Ngày 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu cho rằng cần quy định những vấn đề cụ thể phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát nhưng theo hướng bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí trong các hoạt động giám sát.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về việc điều hoà các hoạt động giám sát tại các địa phương. Đặt vấn đề: Theo quy định, Quốc hội lập không quá 15 đoàn giám sát đến địa phương một năm, mỗi đoàn giám sát làm việc ở không quá 15 địa phương, bà Nga cho rằng, vấn đề là chất lượng các đoàn giám sát làm việc thế nào chứ còn về tâm lý, không địa phương nào muốn có đoàn giám sát làm việc ở địa bàn của mình.
Vậy, có việc các đoàn giám sát làm phiền địa phương không? Bà Nga cho rằng, đoàn giám sát nên tự chi kinh phí ăn ở, đi lại, chỉ cần làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn chứ đừng đòi hỏi địa phương phải phục vụ, tiếp đón, mời chào. “Cần giữ nghiêm kỷ luật, tiền ăn tiền ở theo chế độ. Chỉ cần bố trí đúng người làm việc chứ không cần xã giao, đòi hỏi lãnh đạo ra chào, đón đoàn làm gì, không làm phiền địa phương”-bà Nga nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mỗi đoàn giám sát chỉ cần 3 Thứ trưởng bộ, ngành tham gia thì mỗi người cũng sẽ kéo theo 4-5 người nữa. Văn phòng các cơ quan đón tiếp phải lo cho cả đoàn. Như vậy thành ra đối tượng giám sát lại trở thành cơ quan phục vụ. “Tuy nhiên đi giám sát cũng phải đi đủ đoàn chứ có trường hợp đi giám sát có 1 người. Đến địa phương kính thưa đồng chí Trưởng đoàn giám sát, vì có ít người quá nên địa phương lại kính thưa cả đồng chí lái xe. Nghe rất tủi. Ngoài ra cũng phải điều hòa giám sát chứ xuống nhiều, địa phương kêu lắm”- ông Phúc nêu rõ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mỗi năm có tối thiểu 22 đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân với 15-20 ngày làm việc/cuộc thì trung bình, mỗi tỉnh cũng phải tiếp 4-5 đoàn giám sát từ trên về. Rõ ràng là làm phiền địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng chưa nghiêm túc khi làm việc với các đoàn giám sát, kể cả đoàn giám sát tối cao của Quốc hội. Dẫn chứng cụ thể cuộc giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vừa qua, ông Hiển cho biết chỉ có một Phó Chủ tịch thành phố làm việc với đoàn, các thành phần khác cũng toàn cấp phó. Cần phải chấn chỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong giám sát cần tránh chồng chéo và phải nâng cao chất lượng. Giám sát phải thực sự có chất lượng chứ không phải kéo đoàn đi đông mà không hiệu quả gì, không bằng bài báo nhỏ. Cho nên giám sát không nên đi quá đông, chỉ giám sát về chính sách thực hiện pháp luật thôi. Ví dụ trong giám sát BOT thì nơi nào có mới giám sát chứ không phải 63 địa phương. Do đó việc mời chuyên gia tham gia giám sát cùng là cần thiết chứ không nên kéo về địa phương đông vì ở đó có đoàn ĐBQH ở dưới rồi. Làm sao sau giám sát ban hành Nghị quyết, trong đó cần nêu hạn chế để giải quyết chứ giám sát xong mà để 2-3 năm vẫn thế thì không có hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, địa phương mà 1 năm đón 4-5 đoàn thì sao làm việc được. Do đó cố gắng làm sao chất lượng hiệu quả, và địa phương, bộ ngành phải tôn trọng giám sát của Quốc hội vì đó là giám sát tối cao. Theo Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát điều hành bộ máy Nhà nước thấy cái gì đang chậm thực hiện, thực hiện luật chưa đến nơi đến chốn phải công khai minh bạch ra chỗ nào làm tốt? chỗ nào chưa tốt? Như ĐBQH phản ánh là nói rất hay nhưng trách nhiệm thuộc về ai lại không rõ, cứ chung chung, nể nang cho nên phải có phụ lục kèm theo địa phương nào làm tốt? nơi làm chưa tốt? “Đừng để 1 tháng địa phương phải tiếp 2 đoàn giám sát. Phải điều phối tham mưu như thế nào để sắp xếp cho hợp lý. Đi giám sát ở đâu cố gắng lấy ở người địa phương, các đoàn ĐQBH chứ đừng “rồng rắn” mấy chục người đi. Chất lượng giám sát mới quan trọng chứ không phải đông người. 1 bài báo mà có tác dụng mạnh hơn giám sát thì đó là việc cần phải suy nghĩ. Giám sát phải thể hiện được quyền lực dân giao cho Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Với 100% ĐB tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.