Chiều 26/2, dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không chỉ có truyền thống cách mạng, con người Tuyên Quang còn hết sức cần cù, chịu khó; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị có khát vọng mạnh mẽ xây dựng, phát triển quê hương. Thủ tướng cho rằng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nhất là gỗ rừng trồng là một thế mạnh mà Tuyên Quang cần khai thác để thúc đẩy công nghiệp chế biến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không chỉ giữ vững truyền thống cách mạng Tuyên Quang còn có nhiều chuyển biến đáng mừng, nhất là trong thu ngân sách, giảm nghèo. Chỉ số cạnh tranh của tỉnh vươn lên mạnh mẽ từ vị trí chót bảng lên mức 48/63 tỉnh, thành phố. Nhiều loại cây công nghiệp được phát triển và giữ vững, đặc biệt mật độ che phủ rừng được duy trì tốt ở mức 64%. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm; an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững … đó là một cố gắng lớn của địa phương, Thủ tướng nhận xét.
Biểu dương thành tích toàn diện của tỉnh, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân tích, quy mô kinh tế của Tuyên Quang còn thấp, rừng chưa thực sự trở thành một thế mạnh để tạo nên nguồn thu của địa phương. Tỷ lệ nghèo còn ở mức cao trong vùng.
Đề cập đến những tiềm năng của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không chỉ có truyền thống cách mạng, con người Tuyên Quang còn hết sức cần cù, chịu khó; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị có khát vọng mạnh mẽ xây dựng, phát triển quê hương. Về tầm nhìn phát triển của địa phương, Thủ tướng mong muốn, Tuyên Quang sẽ là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước; là một điển hình về thoát nghèo, cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên, giải quyết, nâng cao đời sống cho người dân.
Gợi mở những biện pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Tuyên Quang ưu tiên hàng đầu cho nâng cấp, mở rộng hạ tầng cứng, đường giao thông; đi đôi với đó là làm tốt công tác tái cơ cấu dân cư nhằm giảm chi phí hạ tầng. Về hạ tầng mềm, tỉnh cần đẩy mạnh giáo dục cơ bản, nâng cao dân trí, đặc biệt là đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn; thay đổi phương thức đầu tư theo hướng có trọng điểm đối với khối các trường nội trú và dạy nghề để tạo điều kiện hướng nghiệp cho bà con.
Để làm được những định hướng đó, Thủ tướng lưu ý Tuyên Quang cần tạo vùng nguyên liệu phù hợp để có những sản phẩm từ gỗ, cam, chè với năng suất, chất lượng và thương hiệu tốt hơn. Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, xóa đói giảm nghèo. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh ở địa phương; phát triển trồng rừng, giữ gìn môi trường sống cho người dân.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nhà máy May Tuyên Quang tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương. Nhà máy do Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư với số vốn trên 200 tỉ đồng, đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái. Hiện Nhà máy đang giải quyết việc làm cho 600 lao động và dự kiến tạo việc làm cho 1.200 lao động. Nhà máy May Tuyên Quang là một trong những dự án đầu tư quan trọng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhằm tạo việc làm và thu nhập cho con em đồng bào tại Tuyên Quang và vùng lân cận; tăng thêm năng lực xuất khẩu cho Tập đoàn.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu sản xuất, nhà ăn ca, ân cần thăm hỏi, động viên người lao động người lao động. Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Nhà máy, nhắc nhở lãnh đạo Nhà máy phải chú trọng chất lượng bữa ăn cho công nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.