson do hậu quả phơi nhiễm chất da cam.
Cũng rất xúc động là cuốn “Huỳnh Phương Đông - góc nhìn chiến tranh và hòa bình”, xuất bản năm 2007, về họa sĩ Huỳnh Phương Đông, đối thủ của David trong chiến tranh, giới thiệu sự nghiệp và sáng tác của họa sĩ có hơn 30 năm trong quân ngũ với gia tài là hàng nghìn bức tranh hoặc phác thảo trên mọi chất liệu kể cả từ trong cuộc chiến - người mà David nói rằng ông luôn nể phục và tôn trọng.
David Thomas với những người Ê Đê tại CưM’gar, Buôn Ma Thuột, Dak Lak, tháng 11/2018.
Cuốn sách về văn hóa Việt
Chuyến đi sang Việt Nam cuối năm 2018 vừa qua, David lại ấp ủ một cuốn sách mới về Việt Nam - cuốn sách về cà phê Việt. “Thật ra tôi muốn giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người, phong tục tập quán của Việt Nam qua câu chuyện cà phê, giống như cách đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đã kể câu chuyện Việt Nam qua những thước phim về ẩm thực Việt Nam” – ông nói, đôi mắt tinh anh ánh lên, và nhắc tới vị đầu bếp người Mỹ đã cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016 ngồi ăn bún chả ở Hà Nội.
Trong lần tới Việt Nam khi ấy, ông lão hơn 70 tuổi đã tới tận Ban Mê Thuột, thủ phủ của cà phê Việt, dựng trại sáng tác cho các họa sĩ ở khu vực Tây Nguyên và tìm hiểu về cây cà phê, văn hóa cà phê. Ông đi cùng những người bạn xuống tận các rẫy, thăm người nông dân làm cà phê, đến gặp những doanh nhân trẻ đang nỗ lực đưa cà phê Việt Nam ra thế giới.
David về huyện Cư M’gar, ngắm trọn trong tầm mắt những rừng cao su, những rẫy cà phê mênh mông, những cánh đồng hoa màu xanh mướt mát, thăm gia đình Nguyễn Xuân Duyên, một doanh nhân trẻ có tiếng ở Ban Mê Thuột, ăn bữa cơm do chính mẹ anh nấu. Bố mẹ Nguyễn Xuân Duyên quê Thái Bình, từng là thanh niên xung phong ở Quảng Bình những năm gần kết thúc chiến tranh, rồi sau này vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, đi trồng cà phê.
Duyên, từ một cậu bé nhà rất nghèo, bỏ học 4 năm phổ thông trước khi trở lại trường học, đã luôn vươn lên, vật lộn với cuộc sống, vừa học vừa làm để giờ có 2 bằng thạc sĩ, một bằng đại học. Kinh doanh thành công trong nhiều lĩnh vực, các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, mật ong chỉ là một mảng những gì anh đang làm, và một hai tuần anh vẫn đưa vợ con từ thành phố về làng thăm mẹ, tự tay trồng tưới, chăm sóc cây cối trong vườn, lên rẫy như một nông dân thực thụ. David rất trân trọng những câu chuyện như thế, và đó mới là chiều sâu của câu chuyện cà phê Việt mà ông muốn kể.
Thật ra cuốn sách về cà phê Việt, nếu làm xong, chỉ là thêm một lần nữa David muốn đưa văn hóa Việt Nam đến với người đọc. Còn chính ông đã là cả một cuốn sách về sự gắn bó với Việt Nam. Trong ngôi nhà của David ở ngoại ô Boston, người ta thấy một Việt Nam thu nhỏ. Đã rất nhiều chính khách, nhà ngoại giao, nghệ sỹ Việt Nam tới đây, và họ đều kinh ngạc khi thấy trong căn biệt thự gỗ xinh đẹp là những dấu ấn sâu sắc về đất nước từ cách đó hàng nghìn km.
Họa sĩ, nhà báo Nguyễn Lê Tâm, khi cùng nhà thiết kế, nhà sản xuất phim 3D Nguyễn Long Hưng, người mà David nhận làm con trai nuôi từ hơn 10 năm trước, đến thăm nhà ông, đã vô cùng ấn tượng: “Trong nhà bày biện nâng niu toàn những đồ vật từ Việt Nam. Chum sành ngoài vườn, đàn bầu cửa phòng khách, đôi hạc đứng cầu thang, rồng rối nước trên bàn trà, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay trên tủ. Tranh của các họa sĩ Việt Nam như Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Đào Minh Tri… cùng tranh Hàng Trống chim múa hoa cười trên tường”.
Ông lão David đã chăm sóc hai họa sĩ Việt Nam rất ân cần, thương mến, như một ông bố thực thụ, từ bữa ăn đến những câu chuyện không dứt mỗi ngày. Nhưng điều bất ngờ nhất ông dành cho họ là ngày cuối cùng ở nhà ông. David gọi vang hai người từ sân: Mở cửa ra, ông già đang còng lưng đạp một chiếc xích lô thật, có cả mái che, mà ông kỳ công chuyển từ Việt Nam về tận Boston. Họa sĩ Long Hưng nhảy tót lên xe, và ông bố nuôi chở ông con một vòng quanh sân trong tiếng cười rạng rỡ.