Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Lê Thành Công cho biết, nhằm phát huy tính tự chủ, tự quản của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp đã tích cực triển khai thực hiện mô hình “Tổ nhân dân tự quản”. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 12.684 tổ tự quản.
Mô hình “Cây xoài nhà tôi” xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho hiệu quả kinh tế cao.
Với tỉnh Đồng Tháp, xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, trường trạm, nhà văn hóa mới… mà quan trọng hơn là xây dựng tinh thần của người dân, phải phát huy được vai trò làm chủ xóm làng, thay đổi nhận thức, trách nhiệm của họ đối với cộng đồng. Theo ông Lê Thành Công: Mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” ở cộng đồng dân cư là mô hình duy nhất, được tổng hợp từ nhiều mô hình mà trước đây MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, phát động ở cộng đồng dân cư, cụ thể như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Quản lý địa bàn, quản lý người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư”, “Gia đình an toàn - Hạnh phúc - Đạo hạnh”, “Xóm đạo bình yên”, “Cổng rào an ninh trật tự”, “Camera an ninh”, “Khu dân cư an toàn phòng, chống cháy, nổ”. Ngoài ra, còn có rất nhiều mô hình hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp hiện đang thực hiện tại cộng đồng dân cư.
Riêng mô hình “Tổ Tự quản bảo vệ đường biên, mốc quốc giới” được thành lập trên địa bàn 8 xã biên giới, được chia làm 21 tổ, bình quân mỗi tổ có từ 18 đến 25 thành viên và 74 Câu lạc bộ “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia 79 mô hình Hội quán trên nhiều lĩnh vực, đến nay đã có 12 Hội quán nâng cao chất lượng hoạt động và đủ điều kiện, được quyết định thành lập Hợp tác xã, theo Luật Hợp tác xã năm 2013.
Cùng với đó là mô hình cộng đồng dân cư quản lý nông thôn mới theo phương châm “3 tự - 1 nhờ”; mô hình Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động xây dựng cầu đường nông thôn; sổ tay hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; mô hình biến bãi rác thành vườn hoa; xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”... Đặc biệt, còn có những mô hình nổi bật như “Cây xoài nhà tôi” của HTX Xoài Mỹ Xương tổ chức bán hàng trên website, đưa thương hiệu “Xoài Cao Lãnh” vươn xa; canh tác lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2 thực hiện tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất; mô hình “Ruộng nhà mình” ở HTX Thuận Tiến thực hiện cung cấp gạo chất lượng cao cho thị trường Hà Nội. Hay như mô hình du lịch cộng đồng tại homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông); ngôi nhà hoa ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà hoa hồng (ở TP Sa Đéc)... các mô hình đã đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và trải nghiệm cuộc sống nông thôn… Đây là những mô hình hoạt động, cách làm hiệu quả, đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho 55 xã và 1 đơn vị cấp huyện (TP Sa Đéc) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2020. Riêng năm 2019, đã tham gia khảo sát, thẩm định và triển khai hướng dẫn 2 đơn vị cấp huyện (TP Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự), hoàn tất thủ tục đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Thành Công thông tin: Trong 5 năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp đã tập trung vận động từ các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để thực hiện công tác an sinh xã hội và chăm lo cho người nghèo được trên 1,792 tỷ đồng. Trong đó, vận động nhân dân hiến trên 90.000 m2 đất và nhiều công trình, cây trồng của dân, đóng góp trên 450.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh: Đã xây dựng 2.819 công trình dân sinh như cầu, đường, trường, nước sạch... (điển hình huyện Lai Vung, Châu Thành, Lấp Vò, Cao Lãnh và Tháp Mười…). Vận động hỗ trợ xây dựng 8.866 căn nhà Đại đoàn kết, 2.106 căn nhà tình nghĩa. Đồng thời hỗ trợ trên 48.787 lượt hộ nghèo khám chữa bệnh, cấp 117.307 thẻ Bảo hiểm Y tế cho hộ cận nghèo và hỗ trợ học tập cho 164.656 lượt học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Để có được thành tựu trên, ông Lê Thành Công đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính quyền và nhất là tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. “Đặc biệt là việc phát huy cao tính dân chủ trong công tác quản lý nguồn lực, có thường xuyên kiểm tra, giám sát các nguồn vận động, các công trình dân sinh và được công khai dân chủ, tạo sự tin tưởng của nhà tài trợ, của chính quyền và nhất là của người dân ở cộng đồng dân cư”- ông Lê Thành Công nhấn mạnh.