Công nghệ

Tọa đàm "Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam"

C.T 26/12/2023 10:52

Ngày 26/12/2023, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” kỷ niệm 20 thành lập Vietnam ICT Press Club.

sonr7216.jpg
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập CLB và tọa đàm "Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam".

Câu lạc bộ trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, lúc ban đầu chỉ gồm các nhà báo chuyên theo dõi về lĩnh vực ICT của 20 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Đến nay, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam đã quy tụ gần 50 thành viên thuộc 40 cơ quan Báo chí của Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm Vietnam ICT Press Club cho biết: “Trong suốt thời gian 20 năm qua, câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam đã đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ ngành, doanh nghiệp và người dân trong tuyên truyền, phổ biến, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; phản ánh hoạt động, giải pháp cho các doanh nghiệp trong ngành… thông qua các hội thảo, tọa đàm và các hoạt động sôi nổi, đa dạng khác”.

Cũng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm này, ICT Press Club đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023 và tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam”.

Ông Nguyễn Việt Phú cho hay: “Năm 2024 là năm Bộ TT&TT sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu của chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm này để chúng ta cùng lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông và các chuyên gia về lộ trình thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam để thúc đẩy quá trình này”.

Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Điều này có thể trở thành hiện thực là nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ. 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới đây. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng dần. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu...

5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, trước mắt 4G vẫn còn quan trọng và tồn tại trong khoảng thời gian nữa. Việc tiếp tục đầu tư vào 4G cũng rất quan trọng bởi trong vài năm tới, 4G vẫn là mạng phổ biến.

Dự báo, đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.

Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử cho biết, công nghệ 5G đã thương mại hóa ở nhiều nước trên thế giới và đang là xu hướng tất yếu của thông tin di động. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này.

Thời điểm để Việt Nam thương mại hóa 5G vào năm 2024 là phù hợp, không đi đầu nhưng cũng không quá muộn. Để thương mại hóa 5G, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho các doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tọa đàm "Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam"