Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn và 13 doanh nghiệp lớn

Theo baochinhphu 20/02/2020 14:52

Ngày 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều khó khăn, vướng mắc và hàng loạt kiến nghị đã được Ủy ban và các doanh nghiệp đưa ra.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn và 13 doanh nghiệp lớn

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cùng dự buổi làm việc có đại diện các bộ, ngành và 13 tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Theo Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng, hiện Thủ tướng đang giao Ủy ban tổng kết việc thực hiện Nghị định 131 năm 2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Chính phủ cũng đang yêu cầu Bộ KHĐT xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban.

Nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp

Kết quả kiểm tra tại buổi làm việc cho thấy, sau gần 2 năm thành lập, Ủy ban đã hình thành đầy đủ cơ cấu tổ chức theo quy định; tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn; hoàn thành tiếp nhận và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Ủy ban cũng tích cực xử lý các công việc dở dang tiếp nhận từ các bộ (259 nhiệm vụ), trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều năm, có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luât, thay thế cán bộ…

Nhiều doanh nghiệp chuyển đại diện chủ sở hữu từ Ủy ban đã nỗ lực vượt khó, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Ủy ban gặp khó khăn trong việc thu hút các cán bộ có chuyên môn giỏi, có năng lực, kinh nghiệm từ các bộ và từ khu vực doanh nghiệp về, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết.

Một nguyên nhân là việc tuyển chọn, tiếp nhận cán bộ về Ủy ban thực hiện theo các quy định áp dụng với cơ quan quản lý nhà nước, trong khi Ủy ban không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà là cơ quan hành chính.

Cũng theo bà Hà, hiện đội ngũ kiểm soát viên nhà nước tại 13 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có 21 người, nhưng theo Nghị định số 10 năm 2019 thì số lượng này chưa đáp ứng quy định, cần bổ sung tối thiểu 25 kiểm soát viên.

Đáng lưu ý, hiện một số tập đoàn, tổng công ty chưa bảo đảm số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý, chậm chí có các doanh nghiệp chưa có Tổng giám đốc, chức danh này do một Phó Tổng giám đốc phụ trách.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu với các dự án đầu tư tại doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất của Ủy ban là thẩm quyền phê duyệt dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất trong nội bộ Ủy ban, giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp.

Một khó khăn khác xuất hiện trong quá trình chuyển giao quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ quản với dự án đầu tư công từ các bộ về Ủy ban. Bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, hiện các bộ vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Báo cáo của Ủy ban cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là các nội dung liên quan tới nhà đất. Chẳng hạn, theo hướng dẫn được Bộ Tài chính ban hành vào tháng 4/2019, phải rà soát đến các cơ sở nhà đất của các đơn vị cấp 2, cấp 3 của các tập đoàn, tổng công ty.

Điều này khiên số lượng nhà đất phải rà soát phải tăng thêm rất lớn so với Nghị định 167 năm 2017. Riêng Tập đoàn Than – Khoáng sản tăng từ khoảng 500 cơ sở nhà đất lên tới trên 1.000 cơ sở; Petrolimex tăng từ khoảng 1.000 cơ sở lên 2.000 cơ sở… Trong khi đó, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc sắp xếp lại nhà đất của các đơn vị cấp 2, cấp 3 lại không được quy định rõ trong Nghị định 167.


Các tập đoàn, tổng công ty nêu 91 kiến nghị

Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của VPCP, Thường trực Tổ công tác, Tổ công tác đã nhận được báo cáo từ 10/13 tập đoàn, tổng công ty, nêu 91 kiến nghị, gồm 65 kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng và 26 kiến nghị với Ủy ban.

Trong đó, Tập đoàn Dầu khí kiến nghị Ủy ban sớm ban hành quy chế tài chính mới cho Tập đoàn và xử lý các vấn đề chuyển tiếp; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc kiến nghị Ủy ban và các bộ sớm có ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư… Các tập đoàn, tổng công ty cũng kiến nghị Ủy ban sớm xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc đã được nêu trong các văn bản trước đó…

Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn với nhiệm vụ rất nặng nề được giao là bảo đảm không để thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết trong năm 2019, EVN được Chính phủ, Thủ tướng giao 209 nhiệm vụ, đã hoàn thành 192 nhiệm vụ.

Còn 17 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, EVN đang tiếp tục triển khai thực hiện là thuộc các loại: Nhiệm vụ về bảo đảm cung ứng điện; nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm tới khi kết thúc các dự án đầu tư; nhiệm vụ về cổ phần hóa, thoái vốn.

EVN kiến nghị Tổ công tác, Ủy ban Quản lý vốn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các bộ ngành xây dựng và ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần; sớm xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách...

Còn Chủ tịch Tổng công ty Hàng không Nguyễn Ngọc Minh cho biết, khủng hoảng trong ngành hàng không các nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dự kiến kéo dài đến hết tháng 5, doanh nghiệp này đang tính toán các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với 3 kịch bản và kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ như giãn nghĩa vụ thuế.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn và 13 doanh nghiệp lớn - 1

Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho biết đây là cuộc kiểm tra thứ 83 của Tổ công tác và là cuộc làm việc đầu tiên với Ủy ban Quản lý vốn, nhằm đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Ủy ban. Đồng thời, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Tổ phó Tổ công tác nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động của Ủy ban cũng còn những tồn tại.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho biết, Ủy ban đã hoàn thành 201/259 nhiệm vụ được chuyển giao từ các bộ ngành, dù gặp nhiều khó khăn. Ủy ban cũng cơ bản bám sát và thực hiện tốt 16 nhiệm vụ được giao theo chức năng tại Nghị định 131. Với 185 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao từ ngày 1/10/2018 tới nay, Ủy ban cũng đã hoàn thành phần lớn, chỉ có 2 nhiệm vụ quá hạn và 26 nhiệm vụ trong hạn đang xử lý.

Tổ phó Tổ công tác đề nghị Ủy ban khẩn trương hoàn thành 2 nhiệm vụ quá hạn, trong đó có việc tổng kết thực hiện Nghị định 131 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Theo Phó Chủ nhiệm, đây là nội dung quan trọng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc được nêu ra tại buổi làm việc, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư.

Tổ công tác đề nghị Ủy ban tập trung xử lý các nhiệm vụ trong hạn, đồng thời xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp; các bộ ngành cũng cần khẩn trương xử lý các kiến nghị của Ủy ban và các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan. “Tất nhiên khi chuyển sang một cơ chế, cách làm mới thì sẽ có những khó khăn, vướng mắc, Tổ công tác sẽ tổng hợp các vấn đề tại cuộc làm việc, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới”, Tổ phó Tổ công tác cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn và 13 doanh nghiệp lớn