Có lẽ trong sách sử ở ta còn truyền tụng đến nay, ông quan được xếp vào hàng đầu trong đội ngũ những quan lại liêm chính công tâm nhất mọi thời là Tô Hiến Thành (1102-1179). Những câu chuyện kể về cách hành xử trong quan trường của ông là bài học đạo đức cho nhiều đời sau.
Tượng danh nhân Tô Hiến Thành tại đền Văn Hiến thuộc làng Hạ Mỗ,
xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: Tùng Lâm)
Theo một số nguồn tư liệu, Tô Hiến Thành sinh ra trong gia đình của Phủ doãn Tràng An tên là Tô Trung, quê ở Xóm Lẻ, Hạ Mỗ, Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Mẹ ông tên là Nguyễn Thị Đoan. Cũng có nguồn tư liệu cho rằng, ông có thể có quan hệ họ hàng với Tô Thị, vợ của Đỗ Anh Vũ, một trọng quan trong giai đoạn đầu trị vì của vua Lý Anh Tông, một nhân vật có tài nhưng thiếu đức…
Tô Hiến Thành vốn có thiên tư đĩnh ngộ, lại được dạy dỗ chu đáo ngay từ nhỏ. Năm 1138, nhân có khoa thi, Tô Hiến Thành đã xin tham dự khoa thi và đỗ Thái học sinh. Và bắt đầu từ đó, Tô Hiến Thành đã buộc phải can dự vào việc triều chính, trên những cương vị khác nhau, cả về võ công lẫn những sự vụ dành cho những quan văn…
Cũng năm 1138, vua Lý Thần Tông băng hà và hoàng thái tử Lý Thiên Tộ, con của vua với bà Lê Thái hậu, được đưa lên ngôi khi đang ở độ tuổi lên ba, lấy hiệu Lý Anh Tông (vua Lý Thần Tông còn có một người con trai khác, tên là Lý Thiên Lộc, nhiều tuổi hơn Lý Thiên Tộ nhưng vì do một bà thiếp sinh ra nên không được đưa lên làm vua). Dễ hiểu là ở độ tuổi như thế, Lý Anh Tông không thể làm gì ngay cho xứng danh bậc quân vương mà phải trông cậy vào mẹ mình, bà Lê Thái hậu. Hiềm một nỗi, bà Lê Thái hậu lại tư thông với Đỗ Anh Vũ (em của một bà thái hậu khác họ Đỗ) nên triều đình ở giai đoạn đó chủ yếu đều do trọng quan này điều hành… Năm 1140, Đỗ Anh Vũ còn được phong Cung điện lệnh trị nội ngoại sư, một mình chi phối chính sự. Bối cảnh đó tất yếu làm nảy sinh ra những rối loạn ở trong nước…
Cuối năm 1140, một người thày bói tên là Thân Lợi, tự xưng là con của Lý Nhân Tông, đã chiêu mộ binh mã nổi loạn ở khu vực Thái Nguyên. Thân Lợi thậm chí còn tự xưng vương, khoe có pháp thuật để mê dụ lòng người, đồ đảng tới hơn nghìn người. Tuy nhiên, khi kéo quân về kinh đô, lực lượng của Thân Lợi đã bị quân đội do Đỗ Anh Vũ chỉ huy đánh cho tan tác. Thân Lợi buộc phải chạy trở lại mạn ngược để chỉnh đốn lại. Tới tháng 10-1140, Đỗ Anh Vũ đã theo lệnh vua lên đánh bại bè đảng của Thân Lợi. Trong đội ngũ do Đỗ Anh Vũ chỉ huy có Thái phó Tô Hiến Thành. Chính Tô Hiến Thành đã bắt sống được Thân Lợi và giao y cho Đỗ Anh Vũ đóng cũi giải về kinh. Thân Lợi cùng những đồng bọn chủ mưu, cả thảy đến 20 người, đều bị vua Lý Anh Tông sai xử trảm. Đồng đảng còn lại tùy theo tội nặng nhẹ mà chịu phạt hoặc được ân xá. Có nguồn tư liệu cho rằng chính Tô Hiến Thành đã khuyên nhà vua mở lượng ân xá cho những ai không đáng tội chết để làm phúc về sau…
Vua Lý Anh Tông đã trị vì trong 37 năm (cho tới năm 1175). Chính trong giai đoạn này, Tô Hiến Thành đã được tin dùng, chủ yếu với tư cách một võ tướng. Sau khi Đỗ Anh Vũ chết tháng 8-1158, Tô Hiến Thành càng được nhà vua trọng dụng vào những sứ mệnh quân sự quan trọng. Năm 1159, mùa hè tháng 5, chính ông đã được cử đi dẹp loạn ở hai nước nổi loạn là Ngưu Hống và Ai Lao (nằm phía đông nước ta), “bắt được người và trâu ngựa voi, vàng bạc rất nhiều” (Sách Đại Việt Sử ký toàn thư - ĐVSKTT). Sau chiến công vang dội này, ông được phong Thái úy. Đầu năm sau, nhà Vua “sai Tô Hiến Thành và Phi Công Tín tuyển dân đinh, người mạnh khỏe thì sung vào quân ngũ. Chọn các tướng hiệu, người nào thông thạo binh pháp, am tường võ nghệ thì chia cho cai quản”. Trên thực tế thì Tô Hiến Thành đã trở thành người chỉ huy quân đội của triều đình. Tới tháng 11-1161, Tô Hiến Thành đã được Lý Anh Tông phong là Đô tướng, mang hai vạn quân đi tuần ở các nơi ven biển tây nam, giữ yên miền biên giới. Tình vua tôi lúc này đã đậm đà đến mức, Lý Anh Tông “thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) rồi mới trở về…”
Tháng 7-1167, Lý Anh Tông sai Thái úy Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành, phục hồi lễ nghĩa. Và Tô Hiến Thành đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh này…
Thực sự trong giai đoạn có rất nhiều gian khó và tao loạn dưới thời Lý Anh Tông, Tô Hiến Thành đã tỏ ra mình là một vị quan võ cứng cỏi và tài năng, xứng đáng với những cương vị quan trọng mà nhà Vua tin cậy giao phó. Không những thế, ông còn tỏ rõ sự liêm chính của một người quân tử. Chính vì thế nên Lý Anh Tông đã tin cậy giao cho Tô Hiến Thành cả những công việc tế nhị và tối quan trọng liên quan tới hoàng tộc. Số là, Lý Anh Tông có con trai trưởng là Long Xưởng, do bà Chiêu Linh hoàng hậu sinh ra tháng 11-1151. Tuy nhiên, sau khi được phong làm hoàng thái tử, Long Xưởng sinh ra đổ đốn, tư thông với cả cung nữ. Lụy tình cha con nên vua đã không nỡ bắt tội chết đối với Long Xưởng mà chỉ hạ xuống làm Bảo quốc vương. Ở thời điểm đó, Vua còn có một con trai nữa, đó là Long Trát, do Thục phi Đỗ Thị Châu sinh năm 1173. Nhà Vua rất phân vân cho tương lai của ngôi báu. Đến mức, theo lời thuật lại của ĐVSKTT, mùa thu năm 1174, Vua gọi tể tướng đến bảo rằng: “Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn cho Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, nếu đợi lớn thì trẫm đã tuổi già sức yếu, biết làm thế nào?”
Phải tới tháng giêng năm 1175, Lý Anh Tông, cảm thấy trong người rất yếu, mới đưa ra được quyết định dứt khoát về việc chọn người kế vị. Vua lập Long Trát làm hoàng thái tử, cho ở Đông Cung và phong Tố Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quận quốc trọng sự, tước vương dù không mang họ Lý, nhằm tạo cho ông điều kiện nhiều nhất để giúp đỡ Đông Cung Thái tử. Và chính ở trên cương vị này, Tô Hiến Thành đã nêu tấm gương sáng về khí tiết và tinh thần trách nhiệm đầy chí công.
Dễ hiểu là khi hay biết về quyết định chọn người nối ngôi của Lý Anh Tông, Chiêu Linh hoàng hậu đã tìm ngay tới chỗ nhà Vua để xin nhà vua đổi ý và lập lại con trai mình làm hoàng thái tử. Tuy nhiên, Lý Anh Tông đã cương quyết không nghe, còn nói: “Làm con bất hiếu thì còn trị dân sao được?!”
Tháng 7-1175, Lý Anh Tông băng hà tại điện Thụy Quang. Di chiếu của nhà vua cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử Long Trát lên ngôi, “công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ”. Bà Chiêu Linh vẫn không chịu từ bỏ tham vọng lấy lại ngôi thái tử cho Long Xưởng nên đã đem vàng bạc tới đút lót cho vợ quan quyền nhiếp chính Tô Hiến Thành. ĐVSKTT kể lại rằng, hay chuyện, Tô Hiến Thành đã cảm thán: “Ta là đại thần nhận mệnh Tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay ăn của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?” Thấy vậy, bà Chiêu Linh lại cho gọi Tô Hiến Thành tới dỗ ngon dỗ ngọt, nhưng ông một mực từ chối: “Làm việc bất nghĩa được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm. Huống chi lời Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu!” Rốt cuộc là bà Chiêu Linh đã phải từ bỏ ý định cũ…
Thực sự Tô Hiến Thành là vị quan liêm chính từ đầu đến cuối hoạn lộ của mình. Cũng theo ĐVSKTT, khi ông ngã bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh. Còn Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc nên không còn có lúc nào tới thăm hỏi. Vậy mà Tô Hiến Thành vẫn không “lấy đó làm điều”. Khi thái hậu vào thăm ông lúc ông bệnh nặng, bà hỏi: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?” Tô Hiến Thành trả lời ngay: “Trần Trung Tá có thể thay được!” Thái hậu mới lấy làm lạ mà rằng: “Vũ Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?” Tô Hiến Thành mới bình thản mà đáp: “Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trần Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa”!
Sử gia Ngô Sĩ Liên về sau mới bình: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy có bị gió lay sóng dập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.
Giá mà đời nào các ông quan, các viên chức cũng hành xử được như Tô Hiến Thành thì đó là phúc lớn của một quốc gia. Đáng tiếc thay mà cũng phải lẽ thay, không thể có nhiều con người khi đi làm viên chức lại vẫn giữ được “tính bản thiện” như lúc còn “nhân tri sơ” ấy. Muốn họ liêm chính, bộ máy nào cũng cần phải có những quy chế, vừa “dưỡng liêm”, vừa “trấn tham” một cách có hiệu quả.