Về xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) hỏi ông lính già bỏ tiền “xây bảy cầu”, ai cũng biết, đó là bệnh binh Lâm Quang Sản, 75 tuổi.
Xuất ngũ, trở về quê hương vào năm 1984 trong điều kiện sức khoẻ mất 61%, nhưng bằng nghị lực của một người lính, ông Sản đã vượt qua tất cả, mở xưởng dịch vụ cho thuê cốt pha xây dựng.
Doanh thu từ xưởng trong mấy năm gần đây bình quân đạt 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu/người/tháng.
Khi có vốn, việc đầu tiên mà ông Sản nghĩ tới là lên kế hoạch để xây cầu giúp dân. Năm 2015, ông đầu tư 150 triệu đồng vốn để xây dựng cây cầu đầu tiên ở khu vực chợ Cát, xã Khánh Trung. Với việc trực tiếp thi công, tự chủ về kinh phí và nhân lực, cây cầu mới dài hơn 13 m, rộng 3,5 m được hoàn thành sau khoảng 15 ngày.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi thấy nhiều cầu tạm trong xã đã xuống cấp, ông lại đi vận động người dân đóng góp nhân, vật lực để xây dựng và nâng cấp cầu. Từ năm 2015 đến nay, ông Sản và người dân đã thực hiện xây mới và nâng cấp được 7 cây cầu, riêng ông đóng góp trên 300 triệu đồng.
Ông Sản cho biết thêm: “Đến cuối năm 2020, tôi sẽ đầu tư tiếp khoảng 200 triệu đồng và kêu gọi đóng góp thêm để nâng cấp, mở rộng chiều rộng cầu Cát lên 7 m, dài 26 m, gấp đôi cây cầu Cát hiện tại”.
Chia tay ông Sản, chúng tôi tiếp tục hành trình về thôn Tân Nhất, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan để gặp ông Tài “mở đường”. Ông Tài nhớ lại, vào năm 1989, ông rời quân ngũ trở về quê hương với thương tật 61%. Trở lại quê nhà, nhìn thấy sự nguy hiểm khi người dân và các cháu nhỏ phải thuê đò qua sông Lạng trong mùa mưa lũ, ông bất chợt nghĩ ngợi về chuyện xây cầu qua sông để người dân hai bên bờ đỡ khổ.
Nghĩ là làm, ông dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm 200 triệu đồng của gia đình và kêu gọi, được Hội Cựu chiến binh xã, huyện hỗ trợ thêm 400 triệu đồng để bắc cầu qua sông Lạng. Cây cầu dài hơn 100 m, rộng 2,5 m này đến nay vẫn đang phục vụ đắc lực cho việc đi lại của hàng nghìn người dân.
Sau khi xây cầu xong, nhận thấy trên tuyến đê đi tới cầu vẫn còn là đường đất, di chuyển khó khăn, ông Tài đã tự nguyện bỏ 80 triệu đồng tiền túi để rải đá cấp phối trên tổng chiều dài 3 km, khiến việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn.
“Sau khi được đồng thuận từ chính quyền và người dân, chúng tôi thực hiện thu phí với giá vé 3.000 đồng/lượt để lấy kinh phí trang trải. Dân ở đây đa phần là người Công giáo nên chúng tôi miễn hết để họ qua sông đi lễ, trẻ nhỏ và giáo viên cũng miễn cả luôn, chỉ thu vài trường hợp người ngoài tới với người lao động có thu nhập thôi”, ông Tài cho biết.
Đợt mưa lũ vào cuối năm 2017 đã khiến cây cầu có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình đó, cuối năm 2018, ông Tài đã trích toàn bộ số tiền 97 triệu thu phí từ người dân để cải tạo, sửa chữa cây cầu này.