Cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong chính sách về quốc tịch, hộ tịch, đất đai, nhà ở, bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội...
Chiều 9/9, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) thuộc Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu.
Toạ đàm diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự tọa đàm có hơn 100 đại biểu và gần 20 điểm cầu, bao gồm Đại sứ và lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam, đại diện lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam tại một số nước châu Âu có đông người Việt Nam định cư như Pháp, Đức, Anh, Nga, Séc, Ba Lan, Hungary... và các kiều bào đang làm việc, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cùng một số bộ, ban, ngành liên quan.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề kiều bào quan tâm, còn vướng mắc, khó khăn.
Liên quan đến quốc tịch, hộ tịch, các đại biểu ở hầu hết các địa bàn đều quan tâm đến các vấn đề như: quy định xác định quốc tịch và đăng ký khai sinh cho trẻ em lai Việt Nam sinh ra ở nước ngoài hoặc trẻ em Việt Nam sinh ra ở những nơi xác định quốc tịch theo nơi sinh; việc cấp mã số định danh cá nhân cho công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề đặt tên Việt Nam cho trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài.
Một số ý kiến đề nghị giảm thiểu thời gian xem xét hồ sơ bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển hồ sơ giữa các cơ quan trong và ngoài nước khi giải quyết hồ sơ thôi quốc tịch, xác minh cấp hộ chiếu.
Về vấn đề quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng cần tháo gỡ hạn chế quyền sử dụng đất ngoài dự án phát triển nhà ở cho NVNONN. Điều này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất được nêu trong Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương, đồng thời giúp tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho tặng, nhận thừa kế, chuyển nhượng...
Về vấn đề bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội, nhiều kiều bào đề xuất việc cần có lộ trình cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện quyền bầu cử và từng bước tiến tới quyền ứng cử đại biểu quốc hội. Các đại biểu cho rằng trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, quyền bầu cử của công dân VNONN, bao gồm các cán bộ cơ quan đại diện VNONN, có thể thực hiện được nếu được tháo gỡ về mặt chủ trương.
Tọa đàm cũng lấy ý kiến về việc tăng cường nhân sự, chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về công tác đối với NVNONN, về xây dựng cơ sở dữ liệu về NVNONN, chính sách đối với thanh niên VNONN trong Luật Thanh niên, các quy định bảo vệ người lao động ở nước ngoài khi ký kết trực tiếp với chủ lao động nước ngoài, quy định về đầu tư của người Việt Nam ở sở tại được coi là đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài...
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho biết, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã đề ra chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN, trong hai năm 2022-2023, sẽ tổ chức giám sát ở các địa phương, tổ chức lấy ý kiến và tiếp xúc trực tiếp với kiều bào tại một số nước như Đông Bắc Á, châu Mỹ, châu Úc.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho rằng, trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến NVNONN đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN trong các lĩnh vực; tuy nhiên, công tác thể chế hoá các chủ trương chính sách, phổ biến pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp là việc làm cần tiến hành thường xuyên, đây là nhiệm vụ đã được nhấn mạnh trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới.
Cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu hiện có khoảng 1 triệu người, đa phần bà con có cuộc sống ổn định, hội nhập và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại và góp phần vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước.
Đây là cuộc Toạ đàm thứ 2 trong chuỗi các toạ đàm sẽ được tổ chức để lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật.