Xã hội

Tỏa sáng giữa đại ngàn

Điền Bắc 30/08/2024 08:40

Vượt lên mọi khó khăn, nhiều nam, nữ sinh tại các huyện vùng cao Nghệ An luôn nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tích cao trong học tập, thi đấu thể thao. Đây không chỉ là niềm vui riêng của bản thân các em, mà còn là niềm hạnh phúc của gia đình, niềm tự hào của quê hương, hứa hẹn tương lai tươi sáng, giúp bản làng phát triển.

anh-bai-tren-.jpg
Nữ sinh Vi Thị Thảo (phía trong), tân sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội - phân hiệu Thanh Hóa. Ảnh: Đ.Bắc.

Nỗ lực được đền đáp

Nói về sự học tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa xứ Nghệ, trước đây, các bậc phụ huynh mong ước, cơ bản con em mình biết đọc, biết viết, xa hơn nữa là lên được cấp 2 rồi rời bản đi làm ăn. Đó là quá khứ, bởi trong nhiều năm trở lại đây, sự học ở các khu vực các huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đã đổi khác. Không chỉ học lên cấp 3 mà các em học sinh ở đây còn vươn đến các trường chuyên, những trường đại học tốp đầu, thậm chí điểm thi đầu vào cao ngang với các bạn ở miền xuôi.

Em Lô Huyền Trang - trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn là chị cả trong một gia đình nghèo, với Trang, ước mơ, cảm hứng trở thành quân nhân đã có từ lâu, bởi ông nội em chính là một cán bộ trong Quân đội nghỉ hưu. Nhờ vậy, từ cấp THCS, đến THPT, Trang luôn dốc sức học tập, thi đỗ và theo học tại các trường THPT Dân tộc nội trú. Sự nỗ lực của em đã được đền đáp. Trong đợt thi vừa qua, Trang là nữ sinh người Thái duy nhất của tỉnh Nghệ An trúng tuyển chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Trường Học viện Khoa học Quân sự khối D01, đạt 27,72 điểm.

Trường hợp khác, em Vi Thị Thảo - học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An. Thảo sinh ra và lớn lên tại bản Kẽm Đôn, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, nơi mà cái nghèo, cái khó còn đeo đẳng. Bố mẹ Thảo, bao năm qua luôn cố gắng làm ăn nhưng đến nay vẫn chưa thoát khỏi diện hộ nghèo. Trước hoàn cảnh đó, Thảo quyết chí, vượt qua mọi thử thách của hoàn cảnh, theo đuổi sự học. Và rồi, sau 12 năm đèn sách, mùa thi vừa qua, em đã vỡ oà cảm xúc vui sướng khi chính thức ghi tên mình vào Trường Đại học Y Hà Nội, phân hiệu Thanh Hóa.

Vi Thị Thảo chia sẻ: Bước vào năm học cuối cấp, em hơi dao động giữa việc chọn sư phạm hay bác sĩ. Nhưng em thấy trong bản có mấy chị học sư phạm, một chị học dược rồi, thế là em nghĩ bản mình còn thiếu bác sĩ nên em quyết định nuôi dưỡng ước mơ theo học ngành Y. Qua tìm hiểu, em thấy trường nơi em đăng ký theo học có chế độ miễn học phí 100% cho con em hộ nghèo, nếu trúng tuyển sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ. Uớc mơ của em đơn giản lắm, chỉ là cố gắng học tập, sau này trở về quê hương, chữa bệnh cho bà con dân bản và những người thân trong gia đình”.

Nếu như hai nữ sinh trên giỏi về văn hóa, thì nam sinh Lương Nhật Vũ - trú tại bản Lưu Phong, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương lại xuất sắc trong phong trào thể thao. Vũ cho biết, em là con trai thứ hai trong gia đình thuần nông của xã vùng cao khó khăn Lưu Kiền. Trong bản, bà con thường tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co... mỗi dịp lễ hội, tết đến, xuân về. Những lúc ấy, thấy các chú, các anh thi đấu, Vũ rất thích và đang theo đuổi ước mơ trở thành một vận động viên chuyên nghiệp.

Sự cố gắng luyện tập, cộng với sức khỏe, kỹ thuật tốt nên Nhật Vũ nhanh chóng lọt vào đội tuyển thể thao cấp huyện, cấp tỉnh. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X - năm 2024 - khu vực III tổ chức ở Quảng Nam, Nhật Vũ xuất sắc giành 3 huy chương Vàng hạng cân 41- 44 kg, môn đẩy gậy và giành 2 huy chương Vàng môn kéo co, khi em vừa bước sang tuổi 15 và đang học lớp 9.

Niềm tự hào của bản

Nói về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh - giáo viên chủ nhiệm 3 năm THPT của Lô Huyền Trang đánh giá: Trang là học sinh rất bản lĩnh, có sự nỗ lực vượt bậc. Huyền Trang là lớp trưởng gương mẫu, góp phần quan trọng cùng tập thể đạt danh hiệu “lớp tiên tiến xuất sắc” suốt từ lớp 10 đến lớp 12. Năm học 2022 - 2023, lớp của Trang được Thành Đoàn TP Vinh tặng giấy khen Chi đoàn xuất sắc.

Trong khi đó, cô Trần Thị Liên - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An tự hào khi nói về Vi Thị Thảo rằng: “Thảo trầm tính, ít nói nhưng ở em có tinh thần chịu khó, rất ham học và vươn lên từng ngày. Em là học sinh ngoan, học đều các môn, được tỉnh tuyên dương và kết quả, em đỗ vào trường Y là phần thưởng xứng đáng cho những sự nỗ lực, vượt khó đó”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Tuân - Trường PT Dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền - người phát hiện ra tài năng và huấn luyện cậu trò Nhật Vũ đánh giá: Vũ là một học sinh ngoan, hiền lành. Trong học tập văn hóa cũng như tập luyện thể thao em có ý thức tự giác cao, chịu khó. Em có năng khiếu với nhiều môn thể thao truyền thống, và thế mạnh ở môn đẩy gậy. Những tấm huy chương Vàng em giành được là cả một quá trình nỗ lực, khổ luyện.

Nói về việc em Lô Huyền Trang trúng tuyển vào một trường Quân đội, ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết: Thật tự hào khi lần đầu tiền trong xã có một cháu học sinh nữ đậu vào trường Quân sự. Cả bản, cả xã vui cùng cháu và gia đình. Ông Mằn nói: “Với địa phương, lâu nay rất chú trọng vào việc tạo điều kiện cho con em học hành, nhất là trong độ tuổi đến trường. Các em xuất sắc đi học ở huyện, tỉnh, chúng tôi luôn động viên gia đình vượt qua khó khăn để hỗ trợ các cháu học tốt, sau này phục vụ quê hương, đất nước”.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: Trong năm học vừa qua có nhiều học sinh miền núi đạt giả cao. Các em Huyền Trang, Vi Thị Thảo, Lưu Nhật Vũ... là những điển hình. Để đạt được những kết quả trong đào tạo, Sở GDĐT Nghệ An luôn cố gắng, triển khai thực hiện đồng bộ mô hình “đảm bảo chất lượng”. Đồng thời, Sở tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành các nghị quyết và đề án về việc nâng cao chất giáo dục toàn diện trên địa bàn, trong đó có vùng đồng bào miền núi. “Trong thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện mô hình “đảm bảo chất lượng”; làm tốt quy hoạch mạng lưới trường lớp; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua đi vào thực chất; tăng cường công tác, kiểm tra giám sát, công tác bồi dưỡng cho giáo viên” - ông Hoàn nói.

“5 năm trở về trước, chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi Nghệ An có khoảng cách tương đối lớn. Điểm đầu vào ở khu vực miền núi rất thấp, dao động 5 - 6 điểm. Nhưng những năm gần đây, khoảng cách này dần được rút ngắn, chất lượng giáo dục toàn diện ở miền núi đã tăng lên, điểm đầu vào đạt ngưỡng từ 8 - 11 điểm, có nhiều em đậu vào các trường đại học danh giá” - ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỏa sáng giữa đại ngàn