Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố kế hoạch tầm nhìn chiến lược về quốc phòng và răn đe hạt nhân, đồng thời dự kiến tăng cường đối thoại với châu Âu về các chủ đề nói trên ngay trong thời gian nhiệm kỳ của ông.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Những phát biểu và động thái của ông Macron trong thời gian gần đây làm dấy lên những nghi ngại các quốc gia châu Âu sẽ bước vào một cuộc đua vũ trang mới mà tâm điểm là Pháp với việc khôi phục vị thế cường quốc hạt nhân.
Toan tính lớn…
Ngày 8/2, AFP trích dẫn nguồn tin từ phủ Tổng thống Pháp về bài phát biểu trước các sĩ quan Trường Chiến tranh (Ecole de Guerre) tại Paris, vốn rất được giới quân sự rất mong đợi, nguyên thủ Pháp Macron mô tả chi tiết tình hình thế giới và đặc biệt đã nhấn mạnh những tham vọng của vị tổng thống thứ 25 của nước Pháp.
Trước hàng loạt tướng lĩnh cao cấp của quân đội Pháp, ông Macron muốn lực lượng quân đội của mình có các phương tiện tối tân, bước nhảy vọt về quốc phòng “sao cho Pháp không còn thụ động trước sự thống trị của Nga, Mỹ và Trung Quốc trên trường quốc tế”.
Buổi đọc diễn văn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ về tầm nhìn chiến lược trong quốc phòng và việc răn đe hạt nhân của Pháp là việc mà tất cả các Tổng thống Pháp đều phải làm, với tư cách là tổng tư lệnh quân đội và là chủ nhân học thuyết răn đe hạt nhân, vốn được Pháp coi là chìa khóa cho chiến lược quốc phòng và đảm bảo cho những lợi ích sống còn của đất nước.
Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình và gần đây khi chuẩn bị cho đợt bầu cử sắp tới, ông Macron được các chuyên gia quốc tế tại châu Âu đánh giá có đường lối dẫn dắt nước Pháp như một mô hình Mỹ tại châu Âu: Đưa nước Pháp vĩ đại trở lại!
Các toan tính của ông Macron trong thời điểm hiện nay về vũ khí hạt nhân trong chiến lược quốc phòng nói chung đang được truyền thông quốc tế mô tả là tập trung vào các toan tính lớn nhằm khôi phục vị thế nước Pháp.
Phân tích của giới chuyên gia cho thấy, sau Brexit, nước Anh không còn có thể là đối thủ của nước Pháp trong cuộc ganh đua giành vai trò lãnh đạo châu Âu mà đối thủ chính của Pháp là nước Đức.
Sự tranh thủ của ông Macron được cho rằng “lợi dụng tình hình” nước Đức khi cường quốc này đang rối do vấn đề nội bộ. Bà Merkel đang bước đến thời kỳ cầm quyền cuối cùng để dẫn tới một châu Âu “như rắn mất đầu”. “Và đây là cơ hội của ông Macron cả về chính trị quốc tế lẫn chính trị cá nhân” - theo bình luận của nhà phân tích chiến lược Nga Begiotovsky.
…cho cuộc chơi lớn
Ngay trong bài phát biểu của mình, ông Macron cũng đang nhấn mạnh việc châu Âu có khả năng xuất hiện chay đua vũ khí, thậm chí chạy đua vũ khí hạt nhân trong tương lai, người châu Âu không thể chỉ sắm vai “khán giả”, nên áp dụng chiến lược răn đe hạt nhân mới.
Trong khi đó, phát biểu tại Học viện Quân sự Pháp, Tổng thống Macron cho biết, sự tồn tại của lực lượng hạt nhân Pháp có lợi cho tăng cường an ninh của châu Âu, có “ý nghĩa châu Âu”.
Theo đánh giá của Học viện Quốc phòng Australia về mối quan tâm hạt nhân, cách tiếp cận mới của ông Macron trong chiến lược quân sự, quốc phòng và hạt nhân mới được trình bày là sự kết hợp của 3 định hướng: Tăng cường sự tự chủ và độc lập của châu Âu về quốc phòng, thúc đẩy giải trừ quân bị nói chung, giải trừ vũ khí hạt nhân nói riêng cũng như mời chào “cái ô” hạt nhân của Pháp để dần thay thế hoặc sẵn sàng thay thế “cái ô hạt nhân” của Mỹ cho các nước châu Âu.
Ngay từ năm 2018, được sự phê chuẩn của ông Macron, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã thông báo kế hoạch chi 37 tỉ euro trong 7 năm để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, trong đó chú trọng khả năng răn đe hạt nhân trên biển và trên bộ.
Số tiền trên sẽ là một phần trong dự thảo ngân sách quốc phòng 300 tỉ euro của Pháp cho giai đoạn 2019 - 2025. Tuy nhiên, theo dự đoán của giới chuyên gia, chưa có dấu hiệu nào phần ngân sách nói trên sẽ bị đóng khung hay giới hạn.
Nhiều khả năng nếu ông Macron tái cử nhiệm kỳ 2 trên cương vị Tổng thống nước Pháp, ngân sách trên có thể tăng gấp rưỡi trong niên khóa 5 năm tới. Và lúc đó, Pháp thực sự bước vào cuộc chơi lớn với những toan tính lớn.