Sáng 10/12/2017, tại Hội trường Bảo tàng lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội), Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Lễ tổng kết công tác năm 2017, triển khai công tác năm 2018, trong đó có việc trao Giải thưởng Văn học năm 2017 và kết nạp hội viên mới. Trong số 3 tác phẩm chính thức được trao Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay, có tập phê bình - đối thoại “Trang sách, mạch đời” của nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải- ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
PV: Được biết cuốn “Trang sách, mạch đời” của ông không chỉ là tác phẩm phê bình văn học duy nhất đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay mà còn là tác phẩm nhận được số phiếu tuyệt đối (8/8) của Hội đồng chung khảo. Theo nhìn nhận của ông, lý do gì để Hội đồng Chung khảo có được sự thống nhất cao như vậy?
Nhà thơ, nhà phê bình văn học PHẠM KHẢI: Trước tiên, phải nói tôi rất vui khi biết tin mình được nhận giải thưởng vốn dĩ khá được giới văn bút Thủ đô chú ý này. Qua ý kiến nhận xét của các thành viên Chung khảo, tôi thấy những nỗ lực của mình đã được ghi nhận. Theo tôi nghĩ, cái lạ thường dễ nhận diện. Mà cuốn sách của tôi lạ ngay từ cách cấu trúc. Như tôi đã nói ở lời đầu sách: Đi kèm bài viết (phê bình) trực tiếp về một tác phẩm nào đó là những bài phỏng vấn một số nhân vật cụ thể.
Trong đó, có người là “cha đẻ” của tác phẩm; có người là nhân chứng, liên quan tới quá trình xuất bản tác phẩm. Không ít trường hợp là các nhà sưu tầm, nghiên cứu có thể cung cấp cho bạn đọc chiếc “chìa khó”, ngõ hầu giúp họ hiểu thêm nhiều điều về tác phẩm, kể cả những bí mật suýt bị bụi thời gian phủ lấp. Bên cạnh đó, Hội đồng Chung khảo cũng ghi nhận tính phong phú của cuốn sách khi mà tôi tham gia phê bình những tác phẩm thuộc nhiều thể loại, từ thơ, thơ dịch đến tiểu thuyết, tùy bút, sách phê bình, khảo cứu.
Thành phần các tác giả được phân tích, “mổ xẻ” cũng khá đa dạng. Cuối cùng là thái độ thẳng thắn, sòng phẳng, không ngại va chạm của tác giả. Tôi làm nghề và thấy đây là việc đương nhiên. Song có lẽ do căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay mà các thành viên Chung khảo lại rất “chú ý” tới khía cạnh này…
Rõ ràng, để có cách cấu trúc như vậy, người viết không chỉ sử dụng năng lực cảm thụ và khả năng biểu đạt mà còn phải tìm hiểu, gặp, đối thoại với các tác giả. Tức là phải rất kỳ công. Ông có thể cho biết, từ đâu ông nảy ra cách làm sách như trên?
-Điều này thật ra tôi cũng đã giải thích khá rõ ở phần đầu sách. Là bởi, bấy nay tôi luôn quan niệm, với một tác phẩm, dù độ dày chỉ vài ba trăm trang thì một bài viết (phê bình) về nó, dẫu dài đến thế nào chăng nữa cũng không thể ôm chứa được tất cả những điều tác giả muốn nói. Cái chính là ta phải “nhấn” được một số nét đặc trưng của tác phẩm. Phần còn lại là những thông tin “bên lề”, trong đó có những thông tin “bếp núc” do chính tác giả cung cấp. Qua đó, người đọc sẽ có dịp đối chiếu, tham khảo, từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá của riêng mình. Tôi tin rằng với cách cấu trúc như vậy, cuốn sách sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều cách tiếp cận hơn với một số tác phẩm được đề cập.
Ông được độc giả biết đến nhiều với tư cách một nhà thơ. Vậy mà mấy năm gần đây, ông lại liên tiếp gặt hái giải thưởng ở lĩnh vực phê bình, từ giải phê bình của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội; của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương và nay là giải của Hội Nhà văn Hà Nội. “Duyên” phê bình đến với ông từ bao giờ vậy?
-Thật ra, tôi đến với thơ và phê bình đều từ rất sớm. Và tác phẩm phê bình đầu tay của tôi - cuốn “Người gặp trong ngày, thơ đọc trong đêm” cũng chỉ in ra sau tập thơ đầu tay của tôi một năm. Cuốn sách tập hợp những bài tôi viết từ năm 19 đến năm 21 tuổi, và được xuất bản năm tôi 24 tuổi, tại Nhà xuất bản Văn học. Còn tính ra thì đến nay, số đầu sách về phê bình của tôi nhiều gấp 3 số sách thơ. Nhắc lại điều đó, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đến với phê bình văn học đã lâu. Chẳng qua gần đây tôi tham gia dự giải và được giải nên các bạn đọc trẻ mới chú ý hơn mà thôi.
Đến thời điểm này, ông tự nhận thấy, trong hai thể loại nói trên - thơ và phê bình, thể loại nào hợp với “tạng” của mình hơn?
-Tôi viết nhiều thể loại, không chỉ thơ, phê bình mà cả…truyện ngắn. Rồi còn viết báo, nghề gắn với đơn vị tôi đang công tác nữa chứ. Nói chung là tất cả những gì mình đã viết đều thấy… “hợp tạng” cả. Tuy nhiên, thực lòng tôi chỉ muốn mọi người nghĩ đến tôi như một nhà thơ và thực chất tôi vẫn nghĩ mình trước nhất là một nhà thơ. Việc viết phê bình đến với tôi tự nhiên như người thưởng thức một món ăn thì nói nhận xét của mình về món ăn đó, vậy thôi. Danh hiệu “nhà phê bình” gắn với tên tôi chẳng làm tôi thấy phấn khích thêm chút nào, thậm chí còn có cảm giác… ngại ngại, thấy có gì đó… xa lạ.
Trân trọng cảm ơn ông!