Câu chuyện 10 phó đoàn tham dự đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 cuối cùng cũng được chốt lại, sau khi Tổng cục TDTT công bố dánh sách “có điều chỉnh” kịp thời.
Phải sau gần nửa tháng với những tranh cãi, ngày 14/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cho biết sẽ chỉ có 2 phó đoàn tham dự SEA Games 29 thay vì 10 người như danh sách ban đầu.
Theo đó, hai phó đoàn được giữ lại là Vụ trưởng Nguyễn Trọng Hổ và Vụ trưởng Thể thao thành tích cao I (dự kiến là ông Hoàng Quốc Vinh). Bốn giám đốc các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia: Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội), Đặng Hà Việt (TP HCM), Lê Hồng Sơn (Đà Nẵng), Trần Chí Quân (Cần Thơ) cùng Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Bình đều xin phép ở nhà.
Trước đó, theo quy định của BTC nước chủ nhà SEA Games 29 -Malaysia, các quốc gia trong khu vực chỉ được đăng ký 1 trưởng đoàn và 2 phó đoàn. Tuy nhiên, trong bản danh sách sơ bộ mà Tổng cục TDTT công bố mới đây lại xuất hiện tới 10 phó đoàn.
Chính điều này đã gây "bão" dư luận, khiến Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng phải vào cuộc, yêu cầu rà soát lại toàn bộ danh sách và cần ưu tiên cho các chuyên gia, HLV, bác sĩ…
Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam cần làm đúng quy định của ban tổ chức đại hội và vì số lượng lãnh đạo đoàn được “tinh giản” chỉ còn một trưởng đoàn và hai phó đoàn nên các vị trí chủ chốt này càng phải nâng cao năng lực quản lý, quán xuyến một cách chặt chẽ hơn nữa cả về sinh hoạt nội bộ lẫn chuyên môn của các VĐV.
Thực tế thì đây không phải là kỳ SEA Games đầu tiên chúng ta có nhiều phó đoàn như vậy. Ở những kỳ trước, đoàn Việt Nam cũng luôn có tới 7-8 phó đoàn để lo những công việc khác nhau. Nhưng rõ ràng là việc tăng thêm phó đoàn (được giải thích là năm nay có đông VĐV tham dự SEA Games hơn), khiến dư luận chỉ trích.
Từ rất nhiều sức ép, đoàn thể thao Việt Nam sang Malaysia chỉ còn 2 Phó đoàn, ngoài 5 phó đoàn xin rút, các phó đoàn còn lại đại diện cho các đơn vị đóng góp nhiều quân cho Đoàn như: Tô Văn Động (Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội), Mai Bá Hùng (Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao TP. Hồ Chí Minh), Phạm Ngọc Dương (Trưởng đoàn TDTT Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu) tiếp tục tham dự, nhưng không được đăng ký chức danh phó đoàn chính thức với ban tổ chức. Các cán bộ đoàn này vẫn đảm bảo vai trò nội bộ theo sự phân công của Trưởng đoàn Trần Đức Phấn.
"Hà Nội là đơn vị đóng góp nhiều VĐV nhất, có thành tích tốt nhất. TP Hồ Chí Minh đứng ngay sau Hà Nội. Đoàn thứ ba là Quân đội có nhiều VĐV trọng điểm như nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên. Để động viên tinh thần VĐV, cán bộ của các đơn vị này cần đi để kiểm soát và động viên VĐV của họ. Trong cấu tạo của đoàn, vai trò của họ rất quan trọng. Nhiều khi trưởng phó đoàn nói chưa chắc họ đã nghe nhưng nhìn thấy lãnh đạo đơn vị mình thì họ lại nghe 100 %", ông Phấn cho hay.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam cũng nói thêm: "Bộ trưởng chỉ đạo rà soát lại toàn bộ danh sách Đoàn. Từ nay về sau, thể thao Việt Nam dự các kỳ Đại hội sẽ phải thực hiện đúng quy định. Nhưng dù vậy, mục tiêu của Đoàn vẫn phải đảm bảo hiệu quả. Chúng tôi đã có bản phân công cụ thể nhiệm vụ của trưởng đoàn và từng phó đoàn. Hàng ngày, trưởng đoàn và 2 lãnh đạo đoàn sẽ liên tục giao ban để trao đổi công việc với nhau".
Như vậy là sau rất nhiều điều chỉnh, danh sách các phó đoàn mới được chốt lại. Nếu ngay từ đầu, những nhà quản lý thể thao nước nhà nghĩ tới quyền lợi HLV, VĐV, nghĩ tới một đoàn thể thao hoạt động hiệu quả nhưng cũng ít tốn kém nhất, thì đã không xảy ra những chuyện bi hài như thời gian qua.