Các cường quốc trong khu vực Vùng Vịnh dẫn đầu bởi Arab Saudi trong hôm 23/6 đã đưa ra “tối hậu thư” cho Qatar, trong đó yêu cầu nước này đóng cửa hãng thông tấn al-Jazeera trong tổng số 13 yêu cầu, để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao mà nước này đang gánh chịu.
Danh sách của khối cấm vận yêu cầu Qatar đóng cửa hãng truyền thông al-Jazeera (Nguồn: AP).
Arab Saudi cùng một số quốc gia khác đang dẫn đầu khối cấm vận Qatar – Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập – trong những ngày qua đã chịu sức ép từ Bộ Ngoại giao Mỹ phải đưa ra các yêu cầu cụ thể để giúp khởi động một tiến trình hòa giải.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay các yêu cầu mà nhóm các nước cấm vận đưa ra cần phải hợp lý và có khả năng thực hiện. Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuy hiện lại tỏ ý ủng hộ Arab Saudi trong vụ việc được coi là bất đồng ngoại giao tồi tệ nhất từng diễn ra ở khu vực Vùng Vịnh suốt nhiều thập kỷ qua.
Liên minh do Arab Saudi dẫn đầu coi al-Jazeera – hãng thông tấn có lượt theo dõi nhiều nhất trong giới Arab – như một công cụ tuyên truyền gây ảnh hưởng tới tỷ lệ ủng hộ cho các chính phủ của họ. Qatar được giao cho thời hạn 10 ngày để thực hiện đủ các yêu cầu trên.
Ngay lập tức, danh sách yêu cầu này đã vấp phải phản ứng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Islik bác bỏ khả năng họ sẽ đóng cửa căn cứ quân sự ở Qatar, thêm rằng mọi hành động yêu cầu đóng cửa căn cứ này sẽ bị coi là can thiệp vào mối quan hệ giữa Ankara và Doha.
“Căn cứ ở Qatar vừa là căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ vừa đóng vai trò đảm bảo an ninh cho Qatar và khu vực” – ông Islik nêu rõ.
Danh sách trên cũng yêu cầu Qatar trả một khoản tiền cho 4 quốc gia đã áp lệnh trừng phạt với họ như một hình thức “bồi thường cho các chính sách” của họ, cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố trong đó gồm tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), ngừng rót vốn cho khủng bố và giao nộp những kẻ khủng bố đang bị các nước truy nã.
Danh sách không bao gồm bất cứ đề nghị nào liên quan tới thay đổi chế độ ở Qatar, nhưng dường như Qatar không xem các yêu cầu này là tiền đề để tiến tới các vòng đàm phán thực sự. Chính quyền Doha từng tuyên bố rằng họ sẽ không đàm phán trong khi lệnh trừng phạt còn được duy trì, và hiện đang phụ thuộc vào nguồn hàng viện trợ lương thực chính từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.
Ngoại trưởng Qatar Shiekh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trong hôm 22/6, tức trước khi có “tối hậu thư”, đã nói rằng Qatar luôn “tuân thủ luật pháp quốc tế” và đóng vai trò quan trọng trong liên minh quốc tế chống phiến quân IS.
“Qatar không hậu thuẫn tổ chức Nusra Front ở Syria….và cũng không ủng hộ bất cứ tổ chức khủng bố nào” – ông al-Thani nói với kênh France 24 của Pháp.
Danh sách trên, được Kuwait – nước đang đóng vai trò hòa giải – trao cho Qatar, còn yêu cầu nước này phải ngừng can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác. Qatar cũng được yêu cầu thu lại quyền công dân mà họ đã từng trao cho những người đến từ Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập trong trường hợp những cá nhân này vi phạm luật pháp ở các nước trên.
Qatar cũng được yêu cầu phải giao nộp các biên bản ghi chép về các tổ chức đối lập ở 4 quốc gia dẫn đầu khối cấm vận mà họ từng ủng hộ và sự hậu thuẫn mà nước này từng nhận được.
Về vấn đề Iran, Qatar được yêu cầu phải hạn chế quan hệ ngoại giao, đóng cửa các tòa lãnh sự và yêu cầu lực lượng quân sự Iran rời khỏi Qatar. Sự hợp tác trong tương lai giữa Qatar và Iran cần phải được hạn chế chỉ trong khuôn khổ hợp tác thương mại. Mọi hợp tác quân sự và tình báo với Iran phải bị cắt đứt hoàn toàn.
Việc cắt đứt quan hệ với Iran được xem là rất khó khăn đối với Qatar bởi nước này hiện đang chia sẻ một giếng dầu ngoài khơi lớn với Iran, vốn cung cấp nguồn tài chính cho họ.
Qatar đã liên tiếp khẳng định rằng họ không rót vốn cho các nhóm khủng bố và cho rằng lệnh cấm vận mà họ đang phải hứng chịu là đòn trừng phạt của các nước vì chính quyền Doha đang theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập.
Nếu như Qatar nhất trí với danh sách yêu cầu trên, họ cũng sẽ phải thực hiện kiểm toán mỗi tháng một lần trong năm đầu tiên và sau đó là mỗi quý trong năm thứ hai. Trong 10 năm tiếp đó, Qatar sẽ bị theo dõi thường niên việc tuân thủ các điều khoản này.
Arab Saudi cùng các nước láng giềng cũng kêu gọi thiết lập một cơ chế giám sát để đảm bảo rằng Qatar sẽ tuân thủ các cam kết. Cơ chế này sẽ cho phép các nước trên thực hiện kiểm tra mỗi tháng một lần trong năm đầu tiên, cứ 3 tháng 1 lần trong năm thứ hai, và mỗi năm một lần trong 10 năm sau đó.
Trước đó, UAE từng đề xuất rằng cơ chế giám sát này nên được vận hành bởi các nước phương Tây.