Ở tuổi 75- tuổi được xem là xưa nay hiếm nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân vẫn tận tụy, nhiệt huyết, trăn trở với hoạt động khoa học nông nghiệp và giáo dục. Ông tâm sự: “Dù ở cương vị nào, độ tuổi nào thì tôi vẫn toàn tâm, toàn ý, toàn lực cho sự nghiệp trồng người cũng như sự phát triển mang tính bền vững, ổn định của ngành nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa Việt. Tôi muốn “nhân bản” chính tôi thành nhiều người khác nhau để cống hiến nhiều hơn nữa".
GS.TS Võ Tòng Xuân với bà con nông dân.
Nhớ lại thời “cậu học trò nghèo ham học”
Trò chuyện với GS.TS Võ Tòng Xuân chúng tôi mới hiểu rõ hơn về ông, hiểu rõ về ý chí cố gắng không mệt mỏi nhằm chuẩn bị hành trang kiến thức từ rất nhiều năm trước. Với ông, kiến thức không tự dưng có được. Kiến thức là do thầy cô dạy dỗ, xã hội cung cấp, bản thân lắng nghe, suy nghĩ và học hỏi... Song điều quan trọng hơn cả là sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân.
Sinh ra trong gia đình nghèo, kinh tế chật vật nên để có tiền đi học, cậu học trò nhỏ Võ Tòng Xuân năm xưa không ngại khó, không ngại khổ kiếm tiền bằng nghề bán báo dạo tại bến xe An Đông (quận 5 - TP HCM), thậm chí là ở đậu nhà người khác để dạy kèm, tối đến ôm chăn gối ra xe hơi ngủ để trông xe ngoài hẻm. Đối với Võ Tòng Xuân, đây hoàn toàn không phải cực hình của tuổi thơ dữ dội. Cái giá của sự tần tảo, chăm chỉ làm việc kiếm tiền ăn học được bù đắp.
Bằng chứng, ông có thể tiếp cận với tiếng Anh dễ dàng nhất, trong điều kiện tốt nhất có thể thông qua các chương trình của đài tiếng nói Hoa Kỳ, rồi học tiếng Anh miễn phí từ chuyên gia người Mỹ… Kết quả, Võ Tòng Xuân hoàn thành tốt nghiệp tú tài tại trường phổ thông ở Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, chuyên ngành cơ khí.
Chưa bằng lòng với những thành tích đạt được và mong muốn học cao hơn nữa, ông quyết tâm dùi mài tiếng Anh để dành phần học bổng trong ngành nông học cho bằng được vì khoa cơ khí đã có quá nhiều người giỏi. Sự cố gắng của chàng sinh viên nghèo Võ Tòng Xuân hồi ấy được đền bù xứng đáng khi ông giành vị trí á quân trong cuộc thi tìm kiếm tài năng cho học bổng đại học Nông nghiệp tại LosBanos (Philippines), khoa Hóa học nông nghiệp, chuyên ngành mía đường.
Mong muốn có điều kiện tốt về vật chất để hoàn thành khóa học bổng tương đương thạc sĩ, tại Philippines, ông Võ Tòng Xuân tự “tậu” cho mình cái máy ảnh Pentax để kiếm cơm. Ban đầu sẽ chụp không công cho trường học, nhà thờ…nhằm rèn luyện tay nghề nhiếp ảnh “lụa là” hơn. Sau đó ông chủ động kiếm tiền bằng cách chụp ảnh cho đám tiệc. Kế hoạch hoàn hảo này trở thành bệ đỡ vững chắc nuôi ông và vợ con trong suốt thời gian du học tại đây.
Mọi vất vả cơ bản đã vượt qua, khóa học thạc sĩ chuyên ngành mía đường hoàn thành tốt năm 1965. Đây cũng là thời điểm Viện Nghiên cứu quốc tế chuyên về nông nghiệp tại Philippines mời gọi cán bộ khuyến nông các nước đến để học hỏi và nghiên cứu. Mong muốn trôi chảy trong việc trau dồi kiến thức cũng như hiệu quả nghiên cứu khoa học, cho nên ông xin học tại Viện mà không cần sự hỗ trợ của nhà trường cũng như giấy giới thiệu của chính quyền.
Ông được Viện Nghiên cứu quốc tế nhận làm nghiên cứu sinh chuyên ngành lúa gạo. Trong những ngày đầu tại Viện, ông đã mày mò phát triển tốt chương trình giảng dạy theo hướng của các chuyên gia Mỹ thay cho giáo trình hiện hành mà viện đưa ra. Được lãnh đạo Viện đánh giá cao phương pháp giảng dạy kiểu mới dễ tiếp, thu hiệu quả cao, vì vậy Viện Nghiên cứu quốc tế thưởng cho ông bằng cách trả lương giống như một nhân viên của Viện.
Tận hiến vì hạt gạo Việt
Năm 1971, thời điểm chiến tranh ở Việt Nam diễn ra hết sức gay gắt, ác liệt nhưng ông vẫn mong muốn trở về nước, đồng thời nung nấu ý chí cống hiến để cây lúa Việt thật sự phát triển. GS Võ Tòng Xuân không ngừng nghiên cứu với những đề tài tốt nhằm ứng dụng vào thực tiễn hỗ trợ nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo. Vừa nghiên cứu các giống lúa nổi tiếng vừa lặn lội khắp nơi từ Đồng Tháp Mười trũng phèn đến tứ giác Long Xuyên đồng khô cỏ cháy để giúp đỡ nông dân tháo gỡ khó khăn, chinh phục thiên nhiên, đồng thời tìm ra những phương pháp tối ưu nhất để cây lúa phát triển ổn định. Nghiên cứu không ít, cống hiến rất nhiều song vẫn không bằng lòng với những thành quả đạt được.
Ròng rã nhiều thập kỷ đã qua, GS Võ Tòng Xuân vẫn luôn canh cánh vì sự phát triển nâng tầm tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) của đất nước. Theo ông, Việt Nam nổi tiếng với ngành nông nghiệp thuần nông, nhưng vẫn là phương thức sản xuất cổ truyền dẫn đến hiệu quả không cao, chi phí nặng vốn. Chính vì lẽ đó mà gần 30 năm đổi mới và phát triển nhưng đời sống của nông dân vẫn bấp bênh và khó khăn. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, chỉ khi nào nông dân được giáo dục theo hướng hiện đại, thay vì phát triển tự phát thì nông thôn mới tốt và nông nghiệp mới đạt `chất lượng xanh.
Còn riêng về hội nhập, vấn đề này đang cần sự đổi mới cho ngành nông nghiệp đưa lúa gạo chen chân vào thị trường thế giới, để ngành mía đường không thua trên sân nhà. Vậy tái cơ cấu nông nghiệp để hội nhập bằng cách nào? Ông cho rằng, muốn nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng theo chuỗi giá trị. Đây chính là giải pháp hết sức quan trọng cần áp dụng một cách hiệu quả.
Không tách rời nông nghiệp với giáo dục, GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định, ngành nông nghiệp chỉ có thể phát triển khi giáo dục được đổi mới. Giáo dục có đào tạo được những cán bộ nghiên cứu tâm huyết, nhiệt tình, tận tụy mới cho ra các xét nghiệm mang tính đột phá nhằm thúc đẩy ngành này phát triển. Cho nên, điều đầu tiên trước khi về nước sau một thời gian du học và nghiên cứu tại nước ngoài ông muốn “nhân bản” chính mình ra thành nhiều người khác nhau để cống hiến, hơn nữa sức mạnh của số đông sẽ làm nên kỳ tích.
Chính vì lẽ đó mà cùng việc giảng dạy 7 môn học, ông còn đảm nhận hướng dẫn đề tài cho hơn 20 sinh viên. Thời gian còn lại ông tập trung hoàn thành tốt luận án TS tại Nhật Bản với công trình nghiên cứu nhiều khía cạnh về các loại lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Xong luận án TS, ông lại về nước và bắt tay vào sự nghiệp giáo dục với chức danh Hiệu phó trường ĐH Cần Thơ, Hiệu trưởng trường ĐH An Giang, Hiệu trưởng trường ĐH Tân Tạo (Long An) và giờ là Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ.
40 năm cống hiến, GS.TS Võ Tòng Xuân không tách rời giữa nghiên cứu khoa học, giáo dục và thực tiễn. Giờ đây dù đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tấm lòng yêu thương quê hương đất nước, sự miệt mài với công việc của ông vẫn vẹn nguyên như thời trai trẻ, trong suy nghĩ và hành động thường nhật.
Tâm sự về dự định trong thời gian sắp tới, ông cho biết: “Dù ở cương vị nào, độ tuổi nào thì tôi vẫn toàn tâm, toàn ý, toàn lực cho sự nghiệp trồng người và sự phát triển mang tính bền vững, ổn định của ngành nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa Việt”.
Không dừng lại ở đó, GS.TS Võ Tòng Xuân còn mong muốn nền nông nghiệp, giáo dục sớm được đổi mới theo hướng hiện đại từ đó có thể khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường thế giới. Ghi nhận những đóng góp của GS.TS Võ Tòng Xuân, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân. Ngoài ra, ông còn được tổ chức thuộc các nước như Australia, Pháp, Canada… trao tặng nhiều bằng khen và phần thưởng cao quý.
Trước những cống hiến của GS Võ Tòng Xuân đóng góp cho nền giáo dục, nông nghiệp nước nhà, sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “GS.TS. Võ Tòng Xuân là một trí thức yêu nước, một nhà nông học xuất sắc, một nhà giáo nhân dân say mê sáng tạo khoa học, gắn bó với Đồng bằng sông Cửu Long, đã góp phần phát triển nền nông nghiệp nước nhà, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động mà Nhà nước đã phong tặng. Mong nhà khoa học Võ Tòng Xuân có những thành tựu mới trong sáng tạo khoa học, góp phần xứng đáng hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại và công cuộc đào tạo giáo dục của nước Việt Nam ta trong thế kỷ 21”.
Bước sang mùa Xuân này, ở tuổi 75, nhiệt huyết của GS Võ Tòng Xuân vì nền nông nghiệp nước nhà, vì hạt gạo Việt vẫn không hề thuyên giảm.